Uống cà phê mỗi ngày có thể tăng cơ hội sống sót ở bệnh nhân ung thư ruột kết

Một nghiên cứu mới của Viện Ung thư Dana-Farber, Mỹ cho thấy uống cà phê chứa cafein thường xuyên có thể giảm đáng kể nguy cơ tái phát ung thư và tăng cơ hội sống sót ở bệnh nhân ung thư ruột kết giai đoạn 3.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ung thư Lâm sàng cho thấy uống từ bốn cốc cà phê trở lên mỗi ngày đem lại hiệu quả tốt nhất. “Chúng tôi phát hiện thấy người hay uống cà phê có nguy cơ tái phát ung thư thấp hơn và cơ hội sống cao hơn đáng kể,” trưởng nhóm nghiên cứu Charles Fuchs, giám đốc Trung tâm Ung thư Dạ dày-ruột thuộc Viện Dana-Farber cho biết. Tính trung bình, người Mỹ uống khoảng ba cốc cà phê mỗi ngày và 54% người trên 18 tuổi ở Mỹ uống cà phê mỗi ngày. Không ngạc nhiên khi thấy có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của cà phê lên cơ thể được tiến hành. Uống cà phê thường được cho là có liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Gần đây, tạp chí Tin tức Y học Ngày nay đã công bố các nghiên cứu cho thấy uống cà phê có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa nhận thức dạng nhẹ và giảm nguy cơ rối loạn dương cương. Một nghiên cứu khác có nội dung gần với nghiên cứu này cho thấy phụ nữ bị ung thư vú đang điều trị bằng thuốc tamoxifen có thể giảm một nửa nguy cơ tái phát nếu uống ít nhất hai cốc cà phê mỗi ngày. Theo các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu trước đó cho thấy ung thư ruột kết dễ tái phát ở người có mức insulin cao hơn bình thường và tăng tiêu thụ cà phê làm giảm nguy cơ tiểu đường type 2 và tăng độ nhạy cảm của insulin. Kết quả tùy thuộc vào lượng cafein tiêu thụ của bệnh nhân Trong nghiên cứu này, 953 bệnh nhân ung thư ruột kết giai đoạn 3 đã hoàn thành bảng câu hỏi về chế độ ăn trong 6 tháng sau khi được hóa trị liệu. Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của cà phê, trà và cafein đối với nguy cơ tái phát và khả năng sống sót sau khi bị ung thư. Họ phát hiện thấy bệnh nhân uống từ bốn cốc cà phê trở lên mỗi ngày – khoảng 460 mg cafein có nguy cơ tái phát ung thư thấp hơn 42% so với người không uống cà phê chút nào. Những người thường xuyên uống từ bốn cốc cà phê trở lên có khả năng tử vong do ung thư thấp hơn 33% trong giai đoạn theo dõi. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy lượng cafein được bệnh nhân tiêu thụ có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư nhiều hơn bất kỳ thành phần nào khác trong cà phê. Cơ chế chính xác đằng sau phát hiện này hiện vẫn chưa được biết rõ mặc dù các nhà nghiên cứu nhận định có thể là hấp thụ cafein làm tăng độ nhạy cảm của insulin. Điều này có nghĩa là cơ thể cần ít insulin hơn, dẫn đến làm giảm chứng viêm – một yếu tố nguy cơ của cả ung thư và tiểu đường. Do nghiên cứu chỉ mang tính quan sát, các nhà nghiên cứu vẫn dè dặt trong việc đưa ra khuyến cáo về uống cà phê cho đến khi phát hiện của họ được xác thực bằng các nghiên cứu sâu hơn nữa. “Nếu bạn là người uống cà phê và đang được điều trị ung thư ruột kết, đừng dừng lại,” Fuchs cho biết. “Nhưng nếu bạn không phải là người uống cà phê và đang băn khoăn có nên uống hay không thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước đã.” Thay vào đó, Fuchs cho biết còn các biện pháp khác giúp giảm nguy cơ ung thư. Những biện pháp này bao gồm giữ cho cơ thể không bị béo phì, có chế độ ăn lành mạnh và thường xuyên tập thể dục – tất cả đều giúp giảm nguy cơ ung thư.

- 28-05-2018 -