Suy giáp và mang thai

Suy giáp có thể gây ra những biến chứng khi mang thai rất nghiêm trọng, bao gồm cả sảy thai. Hãy cùng tìm hiểu về việc tại sao phải điều trị suy giáp và nên theo dõi cẩn thận những dấu hiệu nào trong và sau khi mang thai.

Một số thay đổi khi mang thai, ví dụ như mệt mỏi, tăng cân, da khô và táo bón, có thể bị nhầm lẫn là những dấu hiệu bình thường. Nhưng, những dấu hiệu này thật ra có thể là do bệnh suy giáp. Trên thực tế, hơn 3% số phụ nữ mang thai sẽ bị suy giáp.

Tại sao suy giáp khi mang thai lại đáng lo ngại?

Khi bạn mang thai, tuyến giáp của bạn sẽ được kích hoạt để sản xuất ra đủ hormone cho bạn và em bé đang phát triển trong bụng. Trong 10-12 tuần đầu tiên, em bé sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormone tuyến giáp của bạn, lượng hormone này rất cần thiết cho việc phát triển não bộ của em bé. Nếu tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, thì cả bạn và em bé sẽ có thể gặp phải những nguy cơ nhất định.

Còn nếu bạn đã được chẩn đoàn suy giáp và muốn có con thì cũng không nên quá thất vọng. Mặc dù những biến chứng của suy giáp trong thai kỳ có thể rất nghiêm trọng, nhưng việc mắc suy giáp sẽ không khiến việc mang thai của bạn trở thành mang thai nguy cơ cao. Suy giáp có thể được kiểm soát một cách hiệu quả bằng việc sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Miễn là lượng hormone tuyến giáp của bạn đáp ứng với điều trị, thì việc mang thai cũng như sự phát triển của em bé sẽ diễn ra một cách bình thường.

Suy giáp và mang thai
Trước khi thụ thai có nên kiểm tra tuyến giáp không?

Việc thường xuyên kiểm tra tuyến giáp ở phụ nữ mang thai không xuất hiện triệu chứng hiện vẫn còn đang gây rất nhiều tranh cãi. Bởi việc xử lý như thế nào với những phụ nữ bị suy giáp nhẹ, không có triệu chứng hoặc không gây nguy cơ cho thai nhi hiện vẫn chưa rõ. Việc kiểm tra tuyến giáp khi mang thai hiện cũng chưa được xác nhận bởi Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG). Tuy nhiên, nếu bạn có các yếu tố nguy cơ dưới đây thì bạn nên đi xét nghiệm tuyến giáp để bảo đảm chắc chắn hơn:

  • Có tiền sử gia đình hoặc tiền sử cá nhân về bệnh lý tuyến giáp
  • Mắc bệnh tiểu đường typ 1
  • Đã từng tiếp xúc với tia phóng xạ (ví dụ như xạ trị) ở vùng đầu hoặc cổ
  • Đã từng sảy thai nhiều lần
  • Gặp các vấn đề về vô sinh
  • Bị béo phì
  • Sống trong khu vực thiếu i-ốt.

Các triệu chứng tưởng chừng như là bình thường khi mang thai cũng có thể sẽ là những dấu hiệu giúp bác sỹ đưa ra quyết định bạn có nên tiến hành xét nghiệm hormone TSH hay không.

Thời gian cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu bạn được chẩn đoán bị suy giáp trước khi mang thai, bạn nên xét nghiệm càng sớm càng tốt, ngay sau khi biết mình có thai.Ngày đầu tiên trễ chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mắc bệnh suy giáp nên thử thai ngay và liên lạc với bác sỹ nội tiết để có sự điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Sức khỏe tuyến giáp của bạn rất cần thiết cho sức khỏe em bé

Suy giáp không được điều trị trong khi mang thai có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai và sinh non, cũng như sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp trong khi chuyển dạ. Một khi đã được sinh ra, em bé cũng sẽ gặp phải nguy cơ biến chứng nhất định, bao gồm suy giảm về mặt thể chất và tinh thần. Một số biến chứng có thể dự phòng được nếu bệnh tuyến giáp được chẩn đoán và điều trị ngay sau khi sinh. Đó là lý do vì sao tất cả trẻ sơ sinh tại Mỹ đều được xét nghiệm suy giáp bẩm sinh.

Suy giáp và mang thai
Suy giáp trong và sau khi mang thai

Hormone tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa các chức năng của cơ thể. Ví dụ, hormone tuyến giáp sẽ điều chỉnh nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và huyết áp. Nhưng nếu không được điều trị, suy giáp có thể cản trở những chức năng này và cả những chức năng khác của cả bạn và em bé. Thiếu máu, đau cơ, ốm yếu, suy tim sung huyết, tiền sản giật, băng huyết sau sinh và bất thường về nhau thai đều có liên quan đến tình trạng suy giáp trong quá trình mang thai.

Thậm chí, bạn vẫn nên tiếp tục chú ý tới chức năng tuyến giáp sau khi sinh. 5-10% phụ nữ sẽ bị viêm tuyến giáp sau sinh trong vòng 1 năm đầu tiên sau khi sinh. Tình trạng này, khác với suy giáp, và là hậu quả của việc viêm tuyến giáp. Vì các dấu hiệu của viêm tuyến giáp sau sinh rất giống với các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh (mệt mỏi và ủ rũ), nên bệnh thường bị chẩn đoán nhầm. Viêm tuyến giáp sau sinh nếu không được điều trị và phát triển thành suy giáp , thì có khoảng 20% số trường hợp sẽ tiến triển thành suy giáp vĩnh viễn và cần điều trị liên tục.

Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân, khô da và táo bón, hãy trao đổi với bác sỹ. Suy giáp có tỷ lệ điều trị thành công rất cao và có thể giúp bảo vệ sức khỏe của cả bạn và em bé trong bụng.

- 28-05-2018 -