Những điều cần biết về bệnh u tế bào thần kinh thị giác

U tế bào thần kinh thị giác là một dạng của ung thư não. Có nhiều loại ung thư não, tên của các căn bệnh này được đặt theo tên của các tế bào bị ảnh hưởng. Theo Trung tâm nghiên cứu bệnh u não Johns Hopkins (Mỹ), u tế bào đệm chiếm khoảng 1/3 số ca bệnh ung thư não (JHU, 2012).

U tế bào thần kinh thị giác là căn bệnh có diễn biến khá chậm so với nhiều dạng ung thư não khác. Chúng được phát hiện ở vùng giao thoa thị giác (optic chiasm) nơi bắt chéo nhau của các dây thần kinh thị giác hay vùng xung quanh dây thần kinh thị giác.

U tế bào thần kinh thị giác là một loại ung thư hiếm gặp, thường tiến triển chậm và hay gặp ở trẻ em dưới 20 tuổi. Nó cũng có liên quan đến rối loạn di truyền u thần kinh sợi type 1 hay NF1.

Những điều cần biết về bệnh u tế bào thần kinh thị giác

Các triệu chứng

Các triệu chứng của u tế bào thần kinh thị giác gây ra là do sự chèn ép của khối u lên các dây thần kinh. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Mất thăng bằng
  • Rối loạn thị giác
  • Đau đầu
  • Chuyển động mắt không kiểm soát
  • Mất trí nhớ
  • Ngủ gà ban ngày
  • Mất vị giác
  • Chậm phát triển

Những vấn đề về nội tiết tố cũng có thể xuất hiện do khối u có thể phát triển ở gần khu vực não bộ kiểm soát việc điều tiết hormon.

Chẩn đoán

Những xét nghiệm kiểm tra não bộ có thể đánh giá được tình trạng mất thị lực một phần hay toàn bộ hoặc thay đổi ở dây thần kinh thị giác. Bệnh nhân có thể có gia tăng áp lực tại não bộ. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán căn bệnh này bao gồm chụp CT não bộ, chụp cộng hưởng từ hạt nhân MRI và sinh thiết.

Những điều cần biết về bệnh u tế bào thần kinh thị giác

Điều trị

Căn bệnh ung thư này cần sự phối hợp điều trị của các bác sỹ thuộc nhiều lĩnh vực, có thể bao gồm cả bác sỹ phẫu thuật thần kinh và chuyên gia xạ trị.

Nếu khối u này có thể loại bỏ an toàn bằng phẫu thuật, bác sỹ thường sẽ chỉ định phẫu thuật. Nếu khối u không thể loại bỏ toàn bộ thì một phần khối u sẽ được cắt bỏ để giảm bớt áp lực đè nén lên hộp sọ.

Bệnh nhân có thể được tiến hành xạ trị trước phẫu thuật để làm thu nhỏ khối u trước khi loại bỏ nó hoặc sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp hóa trị cũng có thể được sử dụng để diệt tế bào ung thư. Cách này đặc biệt hiệu quả nếu khối u đã di căn đến các phần khác của não bộ. Bệnh nhân cũng có thể được sử dụng corticosteroid để giảm sưng tại não.

Những liệu pháp điều trị này có thể tiêu diệt cả những mô não khỏe mạnh bình thường. Những mô chết có thể trông khá giống với ung thư, do vậy nó cần được theo dõi cẩn thận và chặt chẽ để phòng trường hợp khối u không được cắt bỏ hết dẫn đến tái phát. Sau điều trị, bệnh nhân cũng cần phải đến khám lại thường xuyên để phòng những tác dụng phụ của liệu pháp điều trị cũng như đảm bảo rằng ung thư không tái phát.

Sau điều trị

Sau quá trình điều trị căn bệnh ung thư này, bệnh nhân vẫn có thể gặp phải những tác dụng phụ về lâu dài. Nếu bệnh nhân gặp phải những vẫn đề như khó khăn về nhận thức, mất khả năng học tập và rối loạn phát triển, hãy trao đổi với bác sỹ để được tư vấn và có những biện pháp giúp giảm thiểu những tổn thương gây ra do tác dụng phụ của điều trị.

Mắc phải bệnh ung thư khi còn ít tuổi là một cú sốc rất lớn đối với một đứa trẻ. Do vậy, bạn cần sát cánh cùng trẻ, luôn hỗ trợ và động viên trẻ hết mình để cùng vượt qua căn bệnh này.

- 28-05-2018 -