LÀM GÌ KHI BỊ CÔN TRÙNG ĐỐT

Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ như sưng nề đỏ, ngứa và đau ở nơi bị đốt, những biểu hiện này thường tự biến mất trong vòng một vài giờ. Khoảng 10% số người bị đốt có phản ứng lan toả tại chỗ với một quầng đỏ lan rộng quanh chỗ đốt, ngứa nhiều và đau nhức. Quầng đỏ này thường phát triển tối đa sau 2 ngày và tồn tại trong 7-10 ngày.

Bên cạnh các phản ứng tại chỗ, trong khoảng 1-3% các trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thể như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Ở Mỹ, sốc phản vệ do côn trùng đốt mỗi năm cướp đi sinh mạng của ít nhất 40-50 người. Các loại côn trùng là thủ phạm chính của những phản ứng dị ứng này là ong đất, ong mật, ong vò vẽ, ong nghệ, ong bắp cày và kiến lửa, đôi khi có thể là các loại rận rệp.

Cách xử trí khi bị côn trùng đốt:

Những trường hợp phản ứng chỉ khu trú tại chỗ thường không đòi hỏi điều trị, vùng sưng nề sẽ tự biến mất sau vài giờ mà không để lại di chứng. Trong trường hợp có phản ứng lan toả tại chỗ, vùng bị côn trùng đốt nên được chườm lạnh và nâng cao. Thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin…) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon…) đường uống hoặc tiêm truyền nên được dùng sớm ngay khi có thể để giảm nhanh triệu chứng, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau 1 ngày vết đốt thường tạo thành một mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Những phản ứng dị ứng mang tính toàn thể bắt buộc phải được điều trị trong bệnh viện, trong đó adrenalin là liệu pháp không thể thiếu và nên được dùng sớm ngay khi có thể.

Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mày đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó. Dung dịch adrenalin 1/1000 được tiêm dưới da với liều 0,1ml/kg cân nặng và có thể nhắc lại sau 15 phút nếu cần. Sử dụng sớm các thuốc kháng histamin và corticosteroid đường tiêm truyền giúp giảm bớt triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như thở ôxy, dùng thuốc giãn phế quản, truyền dịch… là cần thiết trong các trường hợp sốc phản vệ. Nếu ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra và tránh làm vỡ túi chứa nọc, điều này tốt nhất nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt.

Các biện pháp phòng ngừa côn trùng đốt:

Những người có tiền sử dị ứng hoặc đã từng bị dị ứng với nọc côn trùng cần hết sức thận trọng để tránh bị côn trùng đốt. Khi đi ra ngoài hoặc làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, tốt nhất họ nên đi giầy, mặc áo dài tay, quần áo nên tối màu, tránh dùng các mỹ phẩm có mùi thơm quyến rũ côn trùng. Những người có nguy cơ cao bị sốc phản vệ nên mang trong mình một bơm tiêm adrenalin định liều chuẩn (Ana–kit, Epi-pen) để có thể tự tiêm ngay khi bị côn trùng đốt. 

- 28-05-2018 -