Loãng xương ở nam giới

Nam giới cũng bị loãng xương. Ở nam giới cũng như ở phụ nữ, loãng xương có thể làm yếu bộ xương, làm cho xương dễ bị gãy. Vào tuổi 65, nam giới mất khối xương nhanh như ở phụ nữ. Theo Bác sĩ Bart Clarke, một chuyên gia nội tiết chuyên về loãng xương

Bệnh loãng xương ở nam giới

Nam giới cũng bị loãng xương. Ở nam giới cũng như ở phụ nữ, loãng xương có thể làm yếu bộ xương, làm cho xương dễ bị gãy. Vào tuổi 65, nam giới mất khối xương nhanh như ở phụ nữ.

Theo Bác sĩ Bart Clarke, một chuyên gia nội tiết chuyên về loãng xương ở Bệnh viện Mayo, Rochester, Minnesota, vào tuổi 75, 1/3 nam giới bị loãng xương. Từ tuổi này trở đi, loãng xương hay gặp cả ở nam và nữ. Mặc dù chưa có cách chữa khỏi loãng xương, bạn có thể ngăn ngừa hoặc ít nhất là làm chậm tiến triển bệnh. Vì cho rằng loãng xương là bệnh của phụ nữ, rất nhiều nam giới bỏ qua các bước đơn giản mà họ nên thực hiện để phòng ngừa loãng xương.

Triệu chứng của loãng xương nam giới

Triệu chứng biểu hiện loãng xương nam giới
Loãng xương ở nam giới. (Ảnh minh họa)

Gãy xương thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh, có thể xảy ra mà không có sự đè ép bất thường lên xương. Gãy cổ xương đùi, cột sống, cổ tay là hay gặp nhất.
Khi xương cột sống bị bệnh, chúng có thể lún. Nhưng gãy lún này thường gây đau lưng nặng đột ngột và thậm chí dẫn đến giảm chiều cao. Lâu dần những gãy lún phức tạp có thể gây ra còng và gù lưng.
Hãy đến gặp Bác sĩ nếu bạn có phối hợp những dấu hiệu hoặc triệu chứng sau:

  • Gãy xương sống, cổ xương đùi, hoặc cổ tay
  • Đau lưng
  • Thấp dần kèm theo gù lưng.

Nguyên nhân loãng xương ở nam giới

Trong suốt cuộc đời, cơ thể bạn tạo ra mô xương mới để thay thế xương cũ bị phân huỷ. Khi bạn già đi, bạn tạo xương ít hơn vì bạn hấp thụ ít calci và vitamin D - là những chất liệu tạo thành xương.Đối với một nửa số nam giới bị loãng xương, nguyên nhân ngoài tuổi tác vẫn còn chưa rõ.
Hãy coi bộ xương của bạn như một tài khoản tiết kiệm đối với xương. Sự tạo xương lớn hơn sự huỷ xương cho tới khi bạn được 30 tuổi, là lúc bạn có khối xương lớn nhất. Sau đó bộ xương của bạn tiêu huỷ nhiều hơn tạo ra, điều này là bình thường.
Một số nam giới bị loãng xương không tích luỹ đủ khối xương dự trữ để bị tiêu đi khi về già. Một số người khác dự trữ đủ nhưng lại bị mất đi nhanh. Loãng xương làm cho nền xương bị rỗ.
Dưới kính hiển vi, xương bị loãng giống như một cây cầu sắt có nhiều rầm cầu bị mất. Giống như cây cầu, nó không thể đứng vững trước sự quá sức hằng ngày.

Điều trị loãng xương ở nam giới

Các bisphosphonat. Những thuốc này có thể làm chậm mất xương và tăng mật độ xương ở cột sống và cổ xương đùi. Alendronat (Fosamax) là bisphosphonat đầu tiên cho nam giới được Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Thuốc này đặc biệt có hiệu quả nếu bạn bị loãng xương do hoặc bị loãng xương nặng hơn do dùng steroid. Các nghiên cứu cho thấy alendronat làm giảm 50% nguy cơ gãy xương. Risedronat (Actonel) chưa được FDA cho phép dùng điều trị loãng xương ở nam giới, nhưng đã được chứng minh có hiệu quả ở phụ nữ.

  • Calcitonin. Hormon này được tuyến giáp tạo ra làm giảm sự mất xương. Nhiều nghiên cứu cho thấy nó làm giảm 40% số ca gãy cột sống. Calcitonin được dùng bằng cách xịt vào mũi và có 12% người dùng bị kích ứng mũi. Calcitonin đôi khi được dùng để điều trị nam giới có nguy cơ cao bị gãy xương nhưng không thể dùng alendronat. Calcitonin chưa được FDA cấp phép cho mục đích này.
  • Testosteron. Liệu pháp thay thế testosteron (TRT) chỉ có tác dụng đối với nam giới bị loãng xương do nồng độ testosteron thấp. Dùng testosteron khi bạn có nồng độ testosteron bình thường sẽ không làm tăng BMD.

Một số thuốc dùng điều trị loãng xương ở phụ nữ không nên dùng để điều trị ở nam giới:

  • Estrogen. Estrogen là cách điều trị loãng xương chủ yếu ở phụ nữ và không được khuyến nghị dùng cho nam giới. Estrogen có thể làm cho vú to và giảm ham muốn tình dục ở nam giới.
  • Raloxifen (Evista). Đây là thuốc chỉ được dùng cho phụ nữ bị loãng xương. Cần nghiên cứu thêm trước khi cho phép dùng thuốc dạng estrogen này cho nam giới.
  • Các statin. Một số nghiên cứu cho thấy là những thuốc hạ cholesterol này cũng ngăn ngừa mất xương, còn một số nghiên cứu khác cho thấy chúng không có tác dụng này. Các statin thường không được kê đơn cho nam và nữ bị loãng xương. Vẫn chưa có kết luận cuối cùng và cần nghiên cứu thêm.

Phòng ngừa loãng xương ở nam giới

Phòng ngừa loãng xương ở nam giới
Loãng xương ở nam giới. (Ảnh minh họa)

Phương pháp phòng bệnh Phòng ngừa là cách điều trị tốt nhất. Cho dù bạn đã bị loãng xương, hãy thực hiện những bước sau để giúp ngăn xương của bạn không bị yếu hơn. Thậm chí bạn có thể thay thế xương mà bạn đã mất.

  • Dùng đủ vitamin C và vitamin D. Cả hai đều rất cần thiết để xây dựng được khối xương lớn nhất khi còn trẻ và ngăn mất xương khi bạn già. Bộ xương chứa 99% lượng calci của cơ thể.
  • Nếu cơ thể không nhận đủ calci, nó sẽ được lấy từ xương. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy bổ sung calci và vitamin D làm giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi và cột sống.
  • Nam giới nên uống 400-800 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày, nhưng không quá 800 (IU). Vitamin tổng hợp thường chứa 400 IU vitamin D. Một số nguồn vitamin tự nhiên tốt gồm sữa (400 IU/0,25 lít), ngũ cốc (50 IU/bữa), lòng đỏ trứng - trừ khi bạn bị cholesterol cao - và cá biển.
  • Nam giới dưới 65 tuổi cần 1000 mg calci mỗi ngày. Nam giới lớn hơn 65 tuổi cần ít nhất 1500mg calci hàng ngày. Tốt nhất là chia thành nhiều liều trong cả ngày
  • Ví dụ bác sĩ có thể khuyên bạn uống 1000 mg vào bữa sáng và 500 mg vào bữa tối hoặc lúc đi ngủ.
  • Các thuốc chống tiết acid dạng nhai được chứa calci carbonat là nguồn bổ sung calci tốt. Không dùng các thuốc chống tiết acid chứa nhôm hoặc magiê.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu canxi
  • Luyện tập. Xương đáp ứng với hiệu lực của cơ khi làm việc. Luyện tập có thể giúp xương của bạn tích luỹ calci dự trữ và cải thiện sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ và thăng bằng - tất cả đều làm giảm nguy cơ ngã và gãy xương.
    • Luyện tập có thể ngăn mất xương thêm ở nam giới bị loãng xương. Hãy tập các bài tập mang trọng lượng ít nhất 3 lần mỗi tuần. Đi bộ hoặc chạy. Nâng tạ, nhưng cần thận trọng. Khiêu vũ hoặc chơi tennis, nhưng tránh các môn thể thao va chạm và bất cứ hoạt động nào khác có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
  • Không hút thuốc. Hút thuốc lá đẩy nhanh tốc độ mất xương.
  • Tránh uống rượu quá nhiều. Uống hơn 2 cốc rượu mỗi ngày có thể làm giảm hình thành xương và giảm khả năng hấp thụ calci của cơ thể.
  • Hạn chế caffein. Uống tới 3 cốc cà phê một ngày không gây hại cho xương. Đừng uống quá 3 cốc, đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ loãng xương khác.

Chế độ chăm sóc loãng xương ở nam giới

Sữa không là giải pháp duy nhất

Dù có uống sữa đều đặn nhưng nếu chất vôi không được hấp thu vào máu thì canxi không thể lên đường tìm về mô xương đang ngóng cổ chờ mong.
Dù chất vôi có được đưa vào máu, chẳng hạn bằng đường tiêm thuốc, nhưng vì lý do nào đó lại không dừng chân thường trú trong mô xương, như trong giai đoạn mãn kinh vì rối loạn nội tiết tố, thì cũng bằng không.
Dù cơ thể không thiếu canxi cũng không có rối loạn trong tiến trình hấp thu chất vôi, thí dụ dưới ảnh hưởng của stress, lại bị huy động ra khỏi mô xương quá nhanh để vào đường đào thải. Vì vậy, nạn nhân không những dễ bị loãng xương mà đồng thời phải đối đầu với nhiều bệnh chứng khác không kém phần nghiêm trọng như hạ canxi huyết, sỏi thận...

Bác sĩ chữa bệnh loãng xương cốt sao cho xương bớt loãng, hay nói đúng hơn là ngưng loãng tiếp, nếu nói để xương hết loãng thì đúng là cường điệu. Chế độ dinh dưỡng cho người bị loãng xương cũng không thể ra ngoài mục đích:

  • Phòng ngừa loãng xương nếu xương chưa loãng.
  • Trì hoãn thời điểm bộc phát nếu xương hết chắc.
  • Trợ lực thuốc và ổn định tiến trình biến dưỡng nếu xương đã loãng.

Thực phẩm nên dùng:

  • Sữa tất nhiên là món không nên quên, nhưng với nhiều người không dung nạp được sữa tươi thì sữa chua là biện pháp nên được chú trọng hơn.
  • Các loại cá biển có nhiều dầu omega-3 như cá thu, cá mòi, cá hồi.
  • Khoai lang, đậu phộng, dầu mè, và đặc biệt là trái thơm vì là nguồn thực phẩm dồi dào magiê. Đừng quên là lượng magiê phải bằng phân nửa lượng canxi thì chất vôi mới được ký gởi trong mô xương. Người loãng xương rất cần khẩu phần thật đa dạng vì canxi muốn vào được xương phải nhờ sự có mặt cùng lúc của nhiều khoáng chất khác.

Thực phẩm nên tránh:

  • Các loại nước ngọt có ga vì hợp chất photpho trong nước giải khát ngọt hơn chè sẽ kéo chất vôi theo đường bài tiết. Tương tự như thế là thành phần photpho trong thịt nguội, cá xông khói...
  • Đừng uống quá nhiều trà vì trà tuy có chứa chất vôi nhưng chất chát trong trà, nếu ở liều lượng cao, lại là nhân tố ngăn cản sự hấp thu canxi qua niêm mạc đường tiêu hoá. Tác dụng tương tự như thế dù yếu hơn là cà phê và nhiều loại thuốc cảm!

Thực đơn cho người loãng xương:

  • Rượu thì tệ hơn nữa vì không chỉ gây thất thoát canxi mà hầu như tất cả khoáng chất!
  • Giảm tối đa các dạng thực phẩm công nghệ và đồ hộp vì lượng muối natri thường rất cao trong đó có tác dụng tương tranh với canxi.
  • Bớt các loại rau cải như bạc hà, củ dền, rau muống vì chứa nhiều oxalat. Chất này không chỉ kết dính với canxi mà với các khoáng chất khác cần thiết cho độ bền vững của mô xương như mangan.
  • Bánh mì cũng là món khắc khẩu với người bị loãng xương vì thành phần phytate trong bánh mì là lý do khiến mô xương trở thành thiếu hai nhân tố cơ bản, canxi và magiê...

Bài thuốc dân gian loãng xương ở nam giới

Về trị liệu, ngoài việc dùng thuốc, châm cứu, tập khí công dưỡng sinh, người xưa cũng sử dụng nhiều món ăn - bài thuốc độc đáo.

1. Thể bệnh thận âm hư

Lưng đau gối mỏi, hay buồn nhức các đầu ngón tay và chân, lũng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực chộn rộn không yên, môi khô miệng khát, thích ăn đồ mát,đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ.

  • Đậu đen 500g, Sơn thù, Bạch linh, Qui đầu, Tang thầm, Thục địa, Phá cố chỉ, Thỏ ti tử , Hạn niên thảo, Ngũ vị, Kỉ tử, Địa cốt bì, vừng đen, muối ăn mỗi thứ 10g. Đậu đen rửa sạch, ngâm nước ấm trong 30 phút; các vị thuốc khác đem sắc kỹ 4 lần, mỗi lần chừng 30 phút.
  • Trộn 4 loại nước lại với nhau, cho đậu đen và muối vào sắc kỹ bằng lửa nhỏ cho đến khi cạn kiệt. Lấy đậu đen ra phơi hoặc sấy thật khô, đựng vào lọ kín dùng dần; mỗi ngày ăn 20 - 30g.
  • Công dụng: Bổ thận dưỡng can, cường gân tráng cốt.

2. Thể bệnh can thận âm hư

 Thể trạng gầy yếu, hay hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm sút, tai ù điếc, lưng đau gối mỏi, móng tay và móng chân khô giòn, dễ bị chuột rút, tâm trạng phiền muộn, trong lòng hay bức bối không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, có thể có gãy xương, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ.

  • Tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 80g. Các vị thuốc rửa sạch đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
  • Công dụng: Tư âm, bổ can thận.
  • Bột bạch linh, bột mỳ, bột xương dê, bột mẫu lệ và đường trắng lượng bằng nhau trộn đều, cho lượng nước vừa đủ, nhào thật kỹ, chế thêm mỡ và muối rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nướng chín, dùng làm đồ ăn điểm tâm hằng ngày.
  • Công dụng: Bổ tỳ thận, làm mạnh gân cốt.

3. Thể tỳ thận dương hư

 Toàn trạng mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng đau gối mỏi, ăn kém, chậm tiêu bụng chướng, đại tiện lỏng hoặc nát, có thể có phù nhẹ hai chân, nam giới liệt dương, di tinh, nữ giới kinh nguyệt không đều, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt.

  • Chim sẻ 5 con, kỷ tử 20g, đại táo 15g, gạo tẻ 60g. Chim sẻ làm thịt, bỏ lông, chân và phủ tạng rồi đem hầm với kỷ tử và gạo tẻ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
  • Công dụng: Bổ thận, ôn dương, ích tinh, làm mạnh gân xương.
  • Xương sống chó 200g, Đẳng sâm, thỏ ty tử, thục địa mỗi thứ 10g, gia vị vừa đủ. Xương chó rửa sạch, chặt nhỏ; các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng; tất cả cho vào nồi hầm nhừ, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày.
  • Công dụng: Bổ thận ôn dương, ích khí dưỡng huyết, cường gân tráng cốt.

Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Ngứa hậu môn là bệnh lý xảy ra khi vùng da quanh hậu môn bị kích thích. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nhưng triệu chứng chung là người bệnh thường bị ngứa hoặc nóng ran vùng hậu môn hoặc vùng da xung quanh. Việc điều trị có thể
  • 28-05-2018
    Tiêu chảy có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau với các triệu chứng, biểu hiện khác nhau bao gồm tiêu chảy cấp và tiêu chảy mãn. Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không
  • 28-05-2018
    Xơ phổi là một bệnh nghiêm trọng gây sẹo tiến triển của mô phổi. Những suy nghĩ hiện nay, chứng xơ phổi bắt đầu với chấn thương lặp đi lặp lại các mô trong và giữa các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi. Thiệt hại cuối cùng dẫn đến sẹo (xơ hóa), và làm
  • 28-05-2018
    Suy tuyến cận giáp là tình trạng tuyến cận giáp trạng không sản sinh đủ hormon tuyến cận giáp (viết tắt là PTH- parathyroid hormon) có tác dụng trong việc điều chỉnh lượng canxi và photpho trong xương và máu của cơ thể. Thiếu PTH dẫn đến tình trạng giảm
  • 28-05-2018
    Bệnh nhân của chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu” hay hội chứng BDD) hay lo lắng về những khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể bất kể chúng có thật hay do chính người bệnh tưởng tượng ra.nNhững ai thường mắc phải chứng mặc cảm ngoại hình (hội
  • 04-10-2018

    1. Mô tả Viêm màng phổi xảy ra khi lớp màng kép lót trong khoang ngực và bao quanh phổi bị viêm. Viêm màng phổi thường gây đau nhiều, đặc biệt là khi thở. 2. Phân loại Viêm màng phổi thường được phân thành 2 loại: viêm màng phổi nguyên phát và viêm màng