Cơn đau thắt ngực

Đau thắt ngực là gì? Cơn đau thắt ngực là tình trạng khó chịu ở ngực, xảy ra khi sự cung cấp máu có chứa ôxy đến một vùng nào đó của cơ tim giảm đi. Trong hầu hết các trường hợp, sự thiếu cung cấp máu vì hẹp động mạch vành do xơ hóa động mạch. Cơn đau

Tổng quan

Đau thắt ngực là gì?

Cơn đau thắt ngực là tình trạng khó chịu ở ngực, xảy ra khi sự cung cấp máu có chứa ôxy đến một vùng nào đó của cơ tim giảm đi.
Trong hầu hết các trường hợp, sự thiếu cung cấp máu vì hẹp động mạch vành do xơ hóa động mạch.
Cơn đau thắt ngực thường xảy ra sau khi bệnh nhân gắng sức, trải qua những stress về cảm xúc nặng nề, hoặc sau khi ăn quá nhiều.
Trong những lúc như vậy, cơ tim sẽ cần nhiều ôxy hơn mức mà các động mạch vành bị hẹp có thể cung cấp.
Cơn đau thắt ngực thường kéo dài từ 1 đến 15 phút và giảm đi bằng cách nghỉ ngơi hoặc đặt thuốc nitroglycerin dưới lưỡi. Nitroglycerin có tác dụng làm giãn các mạch máu và làm giảm huyết áp.
Cả nghỉ ngơi lẫn nitroglycerin đều có tác dụng là giảm nhu cầu ôxy của cơ tim, do đó làm giảm đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực được chia ra làm 2 loại: ổn định hoặc không ổn định.

Cơn đau thắt ngực ổn định

Là loại cơn đau thắt ngực thường gặp nhất. Những người bị đau thắt ngực ổn định là những người có mức khởi điểm xuất hiện các triệu chứng đau thắt ngực giống nhau và các triệu chứng này một phần nào đó có thể tiên đoán được (chẳng hạn như cơn đau sẽ xuất hiện sau khi người bệnh đi bộ được một khoảng nhất định nào đó).
Đối với hầu hết bệnh nhân, các triệu chứng sẽ xuất hiện khi gắng sức và thường kéo dài ít hơn 5 phút. Chúng có thể giảm đi bằng cách nghỉ ngơi hoặc bằng cách sử dụng thuốc, chẳng hạn như nitroglycerin ngậm dưới lưỡi.

Cơn đau thắt ngực không ổn định

  • Cơn đau thắt ngực không ổn định ít gặp hơn và có mức độ nặng nề hơn. Các triệu chứng nặng hơn và khó tiên đoán hơn so với cơn đau thắt ngực ổn định.
  • Ngoài ra, cơn đau xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài lâu hơn, vẫn còn tồn tại ngay cả khi nghỉ ngơi và không giảm bớt khi ngậm nitroglycerin dưới lưỡi (hoặc bệnh nhân sẽ cần phải sử dụng nhiều nitroglycerin hơn bình thường).
  • Cơn đau thắt ngực không ổn định không giống với nhồi máu cơ tim nhưng bạn cần phải đến gặp bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ở bệnh viện ngay lập tức do cần phải thực hiện gấp những biện pháp kiểm tra tim chuyên sâu hơn.
  • Cơn đau thắt ngực không ổn định thường là dấu hiệu báo trước của nhồi máu cơ tim.

Những đối tượng dễ bị đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực có thể xảy ra ở cả nam và nữ độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, thường gặp nhất vẫn là nam giới trong độ tuổi dưới 60.
Đau thắt ngực có thể xuất hiện hàng tuần, hàng tháng thậm chí nhiều năm trước khi bị nhồi máu cơ tim nhưng cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của nhồi máu cơ tim hoặc chỉ xảy ra sau nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, người ăn quá nhiều chất béo, có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, hay phải lo nghĩ, gia đình tiền sử có người bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… đều là đối tượng có nguy cơ bị cơn đau thắt ngực.

Triệu chứng, biểu hiện cơn đau thắt ngực

Triệu chứng, biểu hiện cơn đau thắt ngực

  • Cơn đau thắt ngực thường cho những cảm giác như: bị đè ép, nặng, bóp nghẹn, co xiết, hoặc đau dọc theo ngực, đặc biệt là phía sau xương ức. Cơn đau thường lan đến cổ, quai hàm, cánh tay, lưng, hoặc thậm chí là răng.
  • Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy: ăn không tiêu, bỏng rát ngực, yếu ớt, vã mồ hôi, buồn nôn, chuột rút và khó thở.
  • Khó thở nhanh, nông.
  • Đánh trống ngực, hồi hộp.
  • Buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi.
  • Có trường hợp xuất hiện đái nhiều
  • Cơn đau khởi phát chủ yếu do gắng sức, khi thời tiết lạnh hoặc sau ăn no.
  • Vị trí đau ở giữa phía sau xương ức; đau kiểu co thắt đè nặng hay cảm giác bị ép, có khi đau rát, đôi khi gây nghẹt thở.
  • Đau thường lan lên cổ, xương hàm, vai; hoặc lan ra cánh tay, bờ trong của cẳng tay đến tận ngón 4, 5 ở một hoặc cả 2 bên; thời gian của cơn đau thường ngắn 2-5 phút, mất dần sau khi ngưng gắng sức hoặc dùng thuốc giãn mạch vành (trinitrine).

Nguyên nhân gây cơn đau thắt ngực

Nguyên nhân gây cơn đau thắt ngực

Nguyên nhân thường gặp nhất gây đau thắt ngực là bệnh mạch vành, ít gặp hơn là do co thắt các động mạch vành.

Bệnh mạch vành

Các động mạch vành cung cấp máu giàu ôxy cho cơ tim. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi cholesterol tích tụ lại trên thành động mạch làm hình thành những chất cứng và dày được gọi là những mảng cholesterol.
Sự tích tụ các mảng cholesterol này lâu dần sẽ gây ra hẹp các động mạch vành, quá trình này được gọi là quá trình xơ hóa động mạch. Quá trình xơ hóa động mạch có thể tăng tốc dưới tác động của việc hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng nồng độ cholesterol và đái tháo đường.
Khi các động mạch vành trở nên hẹp hơn 50% đến 70% thì chúng sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu ôxy của cơ tim trong lúc vận động hoặc trong lúc stress nữa. Cơ tim thiếu ôxy sẽ gây ra đau ngực (đau thắt ngực).

Co thắt động mạch vành

Thành của các động mạch được bao bọc bởi các sợi cơ. Sự co thắt nhanh của các sợi cơ này có thể làm cho các động mạch hẹp đột ngột. Sự co thắt của các động mạch vành này làm giảm lượng máu đến cơ tim và gây đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực gây ra do co thắt mạch vành được gọi là đau thắt ngực Prinzmetal. Đau thắt ngực Prinzmetal thường xảy ra lúc nghỉ ngơi, thường là vào buổi sáng sớm. Sự co thắt có thể xảy ra ở những động mạch vành bình thường hoặc ở những động mạch vành bị xơ hóa.
Co thắt động mạch vành cũng có thể có nguyên nhân do sử dụng/lạm dụng cocaine. Co thắt thành động mạch gây ra do cocaine có thể rất mạnh và nó thật sự có thể gây ra một cơn nhồi máu.

Những nguyên nhân khác cũng có thể gây ra đau ngực

Khi điều trị cho những bệnh nhân bị đau ngực, các bác sĩ sẽ phân biệt cơn đau ngực này có phải là do cơ tim thiếu ôxy hay không (cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim), hoặc nó là do một nguyên nhân khác. Nhiều nguyên nhân có thể gây đau ngực tương tự với đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim được đem ra xem xét, bao gồm một số ví dụ sau:
  • Viêm màng phổi: viêm lớp màng bao xung quanh phổi có thể gây đau chói ở ngực, tăng lên khi thở sâu và ho. Bệnh nhân thường cảm thấy khó thở, một phần là do họ cố gắng thở nông để làm giảm cơn đau ngực lại. Nhiễm virus là nguyên nhân gây viêm màng phổi thường gặp. Những tình trạng viêm hệ thống khác, chẳng hạn như lupus hệ thống, cũng có thể gây viêm màng phổi.
  • Viêm màng ngoài tim: là tình trạng viêm của lớp màng bao bên ngoài tim. Triệu chứng của viêm màng ngoài tim tương tự như viêm màng phổi.
  • Viêm phổi: là tình trạng nhiễm vi trùng của phổi gây sốt và đau ngực. Đau ngực trong viêm phổi do vi trùng là do sự kích ứng hoặc sự nhiễm trùng của màng phổi gây ra.
  • Thuyên tắc phổi: là tình trạng các cục máu đông (huyết khối) đi từ các tĩnh mạch ở vùng chậu hoặc ở chân lên đến phổi gây bít tắc. Thuyên tắc phổi có thể gây chết mô phổi (nhồi máu phổi). Nhồi máu phổi có thể gây kích ứng màng phổi, gây đau ngực tương tự như viêm màng phổi. Một số nguyên nhân thường gặp là do huyết khối tĩnh mạch sâu (bất động kéo dài, được phẫu thuật gần đây, chấn thương chân, nhiễm trùng vùng chậu).
  • Tràn khí màng phổi: những túi khí nhỏ trong nhu mô phổi (phế nang) có thể tự động vỡ ra gây tràn khí màng phổi. Các triệu chứng của tràn khí màng phổi bao gồm: đau chói ở ngực đột ngột, nặng nề và khó thở. Một nguyên nhân thường gặp nhất gây tràn khí là khí phế thũng nặng.
  • Sa van hai lá: Sa van hai lá là bất thường của van tim thường gặp, xuất hiện ở 5% đến 10% dân số. Sa van hai lá thường gặp nhất ở những phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi. Đau ngực do sa van hai lá thường là đau chói nhưng không nặng nề. Không giống như cơn đau thắt ngực, đau ngực do sa van hai lá hiếm khi diễn ra trong khi hoặc sau khi luyện tập, và thường không đáp ứng với nitroglycerin.
  • Bóc tách động mạch chủ: Động mạch chủ là mạch máu chính mang máu từ tâm thất trái phân phối cho tất cả phần còn lại của cơ thể. Bóc tách động mạch chủ (rách thành động mạch chủ) là một tình trạng cấp cứu đe dọa mạng sống. Bóc tách động mạch chủ có thể gây đau ngực và lưng nặng nề, không giảm. Những người trẻ tuổi bị bóc tác động mạch chủ thường cũng bị hội chứng Marfan, là một bệnh di truyền trong đó một dạng bất thường của một loại protein cấu trúc có tên là collagen gây yếu thành động mạch chủ. Những bệnh nhân lớn tuổi hơn thường bị bóc tác động mạch chủ là do kết quả của tình trạng tăng huyết áp mạn tính, thêm vào đó là tình trạng cứng lên toàn thể của các động mạch (xơ cứng động mạch).
  • Viêm sụn sườn, gãy xương sườn, co thắt hoặc căng cơ: Những cơn đau có nguồn gốc từ thành ngực có thể là do cơ bị co thắt hoặc căng quá mức, viêm sụn sườn, hoặc gãy xương sườn. Cơn đau ở thành ngực thường là đau lói và liên tục. Nó thường nặng hơn khi di chuyển, ho, thở sâu, đè ép trực tiếp lên khu vực này. Co thắt hoặc căng cơ quá mức có thể là do xoay hoặc uốn người quá mức. Các khớp giữa các xương sườn và sụn cạnh xương ức có thể bị viêm, tình trạng này được gọi là viêm sụn sườn. Gãy xương sườn có thể do chấn thương hoặc do ung thư cũng có thể gây ra đau ngực đáng kể.
  • Chèn ép dây thần kinh: các gốc thần kinh bị chèn ép do các mấu xương khi chúng đi ra khỏi tủy sống cũng có thể gây đau. Chèn ép dây thần kinh còn gây yếu và tê phần trên cánh tay và ngực.
  • Bệnh Zona (các dây thần kinh bị nhiễm herpes zoster): Các dây thần kinh bị kích thích bởi nhiễm trùng gây đau ngực vài ngày trước khi nổi mẩn.
  • Co thắt và trào ngược thực quản: Thực quản là một ống cơ dài nối miệng với dạ dày. Những chất chứa trong dạ dày và acid có thể bị trào ngược lên thực quản gây đau ngực. Co thắt các cơ của thực quản cũng có thể gây đau ngực có thể không phân biệt được với đau ngực do cơn đau thắt ngực hoặc do nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân gây co thắt cơ thực quản không được biết rõ. Đau do co thắt thực quản cũng có thể đáp ứng với nitroglycerin tương tự như cơn đau thắt ngực.
  • Đau do túi mật: Các sỏi mật có thể làm tắc nghẽn túi mật hoặc ống mật chủ gây ra đau nặng nề ở vùng bụng trên, lưng, và ngực. Cơn đau này đôi khi cũng có thể tương tự với cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Lo lắng và cơn hoảng loạn: lo lắng, trầm cảm và những cơn hoảng loạn đôi khi cũng có thể đi kèm với đau ngực kéo dài từ vài phút đến vài ngày. Cơn đau có thể rõ rệt hoặc âm ỉ. Nó thường đi kèm với khó thở, hoặc không thể thở sâu được.
  • Những stress về cảm xúc có thể làm cơn đau tăng lên, nhưng cơn đau thường không liên quan đến gắng sức và không giảm đi khi sử dụng nitroglycerin. Bệnh nhân thường thở quá nhanh (tăng thông khí), gây hoa mắt, tê, và ngứa ran ở môi và các ngón tay. Những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành thường không thấy ở những bệnh nhân này.
Do không có xét nghiệm gì dùng để chẩn đoán cơn hoảng loạn nên bệnh nhân bị đau ngực thường được làm các kiểm tra để loại trừ bệnh mạch vành và những nguyên nhân gây đau ngực khác trước khi xác định chẩn đoán là đau ngực do hoảng loạn.

Vì sao việc củng cố chẩn đoán cơn đau thắt ngực lại quan trọng?

Cơn đau thắt ngực thường là dấu hiệu cảnh báo sự hiện diện của bệnh mạch vành với mức độ đáng kể. Những bệnh nhân bị cơn đau thắt ngực cũng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là tình trạng cơ tim bị chết do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn do cục máu đông.
Khi bị đau thắt ngực, tình trạng thiếu ôxy của cơ tim là tạm thời và có thể hồi phục được. Tình trạng thiếu ôxy của cơ tim phục hồi và cơn đau ngực biến mất khi bệnh nhân nghỉ ngơi.
Ngược lại, những tổn thương của cơ trong nhồi máu cơ tim là vĩnh viễn. Cơ chết đi hóa thành mô sẹo khi lành lại. Tim bị sẹo sẽ không thể bơm máu một cách hiệu quả như một quả tim bình thường được và có thể dẫn đến suy tim.
Trên 25% bệnh nhân bị bệnh mạch vành với mức độ đáng kể không có triệu chứng gì cả, ngay cả khi rõ ràng họ thiếu máu và ôxy nuôi cơ tim. Những bệnh nhân này bị cơn đau thắt ngực 'im lặng'.
Họ cũng có cùng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim với những người bị các triệu chứng đau thắt ngực khác.

Chẩn đoán cơn đau thắt ngực

Chẩn đoán cơn đau thắt ngực

Không thể chẩn đoán xác định qua thăm khám thực thể, nhưng cần chú ý các yếu tố sau:
  • Xác định tính chất cơn đau. Đặc trưng của cơn đau thắt ngực là: đau từ giữa ngực, cảm giác như bị đè nặng, lan rộng lên hàm, ra sau lưng và ra cánh tay (thường là tay trái).
  • Xác định sự gia tăng của cơn đau. Đặc trưng của cơn đau thắt ngực là gia tăng khi bệnh nhân gắng sức nhiều hơn, chẳng hạn như leo dốc, đi ngược gió, chịu đựng thời tiết lạnh, làm việc hay luyện tập ngay sau bữa ăn no...
  • Xác định sự thuyên giảm của cơn đau. Đặc trưng của cơn đau thắt ngực là thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc được cho dùng nitrat.

Các yếu tố sau đây làm gia tăng nguy cơ bị cơn đau thắt ngực:

  • Nam giới trên 50 tuổi.
  • Nghiện thuốc lá.
  • Có tiền sử mắc các bệnh mạch vành, tiểu đường, cao huyết áp.
  • Tăng lipid máu.
  • Có người thân trong gia đình mắc các bệnh tim mạch (yếu tố di truyền).
  • Tìm các dấu hiệu của suy tim (như sưng mắt cá chân, khó thở, tăng áp lực tĩnh mạch cảnh) hoặc rung nhĩ.
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ để loại trừ khả năng thiếu máu nghiêm trọng.
  • Điện tâm đồ (ECG, EKG) là bản kết quả hoạt động điện học của cơ tim và có thể phát hiện ra những cơ tim đang cần ôxy. Điện tâm đồ có giá trị trong việc thể hiện những thay đổi của cơ tim do thiếu ôxy gây ra hoặc cơn nhồi máu cơ tim.

Nghiệm pháp gắng sức

Ở những bệnh nhân có điện tâm đồ được đo lúc ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường thì việc đo điện tâm đồ khi đang vận động hoặc đang đạp xe đạp có thể là cách tầm soát hữu ích đối với bệnh mạch vành.
Khi thực hiện nghiệm pháp gắng sức (còn được gọi là điện tâm đồ gắng sức), ECG sẽ được đo liên tục trong khi bệnh nhân đang đi trên máy tập chạy bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ và gia tăng độ khó của bài tập dần dần.
Sự xuất hiện của cơn đau ngực trong khi gắng sức có thể tương ứng với những thay đổi trên ECG thể hiện sự thiếu ôxy của cơ tim. Khi bệnh nhân nghỉ ngơi thì cơn đau thắt ngực cũng như những thay đổi trên ECG thể hiện sự thiếu ôxy của cơ tim cùng biến mất.
Tính chính xác của điện tâm đồ gắng sức trong chẩn đoán bệnh lý mạch vành ở vào khoảng 60% đến 70%.

Siêu âm tim gắng sức

Là phương pháp phối hợp siêu âm tim với nghiệm pháp gắng sức. Cũng giống như nghiệm pháp thallium gắng sức, siêu âm tim gắng sức chính xác hơn điện tâm đồ gắng sức trong việc phát hiện ra bệnh mạch vành.
Khi động mạch vành hẹp đáng kể, vùng cơ tim được động mạch này cung cấp máu sẽ không co bóp tốt như phần còn lại của cơ tim trong khi gắng sức.
Sự bất thường trong hoạt động co bóp của cơ tim có thể được phát hiện bằng siêu âm tim. Siêu âm tim gắng sức và thallium gắng sức đều có độ chính xác vào khoảng 80% đến 85% trong việc phát hiện bệnh mạch vành ở độ nặng tương đối.
Khi bệnh nhân không thể thực hiện nghiệm pháp gắng sức do những vấn đề thần kinh hoặc cơ xương khớp, các bác sĩ có thể tiêm thuốc vào tĩnh mạch để tạo ra một tình trạng stress cho tim tương tự như khi bệnh nhân đang gắng sức.
Khi đó hình ảnh của tim có thể được ghi nhận lại bằng camera hạt nhân hoặc bằng siêu âm tim.

Thông tim

Thông tim cùng với chụp mạch máu (chụp mạch vành) là một kỹ thuật cho phép chụp lại hình ảnh X quang của các động mạch vành. Nó là loại khảo sát phát hiện ra hẹp động mạch vành một cách chính xác nhất.
Các ống nhựa rỗng nhỏ (catheter) được luồn vào các lỗ mở của các động mạch vành dưới sự hướng dẫn của X quang.
Thuốc nhuộm cản quang Iod sẽ được tiêm vào các động mạch này khi hình ảnh X quang đang được ghi nhận lại. Thủ thuật chụp mạch vành cho phép bác sĩ có được hình ảnh về vị trí và độ nặng của bệnh động mạch vành. Thông tin này có thể quan trọng trong việc giúp bác sĩ lựa chọn được những phương pháp điều trị thích hợp.

Chụp mạch vành qua CT

  • Là thủ thuật tiêm thuốc nhuộm có chứa iod vào tĩnh mạch rồi sau đó chụp CT để ghi nhận lại hình ảnh của các động mạch vành. Tuy không phải dùng đến các catheter (do đó nó được gọi là một thủ thuật 'không xâm lấn') nhưng nó vẫn ẩn chứa một số nguy cơ, bao gồm:
  • Bệnh nhân có thể bị dị ứng với iod.
  • Bệnh nhân có chức năng thận bất thường.
  • Tiếp xúc với phóng xạ với mức độ tương đương hoặc nhiều hơn so với chụp mạch vành quy ước.
  • Tuy nhiên, đây vẫn là một khảo sát an toàn cho hầu hết mọi người. Nó là công cụ quan trọng để chẩn đoán bệnh mạch vành ở những bệnh nhân:
  • Có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao (những người hút thuốc lá, những người có nguy cơ di truyền, có nồng độ cholesterol máu cao, tăng huyết áp, hoặc đái tháo đường).
  • Những người thực hiện nghiệm pháp gắng sức hoặc những nghiệm pháp khác cho kết quả nghi ngờ.
  • Những người có các triệu chứng gây nghi ngờ đến bệnh mạch vành.

Điều trị cơn đau thắt ngực

Điều trị cơn đau thắt ngực

Các phương pháp điều trị bao gồm:
  • Nghỉ ngơi
  • Thuốc (nitroglycerin, ức chế beta, chẹn kênh canxi)
  • Tạo hình mạch vành trong lòng mạch qua da (PTCA - Percutaneous transluminal coronary angioplasty).
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG - Coronary artery bypass graft surgery)

Các loại thuốc

1. Nitroglycerin: Nghỉ ngơi, ngậm nitroglycerin dạng viên dưới lưới, và xịt nitroglycerin đều có thể làm giảm cơn đau thắt ngực do làm giảm nhu cầu ôxy của tim. Nitroglycerin còn làm giảm co thắt các động mạch vành và tái phân phối lại lưu thông máu trong động mạch vành đến những vùng có nhu cầu cao nhất. Nitroglycerin tác dụng ngắn có thể lập lại sau mỗi 5 phút.
Khi đã sử dụng 3 liều nitroglycerin mà vẫn không làm giảm cơn đau thắt ngực, bạn cần phải được thực hiện những can thiệp sâu hơn. Cũng có thể dùng nitroglycerin tác dụng ngắn trước khi làm việc nặng để phòng ngừa cơn đau thắt ngực.
Những loại thuốc nitroglycerin tác dụng dài, chẳng hạn như Isordil, miếng dán Nitro-Dur, và dầu Nitrol đều có ích trong việc ngăn ngừa và làm giảm tần số và độ nặng của cơn đau thắt ngực ở những bệnh nhân bị mạn tính. Nitroglycerin có thể gây nhức đầu và hoa mắt do tác dụng làm hạ huyết áp quá mức.
2. Thuốc ức chế beta:
Thuốc ức chế beta có tác dụng làm giảm cơn đau thắt ngực bằng cách ức chế tác động của adrenaline lên tim. Ức chế tác động của adrenaline làm cho tim đập chậm lại, hạ huyết áp, và làm giảm lực co bóp của cơ tim, tất cả những điều này làm giảm nhu cầu ôxy của cơ tim.
Những tác dụng phụ của thuốc ức chế beta bao gồm:
  • Làm bệnh hen phế quản nặng hơn
  • Làm giảm nhịp tim và huyết áp quá mức
  • Trầm cảm
  • Mệt mỏi
  • Liệt dương
  • Tăng nồng độ cholesterol
  • Khó thở do giảm hoạt động của cơ tim (suy tim sung huyết).
3. Thuốc chẹn kênh canxi:
Thuốc chẹn kênh canxi làm giảm cơn đau thắt ngực bằng cách hạ huyết áp và làm giảm lực co bóp của cơ tim, do đó làm giảm nhu cầu ôxy của cơ tim. Thuốc chẹn kênh canxi cũng làm giảm co thắt động mạch vành.
Các tác dụng phụ của thuốc chẹn kênh canxi bao gồm:
  • Phù nề chân
  • Làm giảm nhịp tim và huyết áp quá mức
  • Làm giảm hoạt động của cơ tim
4. Những loại thuốc chống đau thắt ngực khác:
Ranolazine (Ranexa) được chỉ định để điều trị bệnh lý đau thắt ngực mạn tính. Ranexa có thể được dùng chung với thuốc chẹn beta, nitrate, chẹn kênh canxi, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc hạ lipid máu, thuốc ức chế men chuyển, và ức chế thụ thể angiotensin.
Phẫu thuật tạo hình mạch máu và bắc cầu mạch vành
Người bệnh nằm trong diện chỉ định được thực hiện chụp mạch vành nếu như vẫn tiếp tục bị đau thắt ngực mặc dù đã được điều trị phối hợp tối đa các loại thuốc nitroglycerin, ức chế beta, chẹn kênh canxi.
Tùy thuộc vào vị trí và độ nặng của bệnh mạch vành, bệnh nhân có thể được tạo hình mạch máu bằng bóng (PTCA, hoặc tạo hình mạch vành trong lòng mạch qua da) hoặc phẫu thuật bắc cầu chủ vành để làm tăng lưu lượng máu chảy trong mạch vành.
Có gì mới trong điều trị cơn đau thắt ngực?
Các động mạch vành có thể hẹp trở lại sau khi tạo hình mạch máu gây đau thắt ngực tái phát và thậm chí có thể là gây nhồi máu cơ tim. Có một cách để làm giảm nguy cơ hẹp lại của các động mạch vành là đặt các stent để giữ cho chúng rộng rãi.
Các stent được bọc ngoài bằng thuốc đang được cải tiến để làm giảm đáng kể tỷ lệ các trường hợp động mạch vành hẹp trở lại.

Phòng ngừa cơn đau thắt ngực

Phòng ngừa cơn đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực là một biểu hiện của suy động mạch vành, thường gặp ở người trên 50 tuổi, sau một việc làm gắng sức.
Nếu đang đi phải đứng yên khoảng 5 - 10 phút mới có thể đi tiếp nhưng đi chậm và thận trọng hơn. Cơn đau đã xuất hiện mà tiếp tục gắng sức cơn đau sẽ kéo dài, đau dữ dội hơn có khi có biến chứng nặng.
Cơn đau có thể xảy ra khi tắm nước lạnh, gặp luồng gió lạnh, khi cảm xúc mạnh như vui mừng, buồn bực, lo âu, sau khi ăn no, uống rượu, hút thuốc lá..., nhưng có khi cơn đau xuất hiện không vì lý do gì như đang nghỉ ngơi, đang ngủ...
Cơn đau thường kéo dài 1 - 3 phút, ít khi kéo dài đến 15 phút. Nếu cơn đau kéo dài quá 30 phút phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim. Khi hết đau bệnh nhân có thể hoạt động được. Tuy nhiên cơn đau dễ tái phát, tái phát càng dày thì bệnh càng nặng.
Bệnh nhân cần biết tự cứu mình và phòng bệnh như sau: khi đang có cơn đau cần ngừng hoạt động ngay, nằm yên tại chỗ, tốt nhất là tư thế nửa nằm nửa ngồi.
Nếu không đỡ cần dùng thuốc nitroglycerin hoặc các biệt dược khác theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh mọi hoạt động gắng sức, sinh hoạt, ăn uống điều độ.
Tránh dùng chè đặc, cà phê, thuốc lá, rượu bia. Nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ đã khám và điều trị cho bạn.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Liệt Bell, hay còn gọi liệt mặt, liệt dây thần kinh mặt hoặc liệt mặt ngoại biên, là tình trạng liệt dây thần kinh ở mặt, là chứng viêm và sưng dây thần kinh điều khiển các cơ bắp ở một bên mặt, khiến người bệnh bị méo một bên khuôn mặt. Bệnh liệt mặt
  • 28-05-2018
    Ung thư hậu môn là hiện tượng phát triển bất thường của các tế bào trong lớp niêm mạc hậu môn, tạo thành các khối u và có khuynh hướng di căn ra các vùng lân cận. Phần lớn trường hợp ung thư hậu môn là ung thư dạng biểu mô, u tế bào hắc tố, biểu mô tế
  • 28-05-2018
    Ung thư nguyên bào võng mạc có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, thường ở trẻ em, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn.
  • 28-05-2018
    Xơ gan mật nguyên phát hay còn gọi là xơ gan mật hoặc PBC. Đây là tình trạng khi các ống dẫn mật trong gan bị viêm nhiễm và tắc nghẽn. Mật là một chất dịch được sản sinh ra trong gan. Mật đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn, lọc những
  • 28-05-2018
    Giới thiệu chung Gan nhiễm mỡ thường kết hợp với các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… Gan nhiễm mỡ có thể thấy ở bất kỳ những ai có lối sống thiếu vận động và ăn uống bất hợp lý, quá thừa năng lượng.
  • 28-05-2018
    Liệt nửa người là giảm hoặc mất vận động hữu ý một tay và một chân cùng bên do tổn thương tháp kèm hay không kèm liệt một hay nhiều dây thần kinh sọ não cùng hay khác bên với bên liệt tay chân. Bệnh liệt nửa người có thể sẽ xuất hiện sau khi gặp các