Phác đồ tiêm phòng bệnh dại do chó cắn

Tại Việt Nam, mùa hè là mùa bùng phát của bệnh dại, cao điểm nhất là từ tháng 4 đến tháng 8. Đến thời điểm này, y học thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị bệnh dại một khi đã phát bệnh; do đó, tỉ lệ tử vong khi bệnh dại khởi phát khiến nạn nhân lên cơn dại là 100%. Hầu như không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và lo lắng bồn chồn.

Tiêm vắc xin ngừa bệnh dại là cách phòng ngừa bệnh dại hiệu quả nhất. Hiện nay, nước ta đang lưu hành vaccine Verorab do công ty Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất và vaccine Abhayrab do được sản xuất bởi công ty Human Biologigical Institute (Ấn Độ), là 2 vaccine dại tinh chế, được dùng để phòng chống bệnh dại và hỗ trợ điều trị phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (sau khi bị súc vật cắn). Cả hai vaccine này đều có tác dụng tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại cho cả người lớn và trẻ em, sau khi tiếp xúc hoặc bị con vật nghi bị dại cắn.

Cần tiêm phòng bệnh dại khi bị chó cắn (Ảnh minh họa)

Phác đồ tiêm ngừa bệnh dại:

Với liều tiêm dự phòng hay tiêm trước phơi nhiễm:

  • Tiêm ngừa cơ bản: tiêm bắp 3 liều (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 7 và 28.
  • Tiêm nhắc lại: sau 1 năm. Sau đó cứ 5 năm tiêm lại một lần.

Với liều tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại khi xác định có phơi nhiễm:

  • Người chưa tiêm dự phòng: tiêm 05 mũi (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28. Trong trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm Immunoglobulin dại kết hợp.
  • Người đã tiêm dự phòng trong 5 năm gần đây: tiêm 02 liều vào ngày 0 và 3.
  • Người đã tiêm dự phòng không đều hay quá 5 năm: tiêm 05 mũi vào các ngày 0,3,7,14,28 và có thể tiêm thêm Immunoglobulin.

Một số hướng dẫn phòng chống bệnh dại

Để phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Với các gia đình có nuôi chó, mèo thì cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Đặc biệt, cần lưu ý tránh thả rông chó, mèo, nếu chó ra đường phải đeo rọ mõm nhằm tránh gây nên các vụ việc không đáng có.

- Không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, nhất là với chó, mèo lạ.

- Nếu không may bị chó, mèo cắn, hãy thực hiện các bước sơ cứu và nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ xử lý kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa ở nhà hoặc nhờ thầy lang chữa trị. 

- Nên tiêm phòng ngay theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh trường hợp cứ chờ cho con chó bị ốm/chết rồi mới đi tiêm. Bởi có rất nhiều con chó sau khi cắn thì 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị cắn mới đi tiêm thì đã muộn, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn tham khảo thông tin:

  • Sở Y tế Thành phố Hà Nội (soyte.hanoi.gov.vn)
  • Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (vnvc.vn)

Khám từ xa Wellcare tổng hợp

- 11-04-2019 -