Xạ hình thận bằng DMSA (DMSA Scan)

Xạ hình thận bằng DMSA dùng một chất phóng xạ để tạo ra hình ảnh chuyên biệt của hai thận, giúp bác sĩ khảo sát chức năng của nhu mô thận.

Xạ hình thận bằng DMSA là gì?

DMSA là từ viết tắt của dimercaptosuccinic acid. Xạ hình thận bằng DMSA dùng một chất phóng xạ để tạo ra những hình ảnh đặc biệt của hai thận. Những hình ảnh này có thể giúp bác sĩ đánh giá hai thận hoạt động có tốt không. Sau khi tiêm, DMSA lưu hành trong cơ thể và tập trung tại thận. Sau đó, hai thận được ghi hình bằng một camera đặc biệt có thể phát hiện được các chất phóng xạ.

Hình ảnh thu được từ xa hình thận. (Ảnh minh họa)

Thận là gì?

Hệ tiết niệu (hay đường tiết niệu) bao gồm các cấu trúc là thận, đài thận, bể thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Cơ thể người có hai quả thận, mỗi quả có hình hạt đậu nằm trong khoang bụng sau phúc mạc và đối xứng nhau qua cột sống. Thận lọc máu tạo ra nước tiểu. Nước tiểu từ hai bể thận sẽ chạy xuống bàng quang qua hai niệu quản. Từ bàng quang nước tiểu sẽ được thải ra ngoài qua niệu đạo.

Xạ hình thận bằng DMSA hoạt động như thế nào?

Xạ hình thận bằng DMSA sử dụng những dược chất đặc biệt được gọi là đồng vị phóng xạ. Đồng vị phóng xạ là một chất hóa học phát ra một loại phóng xạ được gọi là tia gamma. Một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể, thường bằng đường tiêm tĩnh mạch. Đồng vị phóng xạ này thường được gắn kết với một hoá chất khác và chính hoá chất này sẽ mang đồng vị phóng xạ đến cơ phần cơ thể mà bác sĩ muốn khảo sát.

Có nhiều loại đồng vị phóng xạ khác nhau. Mỗi loại có xu hướng tập hợp hay tập trung trong những mô cơ quan khác nhau. Vì vậy, việc dùng loại đồng vị phóng xạ nào tùy thuộc vào phần nào của cơ thể được ghi hình. Trong trường hợp này, DMSA được sử dụng bởi vì nó tập trung ở thận. Những tế bào “hoạt động” mạnh tại thận sẽ hấp thu nhiều DMSA hơn. Vì vậy, những phần mô thận hoạt động mạnh sẽ phát ra nhiều tia gamma hơn so với những phần ít hoạt động hay không hoạt động.

Tia gamma giống với tia X và được ghi nhận bởi một thiết bị gọi là gamma camera. Các tia gamma phát ra từ bên trong cơ thể ghi nhận lại bằng gamma camera, được biến đổi thành tín hiệu điện và được chuyển vào một máy tính. Máy tính này sẽ tạo ra hình ảnh có máu sắc hay độ xám khác nhau tương ứng với những tín hiệu thu nhận có cường độ khác nhau. Ví dụ, những vùng mô cơ quan đích phát ra nhiều tia gamma có thể đươc biểu diễn bằng những điểm màu đỏ (“vùng nóng”) trên hình ảnh được tạo ra bằng máy tính.

Những vùng mô cơ quan đích phát tia gamma thấp có thể đươc biểu diễn bằng màu xanh dương (“vùng lạnh”). Nhiều màu sắc khác có thể được dùng trong “khoảng giữa” tùy theo mức độ tia gamma phát ra.

Xạ hình thận bằng DMSA dùng để làm gì?

sẹo thận

Sẹo thận. (Ảnh minh họa)

Xạ hình thận bằng DMSA được dùng để kiểm tra cấu trúc, kích thước và hình dáng của thận, và rất thường được chỉ định ở trẻ đã từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Xạ hình cho thấy vùng nào của thận còn hoạt động tốt và vùng nào bị sẹo. Sẹo thận có thể gây ra do nước tiểu từ bàng quang chảy ngược về thận, còn được gọi là trào ngược bàng quang niệu quản. Xạ hình thận bằng DMSA cũng có thể cho thấy tổn thương sau chấn thương hoặc do giảm tưới máu thận.

Xạ hình thận bằng DMSA có thể giúp bác sĩ khảo sát được chức năng của nhu mô thận, bởi vì những vùng nhu mô thận bị tổn thương sẽ không hấp thu DMSA. Bác sĩ có thể so sánh chức năng của hai thận để thấy có thận nào hoạt động khác với thận còn lại không. Sử dụng xạ hình thận bằng DMSA thường xuyên, bác sĩ có thể theo dõi bất cứ thay đổi nào do viêm thận.

Những khảo sát khác như siêu âm có thể cho thấy kích thước và hình dạng của thận nhưng không thể đánh giá được thận hoạt động như thế nào. Đó là lý do tại sao xạ hình thận được khuyến cáo đi kèm với các khảo sát về thận khác.

Thực hiện xạ hình thận bằng DMSA như thế nào?

Phần đầu tiên của xạ hình là tiêm tĩnh mạch, thường sử dụng tĩnh mạch ở mu bàn tay. Khi thực hiện xạ hình ở trẻ em, bé cần đến khoa xạ hình khoảng một giờ trước khi tiêm thuốc, để nhân viên y tế có thể bôi lên mu bàn tay trẻ một loại kem đặc biệt tên là EMLA. Kem EMLA làm tê vùng tiêm thuốc, giúp trẻ giảm khó chịu trong khi tiêm.

Bạn cũng có thể được chỉ định lấy mẫu nước tiểu khảo sát để đảm bảo bạn không bị nhiễm trùng đường niệu vào thời điểm làm xạ hình. Nếu bạn bị nhiễm trùng vào thời điểm làm xạ hình, hoặc bị nhiễm trùng gần đây, kỹ thuật này cần được dời lại, bởi vì nhiễm trùng có thể làm thay đổi kết quả xạ hình và làm cho kết quả không đáng tin cậy.

Sau khi tiêm, bạn thường sẽ chờ khoảng một giờ trước khi được ghi hình. Thời gian chờ này giúp cho chất DMSA lưu hành trong cơ thể và tập trung tại thận. Một vài bệnh viện sẽ đề nghị bạn uống nhiều nước hoặc đi vệ sinh nhiều lần trong thời gian chờ. Điều này có thể làm cho hình ảnh được rõ hơn.

Sau thời gian chờ, bạn sẽ được ghi hình thận bằng gamma camera. Quá trình ghi hình có thể kéo dài đến 30 phút. Bạn cần nằm yên trong suốt thời gian camera đang ghi hình. Khi mang trẻ đến làm xạ hình, bạn nên mang theo đồ chơi hay sách mà trẻ yêu thích để giữ trẻ nằm yên. Cần giải thích cho trẻ trước khi ghi hình bởi vì camera có thể rất to và để ghi một số hình ảnh, nó có thể áp rất sát vào bụng trẻ. Bố mẹ thường được cho phép ở cạnh trẻ trong suốt thời gian ghi hình.

Nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú, bạn cần cho bệnh viện của bạn biết trước khi đến khoa xạ hình ngay cả khi bạn chỉ dẫn con bạn đến làm xạ hình.

Cần chuẩn bị gì trước khi xạ hình thận bằng DMSA?

Bệnh viện của bạn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin riêng để giúp bạn chuẩn bị cho kỹ thuật này. Nếu bạn đang mang thai, hoặc nghĩ rằng bạn có thể đang mang thai, hoặc đang cho con bú, bạn phải cho bệnh viện của bạn biết trước khi làm xạ hình. Bạn có thể được đề nghị uống nhiều nước trước khi ghi hình.

Một vài bệnh viện sẽ khuyên bạn tránh một số thuốc nào đó trước khi thực hiện xét nghiệm. Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn lời khuyên về vấn đề này.

Tôi có thể bị gì sau khi làm xạ hình thận bằng DMSA?

Chất phóng xạ mà bạn đã nhận sẽ được thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Vì lý do đó, bạn nên uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên sau khi tiêm thuốc. Bạn cần uống đủ nước nhưng lượng nuớc cần uống tùy thuộc vào mỗi người, khỏang 3 - 4 ly nước đối với người lớn. Màu của nước tiểu sẽ không bị ảnh hưởng bởi xạ hình thận bằng DMSA. Tuy nhiên, bởi vì nó có chứa chất phóng xạ nên bạn xần rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh.

Trong trường hợp trẻ làm xạ hình thận bằng DMSA có mang tả, sẽ có một lượng nhỏ chất phóng xạ trong nước tiểu dính vào tả. Chất phóng xạ sẽ không gây ảnh hưởng đến da trẻ, nhưng người chăm sóc cần lau rửa mông trẻ như bình thường và rữa tay trẻ kỹ lưỡng. Tả vải cần được giặt kỹ lưỡng, và tả dùng một lần cần được cho vào túi nhựa, đóng kín trước khi vứt đi.

Nếu bạn tiếp xúc với trẻ em hoặc phụ nữ mang thai, bạn cần cho bác sĩ của bạn biết. Mặc dù mức độ phóng xạ dùng trong xạ hình rất nhỏ, họ cần phải được đề nghị những phòng ngừa đặc biệt. Bệnh viện của bạn sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn về vấn đề này.

Có những nguy cơ hay biến chứng nào liên quan đến xạ hình thận bằng DMSA?

Thuật ngữ “phóng xạ” có thể gây lo lắng. Nhưng các chất phóng xạ dùng trong xạ hình được xem là an toàn và chúng được thải ra ngoài nhanh chóng qua nước tiểu. Cơ thể bạn nhận một liều phóng xạ rất nhỏ. Trong nhiều trường hợp, mức độ phóng xạ không khác biệt nhiều so với một vài kỹ thuật có dùng tia X. Tuy nhiên:

  • Cũng như các loại tia xạ khác (như tia X), tia gamma có nguy cơ nhỏ tác động lên thai nhi. Vì vậy, báo với bác sĩ của bạn nếu đang đang mang thai hoặc có thể mang thai.
  • Trong trường hợp hiếm gặp, một vài người có phản ứng dị ứng với thuốc được tiêm vào.
  • Trên lý thuyết, có thể bị quá liều khi tiêm thuốc. Trường hợp này rất hiếm.

Tài liệu tham khảohttp://www.patient.co.uk/healt...

Biên dịch - Hiệu đính: Ths.BS. Nguyễn Đức Lộc - BS. Lâm Xuân Nhã
Y học cộng đồng

- 04-07-2018 -

Bài viết liên quan