8 điều bạn nên biết về bệnh Addison

Cortisol – hormon tăng lên trong cơ thể khi bị stress – có ảnh hưởng bất lợi đến cơ thể. Bên cạnh đó, stress kinh niên có nhiểu tác hại đến sức khỏe của chúng ta. Trong khi quá nhiều cortisol gây ra nhiều triệu chứng bệnh lý, quá ít cortisol lại khiến cơ thể suy nhược.

Ở bệnh nhân Addison, tuyến thượng thận bị suy không thể sản sinh đủ lượng cortisol. Cortisol đóng vai trò trong việc điều hòa huyết áp, chức năng tim, tiêu hóa và nhiều chức năng khác. Vì vậy, nếu tuyến thượng thận bị rối loạn và mức cortisol sụt giảm, nhiều vấn đề có thể sẽ xảy ra.  Dưới đây là những gì bạn cần biết về tình trạng này, bắt đầu bằng triệu chứng bất ngờ nhất.

Răng bạn có vẻ trắng hơn

Hàm răng có thể trông trắng hơn do da của người bệnh trở nên sẫm màu hơn. Một số thay đổi về hormon do liên quan đến bệnh Addison có thể khiến da sẫm màu hơn giống như người bệnh vừa đi phơi nắng. Addison gần như là bệnh duy nhất gây ra triệu chứng này.

Các triệu chứng khác dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh

Bên cạnh da tối màu, các triệu chứng khác của Addison bao gồm: buồn nôn, đau bụng hoặc đau xương nhẹ đến nặng, sụt cân, thiếu năng lượng, hay quên và huyết áp thấp. Tất nhiên là, những triệu chứng này cũng xuất hiện ở những bệnh, rối loạn khác. Vì vậy, bệnh nhân thường gặp qua nhiều bác sĩ trước khi được chẩn đoán đúng. Có một ngoại lệ: đối với phụ nữ trẻ bị bệnh Addison, rụng lông tóc là một triệu chứng cảnh báo.

8 điều bạn nên biết về bệnh Addison
Đây là bệnh hiếm

Các bác sĩ cũng thường bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm triệu chứng bệnh Addison vì chúng không hay xảy ra. Nhiều bác sĩ không nghĩ tới bệnh này khi khám bệnh nhân có các triệu chứng trên.

Bệnh này thường bị nhầm với suy thượng thận

Nhiều nguồn thông tin trực tuyến đề cập bệnh Addison và suy thượng thận như là hai tên khác nhau của cùng một tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên, chúng không phải là một. Trong khi các vấn đề về tuyến giáp hoặc các rối loạn liên quan đến mất cân bằng hormon khác có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến thượng thận, bệnh Addison là rối loạn tự miễn, trong đó cơ thể tấn công và phá hủy tuyến thượng thận.

Sự phá hủy có thể xảy ra nhanh chóng

Trong khi cần đến hàng tháng hoặc hàng năm để một số bệnh nhân Addison bị ngừng sản sinh hormon hoàn toàn ở tuyến thượng thận, số khác lại bị tổn hại các cơ quan trong cơ thể một cách nhanh chóng – chỉ trong vài ngày, mặc dù con số này không nhiều. Nhưng so với các vấn đề về thượng thận khác ít nghiêm trọng hơn, triệu chứng của bệnh Addison có xu hướng xảy ra đột ngột. Điều này có nghĩa, bệnh nhân có nhiều khả năng mắc các triệu chứng kể trên, và những triệu chứng này sẽ tiến triển nặng theo thời gian.

Bất kì ai cũng có nguy cơ bị bệnh

Bệnh Addison có thể tấn công mọi độ tuổi, giới tính và sắc tộc. Trong khi một số bằng chứng cho thấy gen có thể là một yếu tố ảnh hưởng (một người có nguy cơ cao hơn nếu có người trong gia đình bị bệnh này hoặc bị rối loạn nội tiết), thật sự không có cách nào để dự đoán ai sẽ mắc bệnh.

Sàng lọc bệnh Addison rất đơn giản

Nếu một bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị Addison, xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để kiểm tra nồng độ cortisol và hormon khác gọi là ACTH. Thông thường kết quả của sàng lọc đó rất rõ ràng. Nếu không, một số xét nghiệm theo dõi có thể giúp chẩn đoán xác định nếu bệnh nhân mắc bệnh này.

Cách điều trị hiệu quả

Các cách điều trị của bệnh này sẽ bao gồm uống thuốc cung cấp hormon. Trong những ca nặng, nếu cơ thể bệnh nhân không thể hấp thụ thuốc, có thể cần tiêm. Đây là một bệnh có thể chữa được, và các phương pháp điều trị thường cho thấy hiệu quả.

- 28-05-2018 -