Phương pháp điều trị dự phòng nhồi máu cơ tim

Để ngăn chặn nhồi máu cơ tim, hiện nay ở Mỹ người ta đang chú ý đến một phương pháp điều trị dự phòng mới. Đó làđiều trị dự phòng tích cực không để nhồi máu cơ tim xảy ra

Hiện nay các bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở các nước kinh tế phát triển, và nhồi máu cơ tim là “tên giết người” nguy hiếm số 1. Riêng ở nước Mỹ, mỗi năm có 40 triệu bệnh nhân tim mạch cần điều trị, trong đó có 1,5 triệu trường hợp nhồi máu cơ tim và 1/3 số này đã bị tử vong.

Cho đến nay, phương pháp điều trị mang lại hiệu quả tức thời đối với các trường hợp bệnh tới nguy hiểm này là phẫu thuật và dùng thuốc làm tan cục máu nghẽn. Riêng ở nước Mỹ, mỗi năm có tới 330 nghìn ca phẫu thuật mổ lồng ngực, cấy một đoạn mạch khác lấy từ chân hay ngực vào đoạn mạch tắc để đảm bảo cung cấp đủ máu cho tim. 190 nghìn bệnh nhân khác phải qua phẫu thuật dùng ống soi có hòn bi để thông đoạn mạch tắc.

Cả hai phương pháp phẫu thuật này đều cho kết quả tốt nhưng vẫn còn rủi ro và rất tốn kém. 30-40 nghìn đôla cho phương pháp thứ nhất và 15-20 nghìn đôla đối với phương pháp thứ hai. Mỗi năm nước Mỹ đã chi tới 11 tỉ đôla cho những ca phẫu thuật này, chưa kể những thuốc men điều trị lâu dài và cũng rất đắt đỏ để làm giảm lượng cholesterol trong máu người bệnh.

Để ngăn chặn nhồi máu cơ tim, hiện nay ở Mỹ người ta đang chú ý đến một phương pháp điều trị dự phòng mới. Tác giả của phương pháp này là bác sĩ Oocnixơ, người bang Texas, giảng viên trường đại học Tổng hợp California. Ông đã cùng đồng sự nghiên cứu cách điều trị bệnh tim mạch từ năm 1984 và nhận thấy cả phẫu thuật và thuốc đều không chữa được căn nguyên của bệnh.

Phương pháp điều trị dự phòng nhồi máu cơ tim
Phương pháp điều trị dự phòng nhồi máu cơ tim

Với phương pháp phẫu thuật thứ nhất (cấy một đoạn mạch khác vào đoạn mạch bị tắc) tuy rất tốn kém nhưng không chữa được gốc bệnh, trung bình sau 5 năm ở đoạn mạch mới cấy vào lại xuất hiện lớp mỡ. Còn đối với phương pháp phẫu thuật thứ hai (thông đoạn mạch tắc) đã có trường hợp chỉ 2-3 tháng sau đoạn mạch được thông bị tắc lại.

Vì vậy tác giả đã nghiên cứu điều trị theo hướng khác, tốt nhất là điều trị dự phòng tích cực không để nhồi máu cơ tim xảy ra. Ông đã quan tâm đặc biệt tới mối liên hệ giữa bệnh nhồi máu cơ tim và lối sống của người bệnh, quan hệ cá nhân của họ đối với những người chung quanh, chế độ ăn uống, mức độ căng thẳng tinh thần và thế lực.

Cuối cùng ông đã thu được kết quả tốt đẹp không ngờ bằng phương pháp điều trị dự phòng đơn giản: thay đổi lối sống có hại, kiềm chế stress và tránh ăn mỡ. Tất cả những người được điều trị theo phương pháp này đều đỡ và hết hẳn các cơn đau thứt ngực. Nhiều người đã giảm hẳn lượng cholesterol trong máu mà không cần thuốc.

Thí nghiệm của Oocnixơ được tiến hành từ 6 năm trước đây. Ông đã điều trị một số bệnh nhân đau tim nặng bằng một phương pháp riêng: ăn kiêng, tập thể dục, bỏ hút thuốc lá, học cách giao tiếp với mọi người và tránh các stress.

Hầu như toàn bộ thức ăn của bệnh nhân là rau quả, trừ trứng cho bữa sáng và sữa không chứa chất béo dùng bữa trưa. Lượng chất béo (lipid) không quá 10% tổng số calo cung cấp cho cơ thể. Bệnh nhân được phép uống hai cốc bia mỗi ngày, được ăn thoải mái về số lượng nhưng bị kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Nhờ vậy bệnh nhân gầy bớt đi và điều quan trọng là lượng cholesterol trong máu giảm xuống nhiều.

Tập thể dục là điều quan trọng trong phương pháp điều trị này. Bệnh nhân tập những bài thể dục nhẹ nhàng hợp với tình hình bệnh, nhiều người mỗi ngày chi cần đi bộ nửa giờ là đủ. Những người khỏe hơn có thể làm vườn, bơi, chơi quần vợt, nhưng không ai được phép chạy. Người bệnh vẫn đươc đảm bảo sinh hoạt tình dục bình thường.

Thành công của Oocnixơ thật bất ngờ và đầy hứa hẹn, được đông đảo đồng nghiệp hoan nghênh và mở ra một hướng điều trị mới cho ngành tim mạch. Đây là một phương pháp điều trị dự phòng tích cực rất quan trọng đối với những người mắc bệnh tim mạch ngăn ngừa không để nhồi máu cơ tim xảy ra. Còn nếu nó đã xảy ra rồi thì phẫu thuật và những loại thuốc làm tan cục máu nghẽn vẫn là những biện pháp điều trị cấp cứu có hiệu quả nhất hiện nay.

- 28-05-2018 -