Khó tiêu

Chứng khó tiêu hoặc rối loạn dạ dày-ruột là một thuật ngữ mô tả sự khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên. Đây không phải là một căn bệnh. Khó tiêu là một nhóm các triệu chứng thường bao gồm cả đầy hơi, buồn nôn và ợ nóng. Chứng khó tiêu thường gây ra bởi

Tổng quan chứng khó tiêu

  • Chứng khó tiêu hoặc rối loạn dạ dày-ruột là một thuật ngữ mô tả sự khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên. Đây không phải là một căn bệnh. Khó tiêu là một nhóm các triệu chứng thường bao gồm cả đầy hơi, buồn nôn và ợ nóng.
  • Chứng khó tiêu thường gây ra bởi axit dạ dày tiếp xúc với niêm mạc của hệ tiêu hóa. Axit dạ dày phá vỡ niêm mạc, gây kích ứng và viêm, kích hoạt các triệu chứng của chứng khó tiêu. Trong đa số các trường hợp, khó tiêu có liên quan đến việc ăn uống. Đôi khi nó có thể do nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Triệu chứng, biểu hiện khó tiêu

Triệu chứng, biểu hiện khó tiêu

Hầu hết mọi người có chứng khó tiêu cảm thấy đau và khó chịu trong dạ dày hay vùng ngực. Cảm giác này thường xuất hiện ngay sau khi ăn uống. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể xuất hiện một thời gian sau bữa ăn.
Một số người cảm thấy no nhanh trong bữa ăn, ngay cả khi họ ăn không nhiều. Ợ nóng và khó tiêu là hai biểu hiện riêng biệt. Ợ nóng là cảm giác nóng phía sau xương ức, thường là sau khi ăn.
Các triệu chứng sau đây ở người khó tiêu cũng rất phổ biến:
  • Buồn nôn.
  • Ợ hơi.
  • Cảm giác tức nặng, óc ách.
Trong trường hợp rất hiếm, khó tiêu có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày. Khó tiêu nhẹ thì bạn không có bất cứ điều gì phải lo lắng. Bạn nên gặp bác sĩ nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục trong thời gian hơn 2 tuần. Đi khám ngay lập tức nếu có cơn đau nặng, và một vài triệu chứng sau đây kèm theo:
  • Mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân.
  • Ói mửa.
  • Phân đen.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Đau ngực khi gắng sức.
  • Khó thở.
  • Đổ mồ hôi.
  • Đau ngực lan tỏa đến cánh tay, quai hàm hay cổ.

Nguyên nhân chứng khó tiêu

Nguyên nhân chứng khó tiêu

Chứng khó tiêu thường liên quan đến lối sống và những gì chúng ta ăn uống. Nó cũng có thể gây ra bởi các nguyên nhân: nhiễm trùng hoặc một số bệnh của hệ tiêu hóa. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
  • Ăn quá nhiều.
  • Ăn quá nhanh.
  • Ăn nhiều thực phẩm béo hoặc dầu mỡ.
  • Dùng nhiều gia vị thực phẩm.
  • Uống quá nhiều caffeine (cà phê).
  • Uống quá nhiều rượu.
  • Ăn quá nhiều sô-cô-la.
  • Uống quá nhiều đồ uống có ga.
  • Sỏi mật.
  • Viêm dạ dày.
  • Loét dạ dày, tá tràng.
  • Thoát vị.
  • Nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm Helicobacter pylori.
  • Căng thẳng.
  • Béo phì, gây ra bởi tăng áp lực bên trong ổ bụng.
  • Viêm tụy.
  • Hút thuốc.
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và NSAIDs (thuốc kháng viêm không steroid).
Khi bác sĩ không thể tìm thấy nguyên nhân gây ra khó tiêu, bệnh nhân có thể mắc chứng rối loạn tiêu hóa chức năng - một chứng làm suy yếu khả năng co bóp tiêu hóa thức ăn của dạ dày và khó chuyển thức ăn xuống ruột non gây ra khó tiêu.

Yếu tố nguy cơ gây khó tiêu

Yếu tố nguy cơ gây khó tiêu

  • Hầu hết trường hợp ăn không tiêu là do ăn quá nhiều hoặc quá nhanh, nhất là nói chuyện trong khi ăn, gây nuốt nhiều không khí. Hãy ăn một cách chậm rãi để có đủ thời gian cho thức ăn tiêu hóa và bạn nhận biết được cảm giác no (thường xuất hiện khoảng 20 phút sau khi bắt đầu ăn). Như vậy, bạn sẽ không bị ăn quá nhiều
  • Chứng khó tiêu có nguyên nhân chủ yếu do rối loạn chức năng vận động của dạ dày, ăn xong chơi nhảy cười đùa nhiều (hay gặp ở trẻ em), ăn vội vã, nhai không kỹ, giờ giấc ăn uống thất thường, do ăn quá nhiều đạm, mỡ (ở người lớn và trẻ em), uống quá nhiều bia rượu, cà phê …
  • Trẻ sơ sinh thường gặp vấn đề cơ vòng của thực quản chưa co thắt hoàn hảo bởi vậy khi các cháu ăn sữa hay bị ọc sữa ra ngoài. Cũng vì lý do đó nên trẻ hay bị triệu chứng thức ăn ợ ngược lên trên nhiều hơn là khó tiêu, trừ khi các cháu uống sữa bò (có các thành phần protein, đường...ít cân đối hơn sữa mẹ) thì các cháu có thể bị táo bón, khó tiêu. Còn người lớn thì ai cũng có thể bị đầy hơi chậm tiêu.
  • Nếu chúng ta ăn uống đúng giờ đúng giấc, tránh những thức ăn quá nặng nề có nhiều dầu nhiều mỡ, những người nào không ăn được sữa, không uống được sữa thì nên uống bổ sung men để hỗ trợ cho vấn đề tiêu hoá sữa.

Điều trị khó tiêu

Điều trị khó tiêu

Nguyên tắc chung

Khó tiêu nhẹ không cần phải dùng thuốc mà chỉ cần trấn an, động viên bệnh nhân ăn uống điều độ; ngưng dùng các thuốc gây trào ngược axit hay ăn không tiêu nếu trước đó bệnh nhân đã dùng. Cần hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá vì tác dụng của chúng lên cơ vòng thực quản dưới; thực hiện chế độ ăn ít mỡ, tránh ăn vặt trước khi đi ngủ và nằm đầu cao.
Điều trị chuyên biệt đối với các bệnh thực thể. Dùng phương pháp phẫu thuật đối với trường hợp đau quặn túi mật; sử dụng chế độ ăn đặc biệt để điều trị bệnh thiếu lactase và tiêu chảy mạn tính từng đợt; loét dạ dày cần điều trị với thuốc chuyên biệt; bệnh nhân khó tiêu do nguyên nhân chức năng nên dùng thuốc làm giảm axit dạ dày, kích thích cử động ruột hay làm giảm tính nhạy cảm của dạ dày.

Điều trị nội khoa

  • Thuốc ức chế hay trung hòa axit: Được sử dụng nhiều nhất để điều trị trào ngược dạ dày thực quản; thuốc kháng histamin H2 có ích trong điều trị bệnh từ nhẹ đến vừa; các triệu chứng nặng, viêm trợt hay viêm loét thực quản cần dùng thuốc ức chế bơm proton.
  • Diệt mầm bệnh gây loét: Dùng thuốc diệt Helicobacter pylori đối với bệnh nhân trẻ khó tiêu không có các triệu chứng báo động mà đã chẩn đoán xác định có vi khuẩn gây loét Helicobacter pylori.
  • Sử dụng thuốc kích thích cử động của dạ dày, ruột: có thể dùng các thuốc kích thích cử động của dạ dày, ruột như: cisaprid, metoclopramid, erothromycin và domperidon có hiệu quả nhất định trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
  • Ở những bệnh nhân khó tiêu kiểu rối loạn cử động có thể đáp ứng tốt hơn với thuốc kích thích cử động.

Các phương pháp khác

Nếu bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, có thể sử dụng phẫu thuật chống trào ngược.
Những bệnh nhân khó tiêu chức năng không đáp ứng với thuốc ức chế axit hay tăng vận chuyển nhưng có thể đáp ứng với thuôc chống trầm cảm 3 vòng.

Phòng ngừa khó tiêu

Phòng ngừa khó tiêu

  • Đừng ăn quá nhiều: đôi khi, hậu quả của việc ăn quá nhiều là chứng khó tiêu. Vì vậy hãy ăn chậm, nhai kỹ và chỉ ăn vừa đủ. Đừng tiếc cố ăn hết hoặc thấy ngon mà ăn quá đà sẽ khiến dạ dày quá tải, gây nên chứng khó tiêu phiền toái này đấy.
  • Hạn chế thực phẩm cay: thức ăn được thêm gia vị cay quả là khiến món ăn thêm ngon và hấp dẫn nhưng đây cũng là nguyên nhân lớn gây nên sự khó chịu trong dạ dày. Nếu thấy có triệu chứng khó tiêu thì cần cắt giảm ngay các món ăn nhiều gia vị, đặc biệt là gia vị cay.
  • Ngừng hút thuốc: ngừng hút thuốc hoặc cố gắng giảm số điếu thuốc hút xuống mức tối thiểu, không chỉ giúp giảm chứng khó tiêu mà còn có lợi cho sức khỏe của bạn.
  • Ăn chuối: một số nghiên cứu cho thấy ăn chuối hàng ngày rất tốt cho hệ tiêu hóa, nó như một loại thuốc kháng axit để “thoát khỏi” chứng ợ nóng. Ngoài ra, bạn có thể ăn đu đủ hoặc dứa cũng rất tốt cho dạ dày đang ậm ạch.
  • Một thìa mù tạt: mù tạt cũng giúp cho bạn thoát ngay khỏi chứng khó tiêu. Tất nhiên, nếu bạn không có vấn đề gì về bệnh đau dạ dày.
  • Tránh ăn trước khi ngủ: khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ, nên tránh ăn bất cứ thứ gì. Điều này sẽ hạn chế cơ hội cho chứng khó tiêu hoành hành. Bạn chỉ nên uống nước hoặc sữa ấm trước khi ngủ để có một giấc ngủ ngon mà thôi.
  • Tránh căng thẳng: một thực tế hiển nhiên là căng thẳng gây ra các vấn đề về sức khỏe, trong đó nó cũng ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa. Giải thoát sự căng thẳng ra khỏi cuộc sống của bạn là một điều lý tưởng. Hãy cố gắng đừng lo lắng quá nhiều về mọi thứ. Tăng cường hoạt động thể lực như đi bộ, tốt nhất là chọn một môn thể thao thích hợp.

Bài thuốc dân gian chữa khó tiêu

Bài thuốc dân gian chữa khó tiêu

Chứng đầy bụng, khó tiêu, nguyên nhân chủ yếu theo Đông y là do tỳ vị vận hóa không tốt làm cho ăn uống kém, thức ăn ăn bị đình trệ trọng dạ dày, ruột, bụng đầy trướng, khó chịu, ợ hơi, buồn nôn,… Có thể sử dụng một số bài thuốc đơn giản sau:
Bài 1: Quả quất tươi chín 1kg, rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim châm sâu vào quả nhiều lỗ. Cho quất vào lọ cùng với 2kg đường kính, cứ một lớp quất lại một lớp đường, đậy kín để trong vòng 7 ngày, thu được si rô quất màu vàng, mùi thơm. Khi dùng, lấy 1 thìa si rô quất pha với 100ml nước đun sôi để nguội uống. Ngày uống 2 - 3 lần. Uống 3 ngày.
Bài 2: Quất tươi chín 100g, 500ml rượu trắng, ngâm khoảng 2 tuần là dùng được. Hàng ngày, trước mỗi bữa ăn uống 15 - 20ml rượu quất có tác dụng chữa bụng trướng đầy, khó tiêu, giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa.
Bài 3: Chỉ xác 10g, đu đủ xanh khô (mộc qua) 30g, gừng khô 6g. Sắc uống mỗi ngày 1-2 lần. Uống 3 ngày.
Bài 4: Mộc hương, bạch truật, chỉ thực, mỗi vị 18g. Tất cả các vị thuốc tán bột, ngày uống 2 lần với nước gừng, mỗi lần uống 5g.
Bài 5: Lấy 20g tỏi ta bóc vỏ, giã nát, trộn với 5g đường phèn hoặc đường kính. Hòa với 60ml nước sôi còn ấm, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Bài 6: Lá mơ lông tươi 100g, rửa sạch, ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống vài lần trong ngày.
Bài 7: Rau cải thìa (cả cây), rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, hâm cho âm ấm, ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần uống 30ml. Uống 3 - 5 ngày.
Bài 8: Trần bì, mộc hương, nga truật, thanh bì, mỗi vị 3g; đinh hương, tiểu hồi, thần khúc, mỗi vị 4g. Tất cả các vị thuốc sấy khô tán bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g với nước sôi để nguội.
Bài 9: Sơn tra 60g, lục khúc 20g, bán hạ 30g, phục linh 30g, trần bì 10g, liên kiều 10g, la bạc tử 10g. Các vị thuốc sao vàng, tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g.
Bài 10: Mạch nha 10g, đảng sâm 10g, thảo quả 5g, trần bì 5g, phục linh 10g, can khương 3g, bạch truật 10g, hậu phác 5g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 3 ngày.
Lưu ý: Khi sử dụng các bài thuốc kết hợp nhiều vị, người bệnh cần được thầy thuốc Đông y hoặc lương y có uy tín kê đơn và hướng dẫn cụ thể.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Tưa miệng hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi, nhất là trẻ nuôi nhân tạo. Nguyên nhân tưa miệng là do nấm Candida Albicans sống ký sinh trong miệng, khi gặp điều kiện thuận lợi thì trở thành tác nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ dễ bị tưa miệng do bài tiết ít nước
  • 28-05-2018
    Ở vùng cổ tay có 8 xương nhỏ, gọi là xương cổ tay. Một dây chằng ngang cổ tay (còn gọi là mạc giữ gân gấp) nằm trên phía trước cổ tay. Ống cổ tay là khoảng không gian giữa dây chằng này và các xương cổ tay. Các gân gấp ngón của cơ vùng cẳng tay đi qua
  • 28-05-2018
    Bóc tách động mạch chủ là một căn bệnh rất nguy hiểm và có thể gây tử vong. Khi mắc bệnh, các lớp của động mạch chủ bệnh nhân bị tách rời nhau ra dẫn đến vỡ động mạch chủ và thiếu máu cục bộ.nÐộng mạch chủ thường được chia làm ba đoạn là động mạch chủ
  • 28-05-2018
    Các trường hợp xuất huyết (ra máu, chảy máu) sau đây là bất thường: Xuất huyết giữa các kỳ kinh, Xuất huyết sau khi quan hệ tình dục, Ra máu nhỏ giọt bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt Ra máu kinh nhiều hơn (cường kinh) hoặc dài hơn bình
  • 28-05-2018
    Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Nó là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Đa số ung thư tuyến giáp là ung thư biểu mô biệt hoá cao, tiến triển âm thầm, giai đoạn ẩn bệnh kéo dài, điều trị chính yếu là phẫu thuật. Đa số bệnh nhân
  • 28-05-2018
    Glôcôm là một bệnh nguy hiểm và phức tạp trong nhãn khoa, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO), Glôcôm là nguyên nhân đứng thứ 2 gây mù loà sau đục thuỷ tinh thể và là nguyên nhân hàng đầu gây mù không hồi phục. Ở Việt Nam, từ lâu Glôcôm được