WHO kêu gọi tăng thuế đồ uống có đường để giảm bệnh tật

Trong một nỗ lực nhằm chống lại bệnh béo phì, đái tháo đường tuýp 2 và sâu răng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia trên thế giới nên sử dụng chính sách thuế để tăng giá bán những loại đồ uống có đường như nước ngọt.

Trong tuyên bố nhân Ngày Béo phì Thế giới (11/10) năm nay, WHO cho biết số người béo phì trên toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 1980 – 2014. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường.

Theo thống kê, có khoảng 30% dân số thế giới, tức khoảng 2,1 tỷ người đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì. Đây được coi là một “đại dịch” mới của thế kỷ 21 bởi sự gia tăng nhanh chóng cũng như những hệ lụy về sức khỏe và gánh nặng bệnh tật mà nó gây ra.

WHO kêu gọi tăng thuế đồ uống có đường để giảm bệnh tật
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu xu hướng này tiếp diễn, hơn nửa dân số trưởng thành trên thế giới sẽ bị béo phì hoặc thừa cân vào năm 2030. Khoảng 5% số ca tử vong trên thế giới là do bệnh béo phì và chi phí điều trị y tế cho các bệnh nhân béo phì là 2.000 tỷ USD/năm, tương đương 2,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tổn thất kinh tế do béo phì gây ra được đánh giá tương đương với hút thuốc lá và xung đột vũ trang.

Dựa vào chỉ số cơ thể (BMI) tính bằng cân nặng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m), và phân ra các mức độ như sau:

- BMI từ 18,5 - 24 kg/m2: Là bình thường.

- BMI từ 25 - 30 kg/m2: Là thừa cân.

- BMI trên 30 kg/m2: là béo phì.

(Khi áp dụng với người châu Á thì các chỉ số này thấp hơn một chút).

Thừa cân, béo phì có thể xảy ra với bất kỳ người nào. Nguyên nhân chính của căn bệnh này là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Những người béo phì không những phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật cao hơn người bình thường mà còn thường mất tự tin trong giao tiếp. Bên cạnh đó, gánh nặng xã hội và chi phí điều trị cho bệnh nhân béo phì là rất lớn, bởi căn bệnh này thường kéo theo các bệnh lý nguy hiểm khác.

Năm 2002, Cơ quan nghiên cứu Ung thư của Tổ chức y tế Thế giới (IARC) có trụ sở tại Pháp cho biết những người bị thừa cân có thể tăng nguy cơ bị ung thư ruột kết, thực quản, thận, vú và dạ con. Tuy nhiên, đến nay Cơ quan này đã thêm vào danh sách nói trên nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dầy, gan, bàng quang, lá lách, buồng trứng và tuyến giáp cũng như là một loại u não ác tính được biết đến như bệnh u màng não và ung thư máu dòng tủy.

Ông Francesco Branca, người đứng đầu Vụ cho Sức khỏe và Phát triển của WHO nhấn mạnh'Chính sách thuế là một trong số nhiều công cụ, nhưng là một công cụ rất quan trọng đối với việc hạn chế việc tiêu thụ các loại đồ uống có đường'.

Dựa trên những bài học từ chiến dịch chống hút thuốc lá, WHO nói rằng, áp đặt hoặc tăng thuế nhằm vào đồ uống có đường có thể giúp chúng ta tiêu thụ ít hơn các loại đường, mang lại lợi ích sức khỏe và thu nhập cho Chính phủ các nước.

Theo WHO, chính sách thuế có thể làm tăng 20% giá bán lẻ các loại đồ uống có đường, giúp giảm tỷ lệ tiêu thụ những mặt hàng này.Trước đó, các cơ quan y tế từ lâu đã khuyến cáo rằng, con người nên hấp thu lượng đường ít hơn 10% tổng nhu cầu năng lượng.Đối với người lớn không nên vượt quá 50g đường, và đối với trẻ em không nên vượt quá 25g.

Trưởng ban ngăn chặn dịch bệnh lây lan của WHO, ông Douglas Bettcher đưa ra nhận định.'Việc tiêu thụ đường một cách tràn lan, bao gồm các sản phẩm như đồ uống có đường là yếu tố quan trọng dẫn đến sự gia tăng của những người mắc bệnh béo phì và tiểu đường trên toàn cầu. Nếu các Chính phủ đánh thuế những sản phẩm như đồ uống có đường, họ có thể giảm bớt tình trạng đau ốm và cứu sống nhiều người'.

Các quan chức của WHO nói rằng, Mỹ không còn là quốc gia tiêu thụ đồ uống có đường nhiều nhất, trong khi Chile và Mexico đang giữ vị trí này. WHO cũng lưu ý sự gia tăng nhanh chóng trong việc tiêu thụ đồ uống có đường tại Trung Quốc và vùng cận Sahara của châu Phi.

WHO nhận được tài trợ từ Quỹ Bloomberg Philanthropies của Mỹ, hỗ trợ tăng thuế vào đồ uống có đường để giảm sức tiêu thụ.Ông Francesco Branca cũng chỉ vào những nỗ lực 'tiên phong' của tỷ phú Michael Bloomberg trong thời gian làm thị trưởng thành phố New York và các quan chức khác của Mỹ để giảm việc tiêu thụ đường.

Tại Australia, các nghiên cứu cho thấy mức thuế tiêu thụ 20% đối với nước ngọt sẽ đem về 460 triệu đô la/năm cho hệ thống y tế và cắt giảm đến 8.000 ca tiểu đường trong vòng 25 năm./.

- 28-05-2018 -