Phi công có nguy cơ bị ung thư da cao

Một nghiên cứu mới cho thấy phi công và phi hành đoàn có tỷ lệ bị ung thư da cao gần gấp đôi so với người bình thường.

Các nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng trên xảy ra do tiếp xúc với tia cực tím và bức xạ vũ trụ ở độ cao lớn. Mặc dù việc tiếp xúc với các mức bức xạ ion hóa được theo dõi thường xuyên, tiếp xúc với tia cực tím không được xem là một nguy cơ nghề nghiệp đối với phi công và phi hành đoàn. Tuy nhiên, tia cực tím được xem là một yếu tố nguy cơ lớn gây ra u sắc tố ác tính. Tia cực tím có thể làm tổn thương các ADN của tế bào da, và khi các ADN kiểm soát sự tăng trưởng của tế bào da bị tổn thương, ung thư da sẽ có khả năng phát triển. Ung thư da là dạng ung thư phổ biến nhất ở Mỹ và mặc dù u sắc tố ác tính chiếm ít hơn 2% các trường hợp ung thư da, đây là nguyên nhân chính gây tử vong ở ung thư da. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khoảng 76.100 ca u sắc tố ác tính mới được chẩn đoán trong năm 2014. Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ ước tính rằng khoảng 9.710 người ở Mỹ chết do bệnh này trong năm nay.
Phi công có nguy cơ bị ung thư da cao
Tỷ lệ mắc u sắc tố ác tính ở Mỹ đang gia tăng và một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh này ở phi công và phi hành đoàn cũng đang gia tăng. Một nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Martina Sanlorenzo ở Đại học California (Mỹ) đã tiến hành phân tích 19 nghiên cứu bao gồm 266.000 người tham gia. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy tỷ lệ mắc u sắc tố ác tính ở những người làm việc trên máy bay là 2,21. Cụ thể là, phi công có tỷ lệ mắc u sắc tố ác tinh là 2,22 và con số này ở phi hành đoàn là 2,09. Kết quả trên cho thấy phi công và phi hành đoàn có tỷ lệ mắc u sắc tố ác tính cao gấp đôi so với người bình thường. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy mối tương quan giữa tỷ lệ mắc u sắc tố ác tính và số giờ bay của phi hành đoàn. Việc tiếp xúc với tia cực tím khi làm việc có ảnh hưởng lên tỷ lệ mắc u sắc tố ác tính nhiều hơn so với tiếp xúc với tia cực tím trong các hoạt động giải trí ngoài trời. Các nhà nghiên cứu tin rằng tăng thời gian tiếp xúc với bức xạ tia cực tím là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc u sắc tố ác tính ở phi hành đoàn. Các tấm kính chắn và cửa sổ trên máy bay không thể chặn được hoàn toàn bức xạ tia cực tím và ở độ cao 9.000m nơi các chuyến bay thương mại diễn ra, mức tia cực tim cao gần gấp đôi mức trên mặt đất. Do đó, tiếp xúc với tia cực tím trong thời gian dài là một vấn đề đáng lo ngại đối với phi công và phi hành đoàn và có thể làm tăng tỷ lệ mắc u sắc tố ác tính. Nghiên cứu trên được tài trợ bởi Viện Ung thư Quốc Gia trực thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ và được công bố trên tạp chí Da liễu JAMA. 

- 28-05-2018 -