Sự thật về thuốc hạ mỡ máu

Không ai muốn phải uống thuốc cả. Nhưng, có hàng triệu người tại Mỹ (và khắp nơi trên toàn thế giới) phải uống thuốc hạ mỡ máu hàng ngày để giúp phòng chống nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Nếu bạn là một trong số hàng triệu người đang phải uống thuốc hạ mỡ máu (hoặc đang cân nhắc về việc dùng loại thuốc này) hãy đọc tiếp để biết được 10 sự thật cần biết về thuốc hạ mỡ máu.

Thuốc hạ mỡ máu không dành cho tất cả mọi người

Statin (một loại thuốc hạ mỡ máu) và các loại thuốc hạ mỡ máu khác có tác dụng rất tốt, nhưng chúng không dành cho tất cả mọi người. Những loại thuốc này có thể có phản ứng phụ, và thậm chí có thể gây  dị tật bẩm sinh nếu dùng khi đang mang thai.

Thuốc hạ mỡ máu thường không được khuyến nghị sử dụng cho phụ nữ trong đổ tuổi sinh đẻ.

Thuốc hạ mỡ máu cũng không phù hợp với những người có nguy cơ bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ thấp. Nguy cơ của những căn bệnh này sẽ tăng lên khi bạn trên 60 tuổi (trên 50 tuổi với nam), bị tăng cholesterol, tăng huyết áp hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch.

Bạn phải chú ý tới chế độ ăn

Lượng cholesterol xấu LDL có thể sẽ hạ xuống khi bạn bắt đầu dùng thuốc, nhưng thuốc không phải là một loại thần dược. Bạn sẽ vẫn phải giảm cân, ăn chế độ ăn chứa ít chất béo và luyện tập thể thao. Thuốc không thể thay thế được cho một lối sống khỏe mạnh.

Nhưng nếu lượng cholesterol của bạn không thay đổi sau khi bạn thay đổi lối sống, hoặc nếu bạn bị nhồi máu cơ tim, thì bạn sẽ cần phải dùng thuốc. Thay đổi chế độ ăn và luyện tập thể thao nhiều hơn có thể sẽ làm giảm lượng cholesterol của bạn từ 4-13%. Statin có thể làm giảm lượng cholesterol từ 20-45%, tùy từng loại.

Sự thật về thuốc hạ mỡ máu

Thận trọng với tác dụng phụ của thuốc

Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ, và thuốc hạ mỡ máu cũng vậy. Mặc dù rất nhiều tác dụng phụ của thuốc chỉ gây ra những phiền toái nhỏ trong cuộc sống của bạn nhưng một số tác dụng phụ khác, có thể sẽ rất nghiêm trọng. Ví dụ, statin có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mô cơ, tổn thương gan. Nguy cơ này đặc biệt tăng cao nếu bạn dùng statin cùng với các loại kháng sinh hoặc các loại thuốc hạ mỡ máu khác.

Nhìn chung, tác dụng phụ của các loại thuốc hạ mỡ máu bao gồm buồn nôn, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy, chóng mặt, đau cơ, suy nhược hoặc đỏ mặt. Hãy trao đổi với bác sỹ về việc đổi thuốc nếu bạn gặp phải những tác dụng phụ ở trên.

Đa số mọi người không uống thuốc đúng cách

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đang cân nhắc đến việc đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc sai cách cũng có thể nguy hiểm với bệnh nhân. Một số người chỉ đơn giản là quên uống thuốc, một số người khác bỏ quên một liều thuốc hoặc lờ hẳn việc uống thuốc vì họ lo lắng về giá thành thuốc hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong số những người được kê thuốc hạ mỡ máu, có 12% số người không mua thuốc uống, 12% có mua thuốc nhưng không uống thuốc và 22% có uống thuốc nhưng sau đó lại tự ý dừng thuốc. Trong số những người được kê statin sau một sự cố sức khỏe liên quan đến tim mạch, chỉ có khoảng một nửa trong số đó vẫn tiếp tục uống thuốc sau 5 năm. Một nghiên cứu năm 2007 chỉ ra rằng, uống thuốc hạ mỡ máu sai có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Nước bưởi chùm có thể sẽ gây ra vấn đề.

Nước bưởi chùm có thể sẽ khiến statin có tác dụng mạnh hơn, do đó bạn sẽ dễ gặp phải các tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, chỉ có bưởi chùm (loại quả lai giữa bưởi và cam) mới gây ra tình trạng này, các loại trái cây khác thuộc họ cam quýt hoặc các loại thuốc khác (không phải statin) sẽ không gây ra tình trạng tương tự.

Bưởi chùm có chứa một thành phần có thể tác động lên việc hấp thu statin của hệ tiêu hóa, làm tăng lượng thuốc cơ thể hấp thụ đến giới hạn nguy hiểm. Nếu bạn đang sử dụng thuốc statin, tốt nhất bạn nên tránh ăn, uống bưởi chùm và bất cứ một loại sinh tố hỗn hợp nào có chứa bưởi chùm.

Sự thật về thuốc hạ mỡ máu

Trao đổi với bác sỹ về các loại thảo mộc, thực phẩm chức năng

Rất nhiều người sử dụng đa vitamin, khoáng chất hoặc thảo mộc với mục đích tăng cường sức khỏe. Hãy trao đổi với bác sỹ và để bác sỹ biết được tất cả những loại thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Một số loại thực phẩm chức năng có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của các thuốc hạ mỡ máu. Ví dụ, cỏa John’s Wort có thể làm một số loại thuốc nhóm statin giảm hiệu quả.

Ngoài ra, rất nhiều loại thực phẩm chức năng khác, bao gồm dầu cá, tỏi, nhân sâm và men gạo đỏ bản thân chúng đã là một loại thuốc hạ mỡ máu rồi. Do vậy sử dụng những loại thực phẩm chức năng này có thể sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của các loại thuốc hạ mỡ máu.

Thuốc hạ mỡ máu có thể tương tác với một số loại thuốc khác

Không chỉ có thực phẩm và các loại thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc hạ mỡ máu. Các loại thuốc kê đơn khác, ví dụ như các thuốc chống nấm hoặc thuốc kháng sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của statin.

Statin có thể tương tác với các loại thuốc bao gồm warfarin, thuóc chẹn kênh canxi (như diltiazem), và các thuốc ức chế miễn dịch (như cyclosporine). Fibrate cũng có thể sẽ tương tác với warfarin, niacin có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác, bao gồm thuốc tăng huyết áp, thuốc chống co giật và thuốc tiểu đường.

Nên kiên nhẫn

Bạn có thể sẽ phải thử rất nhiều lần mới có thể tìm ra loại thuốc và liều thuốc phù hợp với mình. Zocor (simvastatin) không thể uống quá 20mg nếu được kê cùng các thuốc amlopidine điều trị huyết áp, ranolazine điều trị đau thắt ngực hoặc amiodarone điều trị loạn nhịp tim. Zocor sẽ không được uống quá 10mg nếu uống cùng các thuốc chẹn kênh canxi như verapamil và diltiazem. Bạn không thể sử dụng Zocor với các loại thuốc hạ cholesterol fibrate hoặc với các thuốc ức chế protease trong điều trị HIV. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là simvastatin là một loại thuốc không tốt, mà chỉ có nghĩa là bạn cần điều chỉnh thuốc để tránh những tương tác thuốc không đáng có.

Dùng thuốc cả đời

Một khi bạn đã bắt đầu dùng statin hoặc các loại thuốc hạ mỡ máu khác, bạn sẽ phải tiếp tục dùng thuốc mãi mãi, hoặc đổi thuốc nếu một loại thuốc gây ra tác dụng phụ hay không phát huy tác dụng với bạn. Lượng cholesterol có thể tăng đến mức tương đương với trước khi bạn dùng thuốc. Việc này sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim của bạn. Sẽ có một số lý do bạn có thể dừng uống thuốc một thời gian. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi về vấn đề này với bác sỹ trước khi bắt đầu thực hiện.

- 28-05-2018 -