Sốc phản vệ: Những điều cần biết

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và cần phải được cấp cứu ngay lập tức bằng mọi cách. Trong những ngày nghỉ lễ, tết, các bữa tiệc, việc đi lại, tiếp xúc với nhiều thứ lạ có thể tiềm ẩn những nguy cơ lớn về sốc phản vệ.

Nguyên nhân của sốc phản vệ

Nếu bạn đã từng có phản ứng dị ứng, bạn sẽ có nguy cơ bị sốc phản vệ. Nhưng không phải tất cả các phản ứng dị ứng đều sẽ dẫn đến sốc phản vệ. Các phản ứng dị ứng có thể dẫn đến sốc phản vệ bao gồm:

  • Dị ứng đồ ăn như dị ứng với sữa, tôm, đậu nành, trứng, dị ứng đậu phộng, dị ứng hạt cây.
  • Dị ứng với một số loại thuốc như penicillin
  • Dị ứng khi bị côn trùng cắn hoặc đốt.
Sốc phản vệ: Những điều cần biết
Triệu chứng của sốc phản vệ

Sốc phản vệ chính là phản ứng dị ứng của cơ thể với rất nhiều triệu chứng khác nhau. Các phản ứng dị ứng lại rất khác nhau với từng người, và ở mỗi người có thể xuất hiện nhiều triệu chứng sốc phản vệ cùng một lúc.

Triệu chứng bao gồm:

  • Ngứa hoặc phát ban
  • Sổ mũi hoặc hắt hơi
  • Ngứa miệng, họng, khó nuốt hoặc sưng môi, lưỡi
  • Sưng các chi
  • Chuột rút hoặc tiêu chảy
  • Nôn

Các triệu chứng phản vệ nặng

Một số triệu chứng của phản vệ cần được cấp cứu ngay lập tức vì có thể đe dọa đến tính mạng củ người bệnh như:

  • Thở dốc, khó thở hoặc bị tắc nghẽn đường thở
  • Đau ngực hoặc đau thắt ngực
  • Tụt huyết áp
  • Mạch yếu và nhanh
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Lú lẫn

Triệu chứng của sốc phản vệ có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong một khoảng thời gian rất ngắn. Cấp cứu cần được tiến hành trong vòng từ 30-60 phút nếu không có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Đôi khi các triệu chứng phản vệ xảy ra theo một khuôn mẫu. Ví dụ:

  • Triệu chứng xuất hiện vài phút sau khi bạn chạm vào hoặc ăn phải thứ mà bạn bị dị ứng.
  • Một vài triệu chứng có thể cùng xuất hiện một lúc như mẩn đỏ, sưng và nôn mửa.
  • Những triệu chứng đầu tiên có thể sẽ biến mất nhưng sẽ quay lại trong khoảng 8-72 giờ sau đó.
  • Một số phản ứng sẽ tiếp tục xảy ra trong một vài giờ.

Làm gì khi sốc phản vệ xảy ra?

Nếu bạn nghĩ bản thân mình hoặc những người xung quanh có phản ứng phản vệ, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đảm bảo rằng bệnh nhân cảm thấy thoải mái. Nâng cao chân của họ để giúp máu lưu thông. Nếu bệnh nhân ngừng thở, hãy tiến hành kĩ thuật hồi sức tim phổi (CPR) và làm tất cả những cấp cứu cần thiết cho đến khi được sự giúp đỡ của nhân viên y tế.

Những người gặp các phản ứng dị ứng nặng sẽ được tiêm epinephrine tự động (hay adrenaline). Việc này có thể sẽ làm giảm được các triệu chứng phản vệ. Epinephrine (hay adrenaline) thường được dùng để điều trị sốc phản vệ. Nó sẽ được đưa vào cơ thể thông qua một ống tiêm tự động. Vị trí tiêm thường là tiêm bắp.

Sau khi tiêm, các triệu chứng phản vệ sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Nếu không, sẽ phải tiêm ống thứ hai. Sau đó bạn sẽ phải đến bệnh viện để được điều trị thêm.

Dự phòng sốc phản vệ: Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng

Cách tốt nhất để ngăn chặn sốc phản vệ là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: đồ ăn hay bất cứ thứ gì làm bạn dị ứng. Các bác sỹ có thể sẽ giúp bạn xác định các tác nhân gây dị ứng bằng xét nghiệm máu hoặc test lẩy da tìm nguyên nhân dị ứng.

Chủ động đối phó với sốc phản vệ

Lên một kế hoạch đối phó với sốc phản vệ, đó là những hướng dẫn cho người thân phải làm gì nếu bạn đột nhiên bị sốc phản vệ. Kế hoạch có thể bao gồm cả thông tin về triệu chứng của sốc phản vệ và đưa ra những lời khuyên nên làm gì trong những trường hợp cấp cứu.

- 28-05-2018 -