Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch

Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch còn được gọi là chụp X quang bể thận bằng đường tĩnh mạch giúp khảo sát thận, niệu quản...

Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch (IVU) còn được gọi là chụp X-quang bể thận bằng đường tĩnh mạch (IVP) là kỹ thuật sử dụng X-quang (tia X) và thuốc cản quang tiêm qua đường tĩnh mạch để giúp khảo sát thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Những thông tin dưới đây chỉ là hướng dẫn chung. Việc chuẩn bị và thực hiện kỹ thuật có thể khác nhau giữa các bệnh viện. Hãy làm theo các hướng dẫn của bác sĩ tại bệnh viện nơi bạn sống.

Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch là gì?

Hệ tiết niệu (hay đường tiết niệu) bao gồm các cấu trúc là thận, đài thận, bể thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thận lọc máu tạo ra nước tiểu. Nước tiểu từ hai bể thận sẽ chạy xuống bàng quang qua hai niệu quản. Từ bàng quang nước tiểu sẽ được thải ra ngoài qua niệu đạo.

Các cấu trúc trên không được thấy rõ trên hình ảnh X-quang thông thường. Tuy nhiên, chúng sẽ được thấy rõ hơn khi chụp X-quang hệ tiết niệu bằng cách tiêm thuốc cản quang vào cơ thể. Trong phương pháp này, thuốc cản quang sau khi được tiêm vào tĩnh mạch sẽ đi đến thận, được lọc và thải ra ngoài qua nước tiểu. Thuốc cản quang không cho tia X đi qua và do đó cấu trúc của thận, niệu quản và bàng quang sẽ xuất hiện rõ ràng với màu trắng trên phim X-quang (xem hình). Những hình ảnh X-quang chụp vùng bụng và chậu sau khi tiêm thuốc cản quang gọi là hình ảnh X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch (IVU).

Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch được dùng để làm gì?

Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch có thể giúp đánh giá một loạt các vấn đề. Ví dụ:

  • Sỏi thận. Sỏi trong thận hoặc ở niệu quản thường hiển thị khá rõ ràng trên phim.
  • Nhiễm trùng đường tiểu. Nếu bạn bị nhiễm trùng bàng quang hoặc thận lặp đi lặp lại, việc chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch có thể giúp tìm ra chỗ tắc nghẽn hoặc một số bất thường khác của đường tiểu (nếu có).
  • Máu trong nước tiểu. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm, nhiễm trùng hoặc ung thư. Việc chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch có thể giúp chẩn đoán hoặc loại trừ những nguyên nhân trên.
  • Tắc nghẽn hay tổn thương đường tiết niệu. Việc chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch có thể cho thấy tắc nghẽn hay tổn thương ở đường tiết niệu.

(A): Hình X-quang bụng thông thường

(B): Hình chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch cho thấy các đài bể thận và niệu quản bên phải (mũi tên đỏ) bị dãn do ứ nước tiểu. Hình ảnh này còn cho thấy niệu quản ngay phía trên viên sỏi (mũi tên đen) bị co thắt (mũi tên vàng).

Tôi cần phải chuẩn bị gì trước khi chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch?

  • Kiểm tra chức năng thận. Thận của bạn phải lọc được thuốc cản quang. Vì vậy, phương pháp này không nên tiến hành nếu bạn bị suy thận. Trước khi chụp, bạn có thể cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận.
  • Báo cáo khả năng dị ứng. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng, đặc biệt là dị ứng với các sản phẩm có chứa iode.
  • Nhịn đói. Bạn có thể được yêu cầu nhịn đói vài giờ trước khi chụp. Điều này đảm bảo rằng đường ruột của bạn không có thức ăn và sẽ giúp hình ảnh X-quang rõ ràng hơn.
  • Dùng thuốc nhuận tràng (trong một số trường hợp). Bạn có thể được yêu cầu uống thuốc nhuận tràng (kích thích đi tiêu) trước khi chụp một ngày hoặc lâu hơn. Mục đích của việc này là để làm cho hình ảnh X-quang rõ ràng hơn.
  • Bạn có thể được yêu cầu ký vào giấy cam kết đồng ý chụp bằng phương pháp này để xác nhận rằng bạn đã hiểu các thủ tục kèm theo biến chứng có thể có.
  • Nếu bạn bị bệnh tiểu đường và đang dùng thuốc metformin, có thể bạn cần phải ngưng uống thuốc hai ngày trước khi chụp. Đó là vì metformin có thể kết hợp với chất cản quang và ảnh hưởng đến thận. Bác sĩ sẽ nói với bạn chi tiết hơn về điều này.

Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch được thực hiện như thế nào?

Bạn sẽ được yêu cầu mặc áo choàng và nằm trên một bàn dài. Sau đó thuốc cản quang sẽ được tiêm vào tĩnh mạch ở mu bàn tay hoặc cánh tay của bạn. Việc tiêm thuốc có thể gây đau một chút. Thuốc cản quang sau đó bắt đầu được lọc qua thận, chảy xuống các niệu quản rồi tập trung ở bàng quang.

Sau đó, một loạt hình ảnh X-quang sẽ được chụp ở vùng bụng của bạn, thường là sau mỗi 5 - 10 phút. Bạn sẽ được yêu cầu nằm lại trên bàn dài giữa mỗi lần chụp, nhưng bạn có thể phải đi tiểu trước khi chụp lần cuối cùng. Cả quy trình này thường mất khoảng 30 - 60 phút. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số hình ảnh có thể được chụp vài giờ sau khi tiêm thuốc.

Bạn sẽ có thể về nhà ngay sau khi hoàn tất việc chụp phim và ăn uống bình thường ngay sau đó.

Tác dụng phụ hoặc những rủi ro khi chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch?

  • Bạn có thể cảm thấy nóng trong người, tại nơi truyền thuốc cản quang hoặc cảm thấy vị kim loại trong miệng khi thuốc được tiêm vào cơ thể. Cảm giác này thường biến mất nhanh chóng.
  • Trong một số trường hợp hiếm, phản ứng dị ứng với thuốc cản quang có thể xảy ra. Các triệu chứng có thể nhẹ như phát ban ở da, ngứa ngáy hoặc sưng môi nhẹ. Các triệu chứng cũng có thể nghiêm trọng hơn (mặc dù rất hiếm) như khó thở và hạ huyết áp. Bạn có nguy cơ gặp dị ứng thuốc cao hơn nếu đang bị hen suyễn hoặc có các bệnh dị ứng khác. Dù các phản ứng dị ứng, sốc phản vệ nặng là rất hiếm, việc các bệnh viện và trung tâm chẩn đoán chuẩn bị các thiết bị hồi sức đầy đủ là luôn cần thiết.
  • Suy thận cấp cũng có thể xảy ra mặc dù hiếm gặp.

Một số đặc điểm khác về chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch?

  • Phụ nữ mang thai không nên chụp X-quang vì tia X có thể gây ra một số bất thường ở thai nhi. Đây là lý do tại sao phụ nữ phải luôn được hỏi về khả năng đang mang thai trước khi đề nghị chụp X-quang.
  • Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch không được thực hiện thường xuyên như trước đây. Điều này là do sự phát triển của các kỹ thuật hình ảnh khác như siêu âm, chụp CT và MRI.

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.patient.co.uk/healt...
  2. http://www.medecine-et-sante.c...
  3. http://www.bj.refer.org/cours/...

Biên dịch - Hiệu đính: BS. Lâm Xuân Nhã - BS.TS. Phạm Nguyên Quý
Y học cộng đồng

- 02-07-2018 -

Bài viết liên quan