6 thói quen cần tránh nếu bạn bị suy giáp

Một số thói quen có thể giúp bạn kiểm soát được bệnh suy giáp, nhưng một số thói quen khác lại có thể khiến các triệu chứng bệnh của bạn nặng hơn. Hãy cùng tìm hiểu những thói quen bạn nên tránh nếu bạn bị suy giáp.

Nếu bạn bị suy giáp, thì một số thói quen hàng ngày có thể sẽ quyết định xem liệu bạn có khả năng kiểm soát được bệnh hay không. Điều đầu tiên bạn cần làm là đến gặp bác sỹ chuyên khoa nội tiết. Một khi bạn đã được kê thuốc, sử dụng thuốc hàng ngày và tìm ra liều thuốc phù hợp cho mình, các triệu chứng sẽ giảm dần.

Tuy nhiên, bạn cần chú ý rằng một số thói quen có thể sẽ làm bạn không thể kiểm soát được bệnh suy giáp. Để kiểm soát được bệnh suy giáp tốt hơn, cần tránh những thói quen sau:

Quên uống thuốc

Khi bạn bị suy giáp, cơ thể bạn sẽ không thể tự tạo ra hormone được nữa, do vậy, cách điều trị cơ bản nhất là sử dụng thuốc là hormone thay thế và bạn sẽ phải dùng hàng ngày. Bạn nên uống thuốc ngay sau khi bạn thức dậy vào mỗi buổi sáng. Uống thuốc vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy có 2 lợi ích. Lợi ích thứ nhất, bạn sẽ hình thành được thói quen uống thuốc hàng ngày mà không sợ bị quên uống thuốc. Lợi ích thứ hai, khi bạn uống thuốc ngay sau lúc vừa thức dậy, khi dạ dày còn rỗng và chưa ăn gì, thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn. Theo Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ, uống thuốc trước khi đi ngủ cũng tốt, nhưng bạn cần phải duy trì việc uống thuốc đúng giờ vào mỗi tối. Điều quan trọng là bạn cần uống thuốc hàng ngày, liên tục và không quên uống bất cứ liều nào.

6 thói quen cần tránh nếu bạn bị suy giáp
Dùng thuốc tuyến giáp của nhiều hãng khác nhau.

Trừ việc khác nhau về giá cả ra, bạn có thể sẽ không suy nghĩ nhiều về các loại thuốc của các hãng khác nhau. Nhìn chung, các loại thuốc gốc cũng có tác dụng tương tự như thuốc biệt dược, theo FDA. Tuy nhiên, với thuốc suy giáp, thì có thể sẽ có sự khác biệt về khả năng hấp thu. Thuốc gốc và thuốc biệt dược điều trị suy giáp có thể có cùng lượng thoucó nhưng khả năng hấp thu lại khác nhau. Do vậy, tốt nhất, bạn chỉ nên sử dụng 1 loại thuốc, của 1 hãng mà thôi.

Đi du lịch mà không mang theo thuốc

Nếu bạn không mua và mang đủ thuốc trước khi đi du lịch, thì nguy cơ là, trong khi đi du lịch, bạn sẽ phải mua một loại thuốc khác để uống. Tệ hơn, bạn sẽ không tìm được thuốc điều trị suy giáp ở địa điểm du lịch và sẽ bỏ thuốc trong nhiều ngày. Tình trạng này sẽ khiến các triệu chứng bệnh của bạn tái phát, phụ thuộc vào lượng thuốc mà bạn bỏ là bao nhiêu. Do vậy, luôn mang thuốc đi theo trong khi đi du lịch và đảm bảo rằng, bạn mang đủ số thuốc trong suốt quá trình du lịch.

Dùng thuốc chung với thức ăn

Uống nước cùng lúc với uống thuốc thì được, nhưng ăn thứ gì đó cùng lúc với uống thuốc sẽ gây cản trở quá trình hấp thu thuốc của dạ dày. Bạn nên đợi ít nhất 1 tiếng sau khi uống thuốc suy giáp rồi hãy ăn bữa sáng. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ có một lời khuyên khác: bạn có thể dùng thuốc suy giáp với thức ăn. Nhưng một khi bạn đã làm thế, thì bất cứ lúc nào bạn uống thuốc, bạn đều cần phải uống thuốc cùng với thức ăn. Với cách này, bạn có thể sẽ phải dùng thuốc với liều cao hơn một chút để đảm bảo rằng cơ thể hấp thu đủ lượng hormone cần thiết.

Ăn/uống đậu nành cùng với thuốc điều trị suy giáp

Các sản phẩm làm từ đậu nành, ví dụ như sữa đậu nành, đậu phụ, tương có thể sẽ làm cản trở tác dụng của thuốc. Đậu nành có thể sẽ làm hormone tuyến giáp lưu lại dạ dày và không được hấp thu vào máu. Để đảm bảo rằng bạn hấp thu đủ lượng homrone tổng hợp, bạn nên đợi ít nhất là 4 tiếng sau khi uống thuốc mới nên sử dụng các sản phẩm làm từ đậu nành. Nếu uống thuốc vào buổi sáng, bạn nên để dành thức ăn hoặc đồ uống làm từ đậu nành cho bữa trưa. Ngoài đậu nành, Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ cũng khuyến nghị bạn nên đợi sau khi uống thuốc 4 tiếng mới uống thực phẩm chức năng chứa canxi, sắt hoặc thuốc kháng acid (vì loại thuốc này có chứa cả canxi hydroxide và nhôm hydroxide). Các loại thuốc khác cũng có thể làm cản trở sự hấp thu thuốc điều trị suy giáp, do vậy, bạn nên kiểm tra trước với bác sỹ nếu bạn đang dùng các thuốc không kê đơn.

6 thói quen cần tránh nếu bạn bị suy giáp
Không kiểm soát cân nặng

Trong một nghiên cứu xuất bản tháng 10 năm 2016 trên tạp chí  The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị suy giáp sẽ nặng hơn khoảng 4.5 kg so với cân nặng trung bình của những người không bị suy giáp, và những người bị suy giáp lại có xu hướng ít vận động hơn. Do vậy, những người đang điều trị suy giáp thường sẽ có xu hướng tăng nhiều cân hơn, mặc dù nguyên nhân của tình trạng này hiện vẫn chưa rõ.

Nếu bạn bị suy giáp, việc duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống, kiểm soát khẩu phần và luyện tập là vô cùng quan trọng. Sống năng động cũng có thể giúp làm giảm trầm cảm – một tình trạng bệnh thường đi kèm với bệnh suy giáp.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan