Đeo điện thoại di động cạnh hông có thể làm xương yếu đi

Một nghiên cứu mới cho thấy đeo điện thoại di động cạnh hông có thể làm yếu vùng xương chậu.

Bằng cách sử dụng kỹ thuật chụp X-quang trong chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân loãng xương, các nhà nghiên cứu của Đại học Suleyman Demireli, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đo mật độ vùng xương chậu của 150 đàn ông thường xuyên đeo điện thoại di động cạnh thắt lưng. Những người đàn ông này đeo điện thoại di động trung bình 15 tiếng một ngày và đã dùng di động trong thời gian trung bình là sáu năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy mật độ khoáng chất trong xương ở bên xương chậu đeo điện thoại di động ít hơn một chút so với bên không tiếp xúc với điện thoại. Phát hiện này không đáng kể về mặt con số và chưa đến mức làm giảm mật độ xương như ở bệnh loãng xương. Nhưng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Tolga Atay và đồng nghiệp cho biết phát hiện này cho thấy trường điện từ phát ra từ điện thoại di động có tác động không tốt lên mật độ xương. Những người đàn ông trong nghiên cứu còn tương đối trẻ, độ tuổi trung bình của họ là 32. Và các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng mất xương xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và có nguy cơ gây ra loãng xương cao hơn.
Đeo điện thoại di động cạnh hông có thể làm xương yếu đi
 
Nghiên cứu trên được công bố tại tạp chí Craniofacial Surgery. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy tiếp xúc lâu dài ở khoảng cách gần với điện thoại di động có thể làm xương yếu đi. Tiến sĩ Frank Barnes, giáo sư ngành kỹ thuật điện và máy tính ở Đại học Colorado, Mỹ cho biết ông không biết nhiều nghiên cứu về tác động của điện thoại di động đối với mật độ xương. Tiến sĩ Barnes đã chủ trì Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đề xuất để đánh giá các nghiên cứu về an toàn trong sử dụng điện thoại di động. Ông chỉ ra rằng sóng điện từ đã được thí nghiệm để thúc đẩy tăng trưởng xương ở người bị gẫy xương khó lành.  Trong nghiên cứu về bệnh nhân loãng xương, sóng điện từ cũng được sử dụng để làm xương chắc hơn. Nhưng tiến sĩ Atay và đồng nghiệp chỉ ra rằng những nghiên cứu này chỉ áp dụng tần số sóng điện từ rất thấp từ 15 đến 72 Hz trong khi điện thoại di động thường có tần số từ 900 đến 1800 MHz. Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia do tiến sĩ Barnes chủ trì đã công bố báo cáo vào tháng một năm 2008 và kết luận rằng cần thêm nghiên cứu để xác định mối tương quan giữa sử dụng điện thoại di động và các vấn đề sức khỏe về lâu dài. “Rõ ràng là sử dụng điện thoại di động không tạo ra nguy cơ ngay lập tức. Nhưng có thể mất nhiều năm để có được câu trả lời về nguy cơ trong dài hạn của điện thoại di động,” ông nói. Tiến sĩ Barnes cho biết có rất ít nghiên cứu về việc sóng tần số vô tuyến phát ra từ điện thoại di động gây hại cho một nhóm cụ thể như trẻ em, thanh niên, phụ nữ mang thai và thai nhi. Hơn 500 nghiên cứu đã được công bố về tác động của điện thoại di động lên sức khỏe và phần lớn các nghiên cứu liên quan đến nguy cơ ung thư do điện thoại di động. Những các nghiên cứu này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Thông tin thêm trong bài viết: Thời điểm thích hợp để trẻ dùng điện thoại di động

- 28-05-2018 -