Xét nghiệm lẩy da nội bì

Xét nghiệm lẩy da thường được sử dụng để tìm nguyên nhân của một số dạng như: dị ứng trên da, dị ứng đường hô hấp, dị ứng thức ăn. Quy trình xét nghiệm lẩy da.

Xét nghiệm lẩy da thường được sử dụng để tìm nguyên nhân của một số dạng dị ứng.

Quy trình xét nghiệm lẩy da

Những mẫu dị nguyên nghi ngờ là nguyên nhân gây ra dị ứng (như là hạt phấn hoa, vảy da hoặc lông động vật, một số loại thực phẩm…) được hòa trộn với chất lỏng (nước cất) để tạo thành dung dịch đồng nhất. Sau đó, nhân viên xét nghiệm sẽ nhỏ một giọt của mỗi dung dịch đồng nhất này lên da, thường là trên cánh tay. Có thể đồng thời thử nghiệm tới 10 - 12 mẫu dị nguyên trong một lần xét nghiệm, nghĩa là cùng lúc có thể nhỏ 10 - 12 giọt chất lỏng riêng rẽ lên bề mặt da của bạn. Tiếp đến, nhân viên thực hiện xét nghiệm sẽ gẩy nhẹ lớp da dưới các giọt chất lỏng này bằng kim tiêm. Thao tác này đa phần không gây đau đớn do chỉ tác động lên lớp thượng bì mỏng trên bề mặt da, nhưng đủ để dẫn một lượng nhỏ dung dịch thử nghiệm vào trong da.

Xét nghiệm lẩy da

Xét nghiệm lẩy da. (Nguồn ảnh: telegraph.co.uk)

Sau đó, nhân viên xét nghiệm sẽ quan sát phản ứng của da với các giọt dung dịch thử nghiệm. Các dấu hiệu nếu có của hiện tượng dị ứng sẽ xuất hiện trong vòng 20 - 30 phút.

  • Phản ứng dương tính được kết luận khi lớp da dưới giọt dung dịch thử nghiệm có hiện tượng đỏ và ngứa, cùng với sự xuất hiện một vòng màu trắng, sưng lên, bao quanh vùng tấy đỏ trung tâm. Vòng này sẽ đạt kích cỡ lớn nhất sau khoảng 15 - 20 phút và biến mất dần sau vài giờ.
  • Kết luận âm tính, có nghĩa là bạn không bị dị ứng với nhân tố được kiểm tra, khi lớp da dưới giọt dung dịch thử nghiệm vẫn bình thường.

Lưu ý: Trong ngày thực hiện xét nghiệm lẩy da, bạn không nên dùng thuốc kháng histamin do những thuốc này có thể làm giảm các phản ứng dị ứng trong quá trình xét nghiệm.

Xét nghiệm lẩy da và kiểm tra dị ứng áp da có phải là cùng một loại xét nghiệm không?

Không. Kiểm tra dị ứng áp da có mục đích nhằm xác định nguyên nhân gây ra dị ứng da. Xét nghiệm được thực hiện bằng cách đặt trực tiếp các dị nguyên nghi ngờ lên bề mặt của da và theo dõi phản ứng của vùng da đó sau một thời gian tiếp xúc với dị nguyên. Trong khi đó, xét nghiệm lẩy da được thực hiện để xác định nguyên nhân gây ra nhiều dạng dị ứng của cơ thể, không chỉ là những dị ứng trên da, như dị ứng đường hô hấp, dị ứng thức ăn…). Nguyên lý của xét nghiệm lẩy da là đưa những tác nhân nghi ngờ là nguyên nhân gây dị ứng vào trong cơ thể để kiểm tra phản ứng của hệ thống miễn dịch với các tác nhân này.

Chú giải:

Dị nguyên : Dị nguyên là những chất có tính kháng nguyên, khi lọt vào cơ thể, sinh ra các kháng thể dị ứng như IgE, IgG, IgM ở những bệnh nhân có yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng trong môi trường sống và sản xuất. Có hàng vạn loại dị nguyên khác nhau. Chúng là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh dị ứng hệ hô hấp và các hệ cơ quan khác. (trích “Dị nguyên” – GS.TSKH. Nguyễn Năng An).

Tài liệu tham khảo: http://www.patient.co.uk/healt...

Biên dịch - Hiệu đính: Ths. Vũ Thị Hồng Dương - TS.BS. Đào Hoàng Thiên Kim
Y học cộng đồng

- 04-07-2018 -

Bài viết liên quan