Những điều cần biết về việc tự khám vú

Các bằng chứng gần đây cho thấy, việc tự khám vú hàng tháng sẽ không làm giảm tỷ lệ tử vong vì ung thư vú, nhưng lại có thể giúp bạn phát hiện sớm tình trạng bất thường hay u cục tại vú. Những thông tin dưới đây có thể sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc tự khám vú.

Về bản chất, ngực của bạn là một cơ quan có nhiều u cục và gồ ghề

Ngực là một cơ quan có nhiều u cục, chị em nên yên tâm về hiện tượng sinh lý này. Thông thường trước kỳ kinh nguyệt hàng tháng, một số chị em sẽ thấy căng tức và nổi u cục ở vùng ngực.

Bên cạnh đó, nhiều chị em tự khám vú hàng tháng, và nhận thấy, vú của mình có nhiều u cục rồi tự thấy rất lo lắng, đi khám bệnh và sẽ đề nghị được tiến hành rất nhiều xét nghiệm, sinh thiết không cần thiết. Trong khi, việc vú có u hay cục là hết sức bình thường. Việc biết được cấu trúc giải phẫu của vú, bao gồm việc phần nào của vú sờ sẽ có nhiều u cục hơn các phần khác sẽ giúp bạn nhận ra đâu mới là sự thay đổi bất thường, và đâu là tình trạng u cục tự nhiên của vú.

Nếu bạn nhận thấy những thay đổi về kích thước, hình dạng vú, vú tiết dịch, ngứa, sưng, đau, vú dày lên hoặc lõm vào hay bất cứ những thay đổi nào khác tại vùng da ở vú, khác với thông thường của bạn, thì đó mới là dấu hiệu đáng lo ngại. Khi đó, hãy liên lạc với bác sỹ ngay hoặc đi khám bệnh để được chẩn đoán chính xác nhất.

Những điều cần biết về việc tự khám vú

Vú của bạn sẽ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc bộ ngực của bạn. Ngay trước khi chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện, ngực của bạn sẽ cảm thấy có nhiều u cục và căng tức hơn, do sự tăng hormone estrogen và progesterone. Nếu bạn cảm thấy ngực mình thay đổi trước khi chu kỳ kinh nguyệt tới, thì bạn nên đợi chu kỳ kinh nguyệt qua đi và xem xem liệu ngực của bạn có còn cảm thấy “khác” nữa không.

Các chuyên gia khuyên rằng, thời điểm tốt nhất để tự khám vú là ngay sau khi chu kỳ kinh nguyệt vừa kết thúc, thì mà tình trạng căng tức vú đã giảm đi và các khối u cục trở về tình trạng tự nhiên của nó. Nếu sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc mà bạn không hết căng tức ngực hoặc các khối u cục bạn sờ nắn thấy trên vú không trở về trạng thái tự nhiên, thì đó chính là lúc bạn nên tới gặp bác sỹ.

Ngoài tự khám vú, bạn có thể dự phòng ung thư vú bằng nhiều cách khác

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được của bệnh ung thư vú bao gồm chế độ ăn, luyện tập thể thao, duy trì cân nặng hợp lý và hạn chế sử dụng rượu bia.

Chế độ ăn tiêu chuẩn được khuyến nghị là một chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, ít chất béo động vật và protein. Phụ nữ cũng nên bổ sung canxi từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, bao gồm sữa và rau có lá xanh.

Khi nói về đồ uống có cồn, thì nguy cơ ung thư vú có thể sẽ tăng lên nếu bạn uống quá 3-4 ly rượu/tuần, do vậy, hãy khống chế việc uống rượu của bạn tối đa là mỗi ngày 1 ly rượu.

Bạn nên biết rõ nguy cơ ung thư vú của chính mình

Tất cả phụ nữ nên có thói quen quan tâm thường xuyên đến vú của mình, bao gồm việc biết rõ cấu trúc giải phẫu cơ bản của vú và chú ý đến những thay đổi bất thường ở vú.

Tuy nhiên, bạn cũng nên biết được các yếu tố nguy cơ của ung thư vú, vì nếu bạn có những yếu tố nguy cơ này, bạn có thể sẽ cần tiến hành nhiều loại khám sàng lọc khác nhau (ngoài việc tự khám vú) và có thể sẽ cần được khám sáng lọc thường xuyên hơn.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú bao gồm: tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, tuổi cao, béo phì (đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh), sử dụng hormone, đặc biệt là việc phối hợp estrogen và progesterone. Những phụ nữ có sẹo cũ ở tuyến vú được phát hiện khi tiến hành sinh thiết tuyến vú cũng sẽ có nguy cơ ung thư vú cao hơn.

Những phụ nữ có nguy cơ cao sẽ cần phải được khám sàng lọc nhiều hơn so với những phụ nữ khác. Những phụ nữ có nguy cơ cao sẽ cần được khám vú 6 tháng/lần, thay vì 1 năm/lần như những phụ nữ khác, và ngoài việc khám lâm sàng, sẽ cần phải tiến hành các chẩn đoán hình ảnh của tuyến vú, ví dụ như chụp cộng hưởng từ hoặc chụp X quang tuyến vú.

Những điều cần biết về việc tự khám vú

Không phải lúc nào tự khám vú cũng sẽ phát hiện ra điều bất thường

Năm 2013, nhóm Preventive Services Task Force của Hoa Kỳ đã đưa ra những khuyến nghị về việc dạy phụ nữ cách tự khám vú, bởi thông thường, những bất thường ở vú lại không được phát hiện ra khi khám vú. Đa số các trường hợp ung thư vú được phát hiện bởi phụ nữ lại là khi họ đang thực hiện các việc làm hàng ngày, ví dụ như khi tắm, khi mặc quần áo, khi thoa kem dưỡng da… Đó là lý do vì sau, ngày nay, các chương trình dự phòng ung thư vú chủ yếu tập trung vào việc tăng cường nhận thức về ung thư vú, chứ không chỉ tập trung vào việc dạy phụ nữ tự khám vú như thế nào.

Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó bất thường, đừng ngần ngại, hãy đến gặp bác sỹ

Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó bất thường mà không biến mất sau khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn kết thúc, thì bạn nên đến gặp bác sỹ ngay, mà không cần đợi đến đúng lịch khám sàng lọc vú hàng năm.

Khi đi khám, bạn có thể sẽ được chẩn đoán hình ảnh, ví dụ như chụp X quang tuyến vú và siêu âm vú. Chụp X quang tuyến vú là một phương pháp sàng lọc hữu ích, nhưng chụp X quang sẽ không có hiệu quả cao với các mô vú có mật độ dày. Đây là một tình trạng thường gặp, vì các mô vú có mật độ dày, khi nhìn trên phim X quang, cũng sẽ có màu trắng giống như khối u, khiến việc chẩn đoán gặp phải nhiều khó khăn. Phát hiện trong giai đoạn sớm hơn bằng việc siêu âm sẽ giúp ích cho việc chẩn đoán và tìm ra khu vực bị ung thư dễ dàng hơn. Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó bất ổn, hãy yêu cầu được chụp X quang tuyến vú, siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ tuyến vú.

Thông thường, một khối u cục không phải là vấn đề đáng lo ngại

Thông tin này có thể sẽ làm bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn: Nếu bạn thấy có bất thường ở vú, thì nhiều khả năng đó chỉ là một khối u lành tính. Dựa trên các kết quả kiểm tra, bao gồm cả việc chụp X quang tuyến vú bất thường, thì chỉ có từ 10-20% số trường hợp bất thường là bị ung thư vú. Do vậy, bạn không nên quá lo lắng, nhưng cũng không nên coi thường việc được lượng giá, để đảm bảo an toàn cho bản thân bạn!

- 28-05-2018 -