Gan nhiễm mỡ

Giới thiệu chung Gan nhiễm mỡ thường kết hợp với các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… Gan nhiễm mỡ có thể thấy ở bất kỳ những ai có lối sống thiếu vận động và ăn uống bất hợp lý, quá thừa năng lượng.

Giới thiệu chung

Gan nhiễm mỡ thường kết hợp với các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… Gan nhiễm mỡ có thể thấy ở bất kỳ những ai có lối sống thiếu vận động và ăn uống bất hợp lý, quá thừa năng lượng.
Qua kết quả sinh thiết gan (lấy một mẫu mô gan nhỏ đem phân tích cấu trúc dưới kính hiển vi), cho thấy có 3 loại gan nhiễm mỡ:

Gan thoái hóa mỡ đơn thuần

Gan bị thâm nhiễm bởi chất mỡ, không có kèm theo tình trạng viêm gan.

Viêm gan thoái hóa mỡ do rượu

Ngoài tình trạng gan bị thâm nhiễm bởi chất mỡ, kèm theo tình trạng viêm gan, mô gan có thể bị sẹo hoặc bị xơ và tiền sử uống rượu nhiều.

Viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu

Kết quả sinh thiết giống loại viêm gan thoái hóa mỡ do rượu, nhưng không có tiền sử uống rượu (hoặc uống rượu không đáng kể

Triệu chứng, biểu hiện của gan nhiễm mỡ

Triệu chứng, biểu hiện của gan nhiễm mỡ

Phần lớn các trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng. Các bệnh nhân thường được phát hiện một tình trạng gan to. Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau đây kéo dài, bạn cần hết sức chú ý vì đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh gan nhiễm mỡ.

1. Ăn uống kém ngon

Đây là một trong những triệu chứng thường thấy của bệnh gan nhiễm mỡ vì lúc này gan không tốt chức năng chuyển hóa chất trong cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, ngoài việc nghi ngờ bệnh viêm dạ dày và các bệnh khác, bạn cũng nên xem xét khả năng gan nhiễm mỡ.

2. Buồn nôn, đầy bụng

Bệnh gan nhiễm mỡ nếu ở thể nhẹ có thể gây tổn thương chức năng gan, buồn nôn, mệt mỏi, đầy bụng...
Nếu đầy bụng khó tiêu mà kèm theo với các triệu chứng khác như nước tiểu sậm màu, phân xám, vàng hoặc bạc màu, bị giãn tĩnh mạch, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi, trì trệ và suy nhược. Đây có thể là triệu chứng bệnh lý của gan.

3. Mệt mỏi

Bệnh gan nhiễm mỡ ở thể trung bình có biểu hiện kiệt sức, dễ mệt mỏi. Mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác, do đó nó rất dễ bị chẩn đoán nhầm.
Khi bị gan nhiễm mỡ, gan không thực hiện tốt chức năng của nó khiến cho lượng người bệnh cảm thấy ăn không ngon, chất dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể giảm đi. Do đó, năng lượng cung cấp cho cơ thể không đủ. Điều này dễ dàng dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.
Vì vậy, nếu bạn thấy cơ thể mình luôn bị mệt mỏi kéo dài thì nên đi kiểm tra sức khỏe tổng thể để phân định nguyên nhân.

4. Sao mạch (u mạch hình con nhện)

Sao mạch là u mạch hơi nổi trên mặt da từ đó nhánh mạch nhỏ lan tỏa ra xung quanh (giống nhện), thường xuất hiện ở những vị trí như mặt, cổ, lưng, cánh tay, ngực.
Đường kính có thể từ vài cm đến hơn một đầu kim. Khi kiểm tra, dùng đầu ngón tay hoặc một miếng bông ấn vào giữa, 'mạng lưới các mạch máu nhỏ' có hình bức xạ có thể mờ dần, sau khi thôi ấn lại xuất hiện trở lại.
Thường gặp ở những người viêm gan hoặc xơ gan cấp tính, nhưng cũng có thể nhìn thấy trên cơ thể những người gan nhiễm.

5. Thiếu hụt vitamin

Khi bị gan nhiễm mỡ do sự tích tụ của chất béo và thiếu vitamin trong chế độ ăn, nên cơ thể dễ xuất hiện triệu chứng thiếu hụt nhiều loại vitamin. Biểu hiện lâm sàng có thể thấy là viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm lưỡi, viêm miệng, bầm da, tăng sừng…Một số ít người cũng có triệu chứng tiêu hóa ra máu, chảy máu nướu, chảy máu cam…

6. Rối loạn nội tiết

Trong nhóm những người gan nhiễm mỡ nặng có người có thể xuất hiện các triệu chứng ở nam giới như tuyến vú nam giới phát triển, teo tinh hoàn, chức năng cương dương gặp trở ngại, còn với phụ nữ là rong kinh, tắc kinh, cân nặng của người bệnh giảm hoặc tăng…

7. Vàng da

Vàng da là do sự chuyển hóa bilirubin trong cơ thể gặp trở ngại, khiến nồng độ bilirubin trong máu tăng cao, xâm nhập vào các mô, nhuộm vàng màng cứng, màng nhầy và da.
Khi gan nhiễm mỡ các kiểu vàng da thường là tế bào gan, kiểu vàng da này thường kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu, chán ăn. Số ít người gan nhiễm mỡ sẽ vàng da thể nhẹ, sau khi chất béo trong gan được loại bỏ, bệnh vàng da sẽ lập tức biến mất.

8. Đau bụng

Đau là kết quả của viêm gan hoặc căng gan. Tuy nhiên, triệu chứng này không phổ biến lắm. Thông thường, nếu trong trường hợp gan nhiễm mỡ gây đau bụng thì người bệnh sẽ bị đau tập trung ở phần trên bên phải của bụng.
Gan nhiễm mỡ nên chữa trị sớm. Tình trạng gan nhiễm mỡ ở thời kỳ đầu có thể được điều chỉnh thông qua thay đổi phương thức sinh hoạt, điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập sức khỏe hợp lý sẽ khôi phục lại bình thường.

Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân

Nhiều năng lượng, béo phì.
Tiểu đường týp 2.
Nghiện rượu.
Suy dinh dưỡng thiếu protein, giảm cân quá nhanh.
Dùng thuốc gây độc cho gan.

Ăn thế nào hay bị?

Nhiều năng lượng, nhiều béo.
Quá ít đạm (nhịn đói, suy dinh dưỡng thiếu protein…).

Phân loại nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ


  1. Gan nhiễm mỡ do dinh dưỡng: bao gồm thành phần thức ăn không hợp lí, có nhiều chất béo, hấp thu quá nhiều đường, thói quen ăn uống không tốt (uống nhiều bia rượu), chế độ sinh hoạt không điều độ (ngồi nhiều, ít vận động, tinh thần suy nhược căng thẳng), di truyền nếu trong gia đình có nhiều người bị béo phì.
  2. Gan nhiễm mỡ do chất hóa học như uống quá nhiều bia rượu, nhiễm độc phospho, Arsenic, chì…
  3. Gan nhiễm mỡ do nội tiết, do bệnh tiểu đường…
  4. Gan nhiễm mỡ do miễn dịch.
  5. Gan nhiễm mỡ do dùng một số loại thuốc có thể dẫn đến bệnh như các loại corticoid, Tetracyclin, các thuốc kháng ung thư, thuốc hormon sinh dục nữ…
  6. Do vi khuẩn, vi-rút trong quá trình bị viêm gan B, C thường có biến chứng gan nhiễm mỡ đặc biệt là viêm gan C (nhiều khi còn gọi là hậu viêm gan siêu vi là gan nhiễm mỡ). tích lũy mỡ quá nhiều tại gan. Tuy nhiên, 20% gan nhiễm mỡ có thể diễn tiến đến xơ gan.

Chẩn đoán gan nhiễm mỡ

Chẩn đoán gan nhiễm mỡ

Siêu âm gan

Đây là biện pháp đầu tay, rẻ tiền, chẩn đoán tương đối chính xác. Trên siêu âm, thường chia gan nhiễm mỡ làm 3 độ:

  • Gan nhiễm mỡ độ 1: gia tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm chưa đáng kể, vẫn còn xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.
  • Gan nhiễm mỡ độ 2: gia tăng độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, khả năng xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan bị giảm nhiều.
  • Gan nhiễm mỡ độ 3: gia tăng rõ rệt độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm tăng mạnh đến mức khó xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.

Chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner)

Chụp cắt lớp điện toán không cản quang là kỹ thuật chẩn đoán không xâm nhập đơn giản, hiệu quả để chẩn đoán gan nhiễm mỡ hạt to và hạt nhỏ vì có sự tương quan rất rõ giữa độ giảm quang của nhu mô gan và lượng tích tụ mỡ trong các tế bào gan. Tuy nhiên giá thành xét nghiệm còn đắt.

Chụp cộng hưởng từ hạt nhân

Hình ảnh cộng hưởng từ có thể dùng thăm dò gan rất tốt. Tuy nhiên, hình ảnh gan thu nhận được từ các thời điểm khác nhau đều có độ nhạy cảm kém trong gan nhiễm mỡ hạt to vì không phụ thuộc vào mức độ nhiễm mỡ gan.

Xạ hình gan

Kỹ thuật này dựa trên nguyên tắc sử dụng các chất đồng vị phóng xạ được tiêm qua tĩnh mạch, đủ nhỏ để xuyên qua hệ mao mạch phổi và được thực bào, sau đó định vị trong hệ võng lưới nội mô của tế bào gan. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền và giá thành cao.

Soi ổ bụng

Đây là kỹ thuật đã được áp dụng lâu đời nhất trong nội soi tiêu hóa. Đây là một trong các biện pháp chẩn đoán chính xác khi kết hợp với sinh thiết trong các bệnh lý gan mạn tính. Nhưng kỹ thuật gây chảy máu nên cũng ít áp dụng trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ.

Điều trị gan nhiễm mỡ

Điều trị gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ hầu hết không phải là bệnh lý của gan mà chỉ là một triệu chứng do sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan.

  1. Nếu bị dư cân, béo phì: áp dụng chế độ ăn hợp lý và chế độ tập luyện vận động để giảm cân.
  2. Đối với các bệnh lý gan có liên quan đến uống rượu: ngưng uống rượu.
  3. Ngưng ngay những thuốc có khả năng gây độc cho gan và thay thế bằng những thuốc an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ.
  4. Các bệnh rối loạn chuyển hóa (như tiểu đường…): Khống chế lượng đường trong máu luôn ở mức độ bình thường.
  5. Viêm gan siêu vi: kiểm soát tình trạng viêm và những diễn tiến bất lợi dẫn đến xơ gan.

Phòng ngừa gan nhiễm mỡ

Phòng ngừa gan nhiễm mỡ

Làm sao để phòng ngừa gan nhiễm mỡ?


  1. Có chế độ ăn hợp lý: ăn đa dạng, ăn chừng mực, ăn thực phẩm gần với thiên nhiên nhất.
  2. Vận động thể lực đều đặn, sống năng động nhằm duy trì cân nặng lý tưởng (nên biết chỉ số BMI của bản thân và BMI lý tưởng phù hợp để tự theo dõi tình trạng dư cân của bản thân).
  3. Hạn chế tối đa rượu bia.
  4. Cần tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh những thuốc gây độc cho gan.
  5. Kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglyceride máu định kỳ 6 tháng/lần (hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi cá nhân).

Kinh nghiệm dân gian về gan nhiễm mỡ

Kinh nghiệm dân gian về gan nhiễm mỡ

Theo y học cổ truyền: gan nhiễm mỡ được mô tả với những chứng trạng sau:vùng hạ sườn phải đầy trướng, da vàng da sạm...
Nguyên nhân phần nhiều do ăn uống không điều độ, tinh thần không thư thái, rượu chè quá mức, sinh ra can khí uất kết, thấp nhiệt ứ đọng, đàm ẩm, cả khí cả huyết đều trở trệ. Để chữa trị, Đông y có các bài thuốc cho từng thể lâm sàng.
Cây thuốc đông y tốt nhất hiện nay trị bệnh gan nhiễm mỡ là: nấm lim xanh Quảng Nam. Bạn đọc có thể tham khảo công dụng cũng như cách dùng.
Ngoài ra còn có các bài thuốc:

Thể can tỳ lưỡng hư

Triệu chứng: đau âm ỉ ở vùng hạ sườn phải, bụng đầy trướng, đại tiện phân không thành khuôn, người mệt mỏi, váng đầu, bụng lạnh, ăn uống rất kém, chân tay không có lực.
Nguyên tắc điều trị: Ôn bổ tỳ dương, dưỡng can lý khí.
Bài 1: Hoàng kì 10g, bạch truật 12g, hậu phác 12g, đương quy 12g, bán hạ 10g, sinh khương 6g, bạch thược 10g, sài hồ 12g, chích thảo 12g, đan bì 10g, trạch tả 10g, củ đợi 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Bạch truật, hậu phác, sinh khương: bổ tỳ dương; Củ đợi, bạch thược, sài hồ: dưỡng can hòa can, thăng đề dưỡng khí.
Bài này bổ trung châu, bổ thổ, phù hợp với những triệu chứng: Bụng đau âm ỉ, phân lỏng, chân tay lạnh, dày da bụng, váng đầu hoa mắt, cơ thể suy nhược, da vàng sạm.
Bài 2: Nhân trần 12g, hạ liên châu 12g, bạch truật 12g, cao lương khương 12g, biển đậu 12g, sinh khương 6g, trần bì 12g, sơn trà 12g, ngũ gia bì 15g, chỉ xác 10g, đan sâm 15g, bạch linh 12g, chích thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.
Trong điều trị cần hết sức quan tâm đến vấn đề ẩm thực. Khuyên bệnh nhân mắc bệnh này dùng các loại rau quả có vị chua. Theo Đông y, vị chua cải thiện được chức năng gan mật, tăng tiết dịch mật, tốt cho tiêu hóa. Đó là những thứ rau quả thường dùng như: quả khế, quả me, quả chanh, chua me đất…

Thể đàm thấp trở trệ

Triệu chứng: vùng hạ sườn phải đầy chướng, da sạm da tối, cơ thể nặng nề chậm chạp, đau nhói vùng gan, người mệt mỏi, sờ gan ở bờ sườn phải có thể phát hiện gan to, làm cả vùng bụng căng đầy.
Nguyên tắc điều trị: hóa đàm, hoạt huyết, thông kinh lạc.
Phương dược:
Bài 1: Bán hạ 10g, hậu phác 10g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, đương quy 12g, sơn trà 12g, nhân trần 12g, cây chó đẻ 12g, mẫu lệ (chế) 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.
Bài 2: Bạch linh 10g, ích mẫu 16g, kê huyết đằng 12g, xuyên khung 12g, thạch xương bồ 16g, đinh lăng 16g, chỉ xác 10g, bán hạ chế 10g, xa tiền 12g, đương quy 12g, trần bì 10g, sơn trà 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Xuyên khung, ích mẫu: hoạt huyết; Bạch linh, bán hạ: trừ đàm thấp; Xương bồ, đương quy: thông kinh hoạt lạc; Trần bì, xa tiền có tính thông hoạt trừ ứ… Nếu gan to có thể gia thêm xuyên sơn giáp 8g, mẫu lệ chế 10g.

Thể thấp nhiệt uất kết

Triệu chứng: hạ sườn phải trướng đầy khó chịu, miệng khô họng đắng, da vàng hoặc sạm, mắt khô, nước tiểu vàng, lượng ít, ăn uống kém, tiêu hóa trì trệ, gan mất chức năng sơ tiết.
Nguyên tắc điều trị: lợi thấp thanh nhiệt, nhuận gan giải uất.
Bài 1: Đan bì 10g, chi tử 12g, ngân hoa 12g, thổ linh 16g, rau má 20g, bạch thược 12g, sài hồ 12g, cúc hoa 10g, trạch tả 10g, cỏ mực 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.
Bài 2: Nhân trần 12g, hạ liên châu 12g, củ đợi 12g, xích thược 12g, bạch truật 12g, xa tiền 10g, hương phụ 12g, trần bì 12g, sinh địa 12g, nam hoàng bá 16g, bồ công anh 16g, chỉ xác 10g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    1. Giải phẫu và sinh lý mũi Giải phẫu mũi: Gồm có tháp mũi và hốc mũi. Tháp mũi: như một mái che kín hốc mũi, có khung là xương chính mũi, ngành lên xương hàm trên, sụn cánh mũi và sụn uốn quanh lỗ mũi. Hốc mũi: vách ngăn chia hốc mũi thành hốc mũi phải
  • 28-05-2018
    Tiêu chảy là đi tiêu phân lỏng. Hầu hết bệnh tiêu chảy ở trẻ em bị gây ra bởi vi – rút và thường tự cải thiện trong vòng một tuần. Mặc dù có thể có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy, nhưng việc điều trị được đề xuất ở đây thì thích hợp trong trường
  • 28-05-2018
    Cholesterol là một chất béo quan trọng, được dùng vào việc bảo vệ các dây thần kinh, tạo nên màng tế bào và là nguyên liệu để sản xuất nhiều hormone trong cơ thể. Gan tạo ra phần lớn cholesterol mà cơ thể cần. Cơ thể cũng lấy cholesterol trực tiếp từ
  • 28-05-2018
    Xệ mí mắt hay còn gọi là sụp mí mắt hay mí mắt chảy xệ hay sụp mi là sự sa xuống của mi mắt trên xuống thấp hơn vị trí bình thường. Nguyên nhân do cơ mí mất khả năng co giãn, đàn hồi hay da mí bị nhão tạo thành những túi mỡ ở mí trên; do tổn thương của
  • 28-05-2018
    Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn làm cho hệ miễn dịch hoạt hoá các tế bào bạch cầu và các chất hoá học để đề kháng. Trong “cuộc chiến” đó nhiều tế bào vi khuẩn và bạch cầu bị chết tạo thành một chất lỏng đặc còn gọi là mủ. Một số vi khuẩn như vi khuẩn
  • 28-05-2018
    Dị ứng xảy ra khi cơ quan giúp cơ thể chống lại bệnh tật (hệ thống miễn dịch) phản ứng quá mức/quá mẫn khi ăn, hít thở, bị tiêm/chích/đốt hoặc sờ vào một chất mà bình thường vốn không gây hại (còn gọi là một dị nguyên/chất gây dị ứng). Dị ứng không phải