Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh tiêu hóa mãn tính vẫn chưa tìm được nguyên nhân. Những triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau hay quặn bụng, chướng bụng và đầy hơi, ngoài ra còn kèm theo thay đổi thói quen đi đại tiện. Tuy nhiên, hội chứng ruột kích

Tổng quan bệnh hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh tiêu hóa mãn tính vẫn chưa tìm được nguyên nhân. Những triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau hay quặn bụng, chướng bụng và đầy hơi, ngoài ra còn kèm theo thay đổi thói quen đi đại tiện.
Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích không phải là một viêm ruột thật sự.
Hội chứng ruột kích thích không gây lây nhiễm, di truyền hoặc ung thư hóa. Tuy nhiên, nó thường xuyên làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. 90% những người được phỏng vấn trong một cuộc điều tra trong nhóm những người đã kết hôn hoặc đang sống thử tiền hôn nhân cho biết hội chứng này gây khó khăn cho họ trong các mối quan hệ riêng tư và 45% cho biết nó gây khó khăn cho đời sống tình dục của họ.

Triệu chứng, biểu hiện hội chứng ruột kích thích

Triệu chứng, biểu hiện hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau. Tiêu chuẩn xác định của hội chứng ruột kích thích là khó chịu hoặc đau ở bụng.
Những triệu chứng sau cũng thường hay gặp:
  • Đau và quặn bụng và giảm đi sau mỗi nhu động ruột.
  • Thay đổi chu kỳ tiêu chảy và táo bón.
  • Thay đổi số lần đi đại tiện.
  • Đầy hơi.
  • Chảy dịch nhầy ra khỏi trực tràng.
  • Chướng bụng.
  • Đầy bụng.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến từng người theo những cách khác nhau. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy liên hệ với bác sĩ để sắp xếp một cuộc hẹn khám bệnh.
Nếu người bệnh có những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích kèm theo những dấu hiệu bất thường, nên hỏi ý kiến bác sĩ. Hãy đến phòng cấp cứu bệnh viện nếu như triệu chứng trở nên nặng hoặc xuất hiện một cách đột ngột.
Những triệu chứng trái ngược với hội chứng ruột kích thích bao gồm: có máu trong phân hoặc trong nước tiểu, nôn ói, phân đen hoặc giống như hắc ín, đau hoặc tiêu chảy nặng đủ để đánh thức người bệnh dậy giữa chừng và sụt cân. Nếu gặp những triệu chứng này, hãy đi khám bệnh ngay lập tức.

Nguyên nhân hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân

  • Có giả thuyết cho rằng, đó là kết quả của sự tác động qua lại của nhu động ruột bất thường, sự quan tâm nhiều hơn đến những chức năng bình thường của cơ thể và sự thay đổi liên kết thần kinh giữa não và ống tiêu hóa. Những nhu động bất thường của ruột (quá nhanh hay quá chậm) xảy ra ở một số người bị hội chứng ruột kích thích.
  • Hội chứng ruột kích thích cũng xuất hiện sau một giai đoạn viêm dạ dày - ruột.
  • Người ta còn cho rằng hội chứng ruột kích thích gây ra bởi dị ứng với thức ăn hoặc nhạy cảm đối với thức ăn, tuy nhiên điều này vẫn chưa được chứng minh.
  • Những triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể xấu đi khi bị stress hoặc có kinh nguyệt, nhưng những yếu tố trên không có vẻ là nguyên nhân dẫn đến hội chứng này.

Cơ chế sinh bệnh của hội chứng ruột kích thích

  • Sự cảm thụ bất thường chức năng ống tiêu hóa: Tăng tính nhạy cảm, nội tạng dễ kích thích.
  • Thay đổi tính chịu đựng của ruột, giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn ở một số đoạn ruột.
  • Rối loạn vận động của ruột, tăng nhu động ruột gây ỉa chảy, giảm nhu động ruột gây táo bón.

Các yếu tố nguy cơ hội chứng ruột kích thích

Các yếu tố nguy cơ hội chứng ruột kích thích

Nhiều người thỉnh thoảng có dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, nhưng có nhiều khả năng có hội chứng ruột kích thích nếu:
  • Là người trẻ tuổi. Hội chứng ruột kích thích bắt đầu trước tuổi 35 ở 50% dân số.
  • Nữ giới. Nhìn chung, phụ nữ bị hội chứng ruột kích thích nhiều gấp 2 lần so với nam giới.
  • Tiền sử gia đình bị hội chứng ruột kích thích. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có người thân - như cha mẹ hoặc anh chị em - bị hội chứng ruột kích thích có nguy cơ mắc hội chứng này.
Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu xem ảnh hưởng của tiền sử gia đình bị hội chứng ruột kích thích đối với nguy cơ mắc hội chứng này liên quan đến gen, các yếu tố môi trường.

Điều trị hội chứng ruột kích thích

Điều trị hội chứng ruột kích thích

Tại nhà

Nhiều người bị hội chứng này đã tự thay đổi chế độ ăn trước khi gặp bác sĩ. Tránh những thức ăn hằng ngày tạm thời có thể giúp phân biệt được hội chứng ruột kích thích với những triệu chứng không dung nạp lactose vốn có những biểu hiện tương tự. Những bệnh nhân tránh ăn các thức ăn thường ngày nên tập luyện và xem xét vấn đề uống thêm viên canxi hỗ trợ.
Một số loại thức ăn, chẳng hạn như các loại rau thuộc họ cải (súp lơ, cải xanh, bắp cải) và những loại đậu có thể làm cho triệu chứng chướng bụng và đầy hơn nặng hơn.

Điều trị

Hầu hết những người bị hội chứng ruột kích thích chỉ đôi khi mới gặp triệu chứng. Một số người có thể có triệu chứng kéo dài và cần phải được kê đơn thuốc.
  • Cách điều trị phổ biến nhất của hội chứng ruột kích thích là thêm chất xơ vào bữa ăn. Theo mặt lý thuyết thì việc này sẽ làm giãn phần trong ống tiêu hóa nên giúp giảm khả năng ống tiêu hóa bị co thắt khi thức ăn đi qua. Chất xơ cũng làm cải thiện tần số nhu động ruột giúp làm giảm táo bón. Nên tăng lượng chất xơ một cách từ từ vì có thể ban đầu nó sẽ làm triệu chứng chướng bụng và đầy hơi tăng lên.
  • Stress có thể làm hội chứng ruột kích thích nặng hơn. Bác sĩ sẽ cho những lời khuyên để giảm stress. Thường xuyên ăn những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng và tập luyện thể dục có thể làm giảm stress và những vấn đề liên quan đến hội chứng ruột kích thích.
  • Hút thuốc có thể làm hội chứng ruột kích thích nặng hơn.
  • Do nhiều bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích được báo cáo rằng có sự không dung nạp thức ăn, danh sách thức ăn hằng ngày có thể giúp xác định loại thức ăn nào làm hội chứng này nặng hơn.

Thuốc

  • Thuốc chống co thắt, chẳng hạn như dicyclomine (Bemote, Bentyl, Di-Spaz) và hyoscyamine (Levsin, Levbid, NuLev), đôi khi được dùng để điều trị triệu chứng ruột kích thích. Thuốc giúp làm chậm hoạt động của ống tiêu hóa lại và giảm nguy cơ co thắt. Tuy nhiên, thuốc có một số tác dụng phụ nhưng không xuất hiện ở tất cả mọi người. Những biện pháp điều trị khác cũng có thể hiệu quả, tùy thuộc vào tình trạng và triệu chứng của bệnh nhân.
  • Thuốc chống tiêu chảy, như loperamide (Imodium), dược chất có chứa kaolin/pectin (Kaopectate), và diphenoxylate/atropine (Lomotil), đôi khi được dùng khi tiêu chảy là triệu chứng chính của hội chứng ruột kích thích. Không được dùng lâu dài nếu không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
  • Thuốc chống trầm cảm có thể rất hiệu quả ở liều thấp hơn liều thường được dùng để điều trị trầm cảm. Imipramine (Tofranil), amitriptyline (Elavil), nortriptyline (Pamelor) và desipramine (Norpramin) là một số thuốc thường được dùng để làm giảm bớt hội chứng ruột kích thích. Một số loại thuốc trầm cảm khác được kê đơn nhiều hơn khi trầm cảm và hội chứng ruột kích thích xuất hiện đồng thời.
  • Sau đây là những loại thuốc mới hơn thường được dùng cho những bệnh nhân không cải thiện triệu chứng đối với những cách điều trị trên:
    • Tegaserod (Zelnorm) được dùng để điều trị ngắn hạn cho những phụ nữ bị hội chứng ruột kích thích nếu như táo bón là triệu chứng chính. Tegaserod kích thích nhu động ruột ở ống tiêu hóa làm giảm nguy cơ bị táo bón. Thuốc được dùng 2 lần mỗi ngày, 30 phút trước bữa ăn sáng và tối, trong vòng 4 - 6 tuần. Đối với những người có đáp ứng tốt với thuốc thì sẽ được xem xét điều trị thêm 4-6 tuần nữa. Cần phải liên lạc với bác sĩ ngay nếu như triệu chứng đau bụng và tiêu chảy mới xuất hiện hoặc đột ngột xấu đi. Tính an toàn và hiệu quả trên nam giới của tegaserod vẫn chưa được nghiên cứu một cách thích đáng, do đó Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA - Food and Drug Administration) không thông qua việc dùng loại thuốc này để điều trị hội chứng ruột kích thích trên nam giới.
    • Alosetron (Lotronex) được dùng điều trị ngắn hạn cho những phụ nữ bị hội chứng ruột kích thích với triệu chứng nổi bật là tiêu chảy nặng, mạn tính và không đáp ứng điều trị với cách điều trị thông thường. Có chưa tới 5% số người bị hội chứng ruột kích thích bị ở thể nặng, và chỉ một phần trong số họ có triệu chứng tiêu chảy chiếm ưu thế. Alosetron bị loại ra khỏi thị trường Hoa Kỳ nhưng sau đó được giới thiệu lại với những hạn chế mới được thông qua bởi FDA vào ngày 7/6/2002.
Thuốc bị giới hạn sử dụng do những tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa nghiêm trọng và không dự đoán trước được (bao gồm cả một số trường hợp tử vong) được báo cáo sau khi nó được thông qua lần đầu tiên vào tháng 2/2000. Cũng như với tegaserod, tính an toàn và hiệu quả của alosetron vẫn chưa được nghiên cứu một cách thích đáng trên nam gới, do đó, FDA không thông qua việc dùng loại thuốc này để điều trị hội chứng ruột kích thích trên nam giới.

Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích

Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích

Ăn uống điều độ giúp ổn định bệnh
Trong quá trình điều chỉnh chế độ ăn nên để ý theo dõi các loại thức ăn từng ngày ảnh hưởng triệu chứng thế nào. Có thể sử dụng nhật ký để ghi nhận mối liên quan giữa từng loại thức ăn và triệu chứng bệnh để trao đổi với bác sĩ khi khám chuyên khoa.
  • Sữa là nguyên nhân thường gặp trong bệnh này - đặc biệt là ở nước ta khi tỉ lệ người không dung nạp đường lactose trong sữa chiếm tỉ lệ cao. Nếu nghi ngờ do sữa nên giảm sử dụng sữa và các thực phẩm làm từ sữa hay có chứa sữa trong thành phần, có thể thay thế bằng lượng ít sữa chua. Nếu không thể uống sữa, người bệnh cần sử dụng thuốc bổ sung canxi để phòng chống loãng xương.
  • Chế độ ăn nhiều rau sẽ cải thiện triệu chứng, đặc biệt là các đối tượng hay đi đại tiện phân cứng. Chất xơ giúp ruột giãn nhẹ giúp giảm co thắt tại ruột. Tuy nhiên, cần lưu ý chế độ ăn nhiều rau và trái cây đôi khi tạo cảm giác đầy bụng và xì hơi nhiều. Các triệu chứng này sẽ dần mất đi theo thời gian. Để giảm triệu chứng xì hơi, nên ăn chất xơ tăng dần qua mỗi ngày.
  • Uống đủ nước cũng giúp giảm triệu chứng. Uống khoảng 6-8 ly nước, chia đều trong ngày, tuy nhiên hạn chế uống nước có gas. Ngoài ra, nên hạn chế nhai kẹo cao su và ăn quá nhanh (do nuốt nhiều hơi vào đường ruột), tránh uống rượu và cà phê. Không nên ăn quá no và hạn chế thức ăn giàu chất béo. Thay vào đó nên ăn vừa phải và ăn thêm bữa phụ nếu cần.
Hội chứng ruột kích thích là bệnh không nguy hiểm và không có nguy cơ chuyển sang ung thư dù khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Song nếu bệnh nhân biết điều tiết chế độ ăn và biết cách giữ thăng bằng tâm lý trong cuộc sống sẽ giúp hạn chế tối đa việc xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Bài thuốc dân gian hội chứng ruột kích thích

Bài thuốc dân gian hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích gây rối loạn chức năng ruột già, kèm theo đó là những đợt táo bón xen kẽ với tiêu chảy và một số triệu chứng khác. Mặc dù chưa ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng bệnh gây nhiều khó khăn và phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Điều trị bằng đông y có tác dụng tích cực đối với trường hợp này.
Nguyên nhân gây hội chứng kích thích cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác được, nhưng có liên quan đến một số yếu tố sau đây:
  • Yếu tố tâm lý
  • Không dung nạp thức ăn
  • Rối loạn vận động của ruột
  • Nhiễm khuẩn và viêm…
Theo kết quả tại Bệnh viện Y học cổ truyền, trường hợp mắc hội chứng này bệnh nhân đến khám phổ biến. Các triệu chứng thường gặp như: Đau bụng (94%), chướng bụng (84%), rối loạn đại tiện (81%). Hội chứng ruột kích thích dùng thuốc y học cổ truyền để chữa về đường ruột cho kết quả tốt, đặc biệt là sau khi bệnh nhân được thầy thuốc giải thích rõ diễn biến của bệnh.
Theo y học cổ truyền hội chứng ruột kích thích thuộc phạm vi các chứng: Đau vùng bụng, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy… Những triệu chứng này làm cho cơ thể người bệnh luôn mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, chướng bụng sau khi ăn, đau bụng âm ỉ, táo bón xen kẽ với tiêu chảy, đi ngoài phân nhầy nhớt và không thành khuôn.
Đặc điểm của bệnh thường tái phát làm người bệnh lo lắng. Quá trình điều trị rất phức tạp cần sự đòi hỏi của cả thầy thuốc và bệnh nhân.
Thứ nhất: Về phía người bệnh cần có tư tưởng thoái mái, tránh căng thẳng stress, thể lực suy kiệt (thức đêm, làm việc quá sức, bất hòa trong gia đình) đồng thời tăng cường tập thể dục, dưỡng sinh, ngồi thiền để thư giãn. Điều trị có tác dụng làm cải thiện chất lượng cuộc sống làm người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn. Quá trình bao gồm các bước:
  • Tư vấn tâm lý.
  • Có chế độ ăn kiêng, thức ăn nhiều đạm ít mỡ, không kiêng quá mức, tránh các loại thức ăn sống, không nên uống rượu bia và các loại nước giải khát có gas.
  • Sử dụng một số loại thuốc.
Thứ hai: Người thầy thuốc biết lắng nghe người bệnh, đồng thời trấn an và giải thích cho bệnh nhân yên tâm kiên nhẫn hợp tác với thầy thuốc. Người bệnh nên nghe hướng dẫn về cách tiết chế lối sống để thích nghi và hạn chế những triệu chứng. Đồng thời khi được chẩn đoán bệnh thì phải theo dõi định kỳ.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 05-09-2018

    Hầu hết các trường hợp sưng hạch bạch huyết ở trẻ nhỏ không quá nghiêm trọng, chúng sẽ trở lại kích thước như cũ sau khi nguyên nhân gây sưng đã hết.

  • 04-10-2018

    Ung thư phổi không lây nhiễm qua đường hô hấp. Virus gây ung thư chỉ cư trú và phát triển trong cơ thể bệnh nhân và hình thành những khối u có thể di căn gây tổn hại hệ hô hấp, phá vỡ hệ miễn dịch.

  • 05-07-2018
    Loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm, có thể phải bị cắt cụt cả bàn chân hoặc cẳng chân, gây tàn phế suốt đời cho người bệnh. Sự khởi đầu của biến chứng này là nhiễm trùng và có sự kết hợp của bệnh lý về thần kinh
  • 28-05-2018
    Cơ thể mỗi người có hai tuyến thượng thận. Mỗi tuyến nằm ngay phía trên mỗi thận. Các tuyến thượng thận tiết ra nhiều hormone cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Bệnh nhân suy thượng thận bị thiếu hormone cortisol và aldosterone. Cortisol
  • 28-05-2018
    Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là tình trạng đường trong máu quá cao. Bệnh tiểu đường có hai dạng là bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2 (hay từng được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn). Ở bệnh tiểu đường tuýp 2 (đái tháo
  • 28-05-2018
    1. Định nghĩa Cong vẹo cột sống là trình trạng cong của cột sống sang phía bên của trục cơ thể và vẹo xoay của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang. 2. Phân loại Cong vẹo cột sống có hai nhóm chính: Vẹo không cấu trúc và Vẹo cấu trúc. Vẹo