Xử trí khi quá liều insulin

Vã mồ hôi lạnh, run tay, lo lắng quá mức, cảm giác lú lẫn – là các dấu hiệu của hạ đường huyết, thuật ngữ y học gọi là “hypoglycemia”. Tình trạng này thường xảy ra khi sử dụng quá liều insulin ở bệnh nhân tiểu đường. May mắn là hầu hết các vấn đề liên quan đến insulin đều có thể phòng tránh được nếu bạn tuân theo những quy tắc đơn giản sau đây.

Làm thế nào để tránh nhầm lẫn khi sử dụng insulin

Đọc sai các chỉ số trên xy-ranh hoặc ống thuốc tiêm: Việc này thường xảy ra khi bạn chưa quen sử dụng một loại thuốc mới.

Sử dụng sai loại insulin: Giả dụ như bạn thường xuyên phải sử dụng 30 đơn vị insulin giải phóng kéo dài và 10 đơn vị insulin tác dụng nhanh thì rất có khả năng nhầm lẫn giữa các loại này.

Sử dụng insulin nhưng không ăn uống gì: Các thuốc tiêm insulin tác dụng nhanh và tác dụng chậm nên được sử dụng ngay trước bữa ăn bởi đường huyết của bạn thường tăng mạnh ngay sau khi ăn. Sử dụng insulin mà sau đó không ăn gì có thể khiến đường huyết bị tụt tới mức nguy hiểm.

Tiêm insulin vào cánh tay hoặc cẳng chân trước khi luyện tập: Các hoạt động thể chất có thể làm hạ đường huyết và thay đổi khả năng hấp thụ insulin của cơ thể. Tốt nhất là nên tiêm insulin ở những khu vực mà không bị ảnh hưởng khi luyện tập thể thao.

Xử trí khi quá liều insulin

Các triệu chứng của quá liều insulin

  • Lo lắng
  • Lú lẫn
  • Cực kỳ đói
  • Mệt mỏi
  • Bị kích thích
  • Vã mồ hôi lạnh
  • Run tay

Nếu đường huyết tiếp tục hạ, bạn có thể bị co giật hay bất tỉnh.

Cần xử trí như thế nào khi bị quá liều insulin

Trước hết là không nên hoảng sợ, hầu hết các trường hợp quá liều insulin đều có thể được xử trí tại nhà. Hãy tuân thủ theo các bước sau nếu có thể:

  • Kiểm tra đường huyết: Bạn cần biết được chỉ số đường huyết sau khi dùng insulin.
  • Uống nửa cốc nước soda hay nước trái cây có đường, và ngậm kẹo cứng hay viên đường glucose.
  • Nếu bạn bỏ qua 1 bữa ăn, hãy ăn gì đó bù vào: Nên ăn thực phẩm có chứa khoảng 15-20 gram carbohydrate để giúp làm tăng đường máu.
  • Nghỉ ngơi.
  • Kiểm tra lại đường huyết sau 15-20 phút. Nếu đường huyết vẫn thấp, nên ăn một cái gì đó có chứa đường hay tinh bột đơn giản.
  • Theo dõi các triệu chứng vài giờ sau đó: nếu các triệu chứng vẫn chưa chấm dứt, hãy kiểm tra lại đường huyết một lần nữa 1 giờ sau ăn. Tiếp tục nhấm nháp cái gì đó nếu đường huyết của bạn thấp.
  • Đi tới bệnh viện nếu đường huyết vẫn còn thấp sau 2 giờ hoặc các triệu chứng không được cải thiện.
  • Không nên quá lo lắng khi bạn ăn nhiều đường trong trường hợp này bởi chỉ là trong một thời gian ngắn. Đường huyết tăng cao khoảng 1 lần sẽ không gây hại gì cho bạn nhưng đường huyết hạ quá thấp dù chỉ 1 lần cũng có thể gây nên vấn đề nghiêm trọng.
  • Trường hợp bạn bị bất tỉnh hay thiếu tỉnh táo hay bị co giật, cần hướng dẫn bạn bè và người thân thực hiện theo những điều sau:

 + Nếu bạn bị ngất, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

 + Bạn có thể cần phải tiêm glucagon là một chất đối kháng insulin. Nếu bạn có xu hướng bị hạ đường huyết thì nên hỏi ý kiến bác sỹ xem có cần thiết phải dự trữ glucagon tại nhà hay không.

 + Nếu bạn vẫn còn đủ tỉnh táo thì nên yêu cầu người khác chuẩn bị nước trái cây ngọt cho bạn uống.

 + Nếu các triệu chứng không được cải thiện trong vòng 1 giờ tiếp theo, hãy gọi cấp cứu ngay.

Xử trí khi quá liều insulin

Phòng quá liều insulin

Tuân thủ theo một lịch trình dùng thuốc đã lên kế hoạch sẵn để giúp bạn dễ thực hiện hơn.

Ăn một cái gì đó vào giữa các bữa ăn. Ngay cả khi bạn không đói thì cũng nên ăn một vài lát bánh mỳ, uống một cốc sữa gầy hay một ít trái cây. Không bao giờ được bỏ bữa khi đang sử dụng insulin.

Chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống. Hãy luôn nhớ rằng bạn rất có thể sẽ gặp vấn đề khi sử dụng insulin ở một thời điểm nào đó. Do vậy, nên chuẩn bị sẵn vài chiếc kẹo hay bánh trong cặp, trong xe ô tô và trong túi du lịch để dùng khi cần thiết.

Hướng dẫn cho bạn bè và người thân cách xử trí khi bạn bị hạ đường huyết để có thể hành động ngay trong trường hợp bạn bị ngất hay thiếu tỉnh táo.

Đeo một chiếc vòng đeo tay nhận diện báo động y tế để xác nhận rằng mình đang mắc bệnh tiểu đường và đang sử dụng insulin.

- 28-05-2018 -