Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng

Chán ăn hoặc ăn không ngon miệng là vấn đề thường gặp ở những người ung thư. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến họ bị suy dinh dưỡng.

Che-do-an-cho-nguoi-mac-benh-t-8413-9885

Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư. (Ảnh minh họa)

Dinh dưỡng góp phần quan trọng trong điều trị

Theo Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh nên đã dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Đồng thời, nó cũng làm tăng giá trị tỷ lệ biến chứng, nhiễm khuẩn và dẫn đến tình trạng tử vong của bệnh nhân ung thư.

Những dưỡng chất cần có trong bữa ăn

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư gặp phải nhiều bất lợi. Chán ăn hoặc ăn không ngon miệng là vấn đề thường gặp ở những người ung thư. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến họ bị suy dinh dưỡng. Biếng ăn và suy kiệt thường xuất hiện cùng nhau. Suy kiệt là hội chứng suy mòn gây ra mệt mỏi và mất trọng lượng, giảm mỡ và cơ bắp.

Ăn uống đủ dinh dưỡng sẽ đem lại cho người bệnh sức khoẻ để chống chọi với căn bệnh và quá trình điều trị nặng nề. Vì vậy, nên bổ sung thức ăn giàu năng lượng, giàu đạm, uống nhiều nước, đặc biệt những thức uống có chứa dưỡng chất, sữa, nước ép (trái cây, rau, thịt), thức ăn nghiền... và nên đa dạng hoá thức ăn, tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn.

Đạm: thịt cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu. Để đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật.

Tinh bột: nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn...). Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn, gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản.

Chất béo (lipid): trong khẩu phần ăn hàng ngày cần phải có một hàm lượng lipid nhất định, trong đó hàm lượng acid béo không no không quá 50% tổng năng lượng.

Rau quả: Rau quả rất có lợi cho sức khoẻ do cung cấp các loại vitamin.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bổ sung những thực phẩm giàu năng lượng như chế phẩm sữa nguyên kem, bơ, bơ thực vật, salad, dầu ăn, nước giải khát, thuốc bổ, chocolate, kẹo, sản phẩm bổ sung carbohydrate như Polycose, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như Boost, Resource Plus, Ensure plus...

Mẹo ăn uống để tăng trọng lượng

- Nên ăn thường xuyên và ăn vặt thay vì chỉ có bữa chính. Hệ tiêu hóa sẽ làm việc dễ dàng hơn khi bạn có 6 bữa ăn nhỏ thay vì 3 bữa ăn "hậu hĩnh" mỗi ngày.

- Uống nhiều nước giữa các bữa ăn. Tăng cường nước uống cung cấp năng lượng như sữa, sữa đậu nành, nước trái cây, nước mạch nha.

- Trữ thực phẩm yêu thích trong tủ hoặc tủ lạnh để khi cần ăn là có ngay.

- Chuẩn bị sẵn đồ đóng hộp cho những lúc bạn không sẵn sàng nấu ăn. Đó có thể là súp đóng hộp, thức ăn đông lạnh, mì, bánh quy.

- Chuẩn bị sẵn các thức uống dinh dưỡng, nhỏ gọn và thuận tiện với bạn như sữa, sữa đậu nành, thực phẩm dạng lỏng, nước trái cây.

- Lên kế hoạch cho thức ăn hằng ngày để thực phẩm luôn sẵn sàng khi bạn cần.

- Lập một bảng theo dõi những thay đổi trọng lượng của cơ thể.

Theo Vnexpress và Sức khỏe và đời sống

- 28-05-2018 -