Chụp cộng hưởng từ MRI não

Chụp cộng hưởng từ (MRI) não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn và không gây đau nhờ sử dụng từ trường và sóng radio.

Chụp cộng hưởng từ não là gì?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn và không gây đau nhờ sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và thân não. Chụp cộng hưởng từ khác với chụp CT (CAT scan, chụp cắt lớp điện toán) ở chỗ nó không sử dụng bức xạ.

Máy chụp cộng hưởng từ được đặt tại các bệnh viện và các trung tâm chẩn đoán hình ảnh.

Máy bao gồm một nam châm hình bánh rán lớn với một đường hầm ở trung tâm. Bệnh nhân được đặt trên bàn có thể trượt vào trong đường hầm. Một số trung tâm có các máy cộng hưởng từ mở (open MRI) có khoảng hở lớn hơn để giảm bớt lo lắng cho những bệnh nhân sợ khoang kín (claustrophobia).

Trong lúc chụp, sóng radio đập vào các vị trí từ của các nguyên tử trong cơ thể, các tín hiệu được thu nhận bởi một ăng-ten mạnh và gửi đến một máy tính. Máy tính thực hiện hàng triệu phép tính, cho kết quả rõ ràng hình ảnh đen và trắng các mặt cắt ngang của cơ thể. Những hình ảnh này có thể được chuyển đổi thành hình ảnh ba chiều (3-D) của vùng được khảo sát. Điều này giúp xác định các trục trặc và bất thường trong não và thân não khi khảo sát tập trung vào những vùng này.

Tại sao phải chụp cộng hưởng từ (MRI) não?

MRI có thể phát hiện một loạt các tình trạng bệnh lý của não như nang, khối u, xuất huyết, phù nề, các bất thường về cấu trúc hoặc trong quá trình phát triển, các bệnh nhiễm trùng, tình trạng viêm, hoặc các vấn đề về mạch máu. Nó có thể xác định thông động tĩnh mạch (shunt) và phát hiện tổn thương não do chấn thương hay đột quỵ.

MRI não có thể hữu ích trong việc đánh giá các vấn đề khác như đau đầu dai dẳng, chóng mặt, yếu hoặc liệt cơ, suy giảm thị lực (nhìn mờ) hoặc động kinh, và nó có thể giúp phát hiện các bệnh mãn tính của hệ thần kinh, chẳng hạn như bệnh xơ cứng rải rác hay đa xơ cứng (Multiple Sclerosis).

Trong một số trường hợp, chụp cộng hưởng từ có thể cung cấp hình ảnh rõ ràng của các thành phần nhu mô não mà không thể thấy rõ trên phim X-quang, CT scan hoặc siêu âm, điều này làm cho chụp cộng hưởng từ có giá trị đặc biệt trong việc chẩn đoán các bệnh lý ở tuyến yên và thân não.

Chuẩn bị gì khi chụp cộng hưởng từ não?

Trong nhiều trường hợp, chụp cộng hưởng từ não không đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đặc biệt nào. Tuy nhiên, nếu con của bạn chụp, các kỹ thuật viên sẽ yêu cầu cháu bỏ các vật dụng có chứa kim loại (như kính mắt và đồ trang sức) ra ngoài, vì chúng có thể tạo ra điểm sáng hoặc trắng trên phim.

Niềng răng và các chất hàn răng sẽ không ảnh hưởng đến quá trình chụp). Bạn cũng sẽ được hỏi các câu hỏi để chắc rằng cháu không có bất kỳ vật dụng bằng kim loại (ví dụ như nẹp, vít,…) nào bên trong cơ thể có từ những ca phẫu thuật trước đó, hoặc bất cứ thứ gì có thể gây ra vấn đề khi đặt gần một từ trường mạnh. Các thiết bị điện tử không được phép đem vào phòng chụp cộng hưởng từ.

Để có được chất lượng ảnh cộng hưởng từ cao nhất, con bạn sẽ cần phải nằm yên trong quá trình chụp. Vì lý do này, thuốc an thần có thể là cần thiết, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những đối tượng khó nằm yên suốt quá trình chụp. Nếu cần an thần, trẻ sẽ phải nhịn ăn uống trước khi chụp cộng hưởng từ để đảm bảo dạ dày rỗng. Việc thông báo cho các kỹ thuật viên chụp cộng hưởng từ về những bệnh tật, dị ứng, phản ứng phụ với thuốc trước đây, hoặc việc đang mang thai là rất quan trọng.

Thuốc an thần thường được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch để giúp trẻ ngủ trong suốt thời gian chụp. An thần cũng hữu ích cho những trẻ sợ khoang kín. Để giảm bớt sự lo lắng trước và trong khi chụp, một số bệnh nhân có thể uống thuốc an thần trước khi chụp.

Bạn có thể ở trong phòng chụp cộng hưởng từ với con của bạn cho đến khi bắt đầu chụp, và ở một số trung tâm, bạn có thể có thể ở lại trong suốt quá trình chụp. Nếu không, bạn sẽ ở trong một căn phòng bên ngoài cùng các kỹ thuật viên hoặc được yêu cầu ở lại trong phòng chờ. Nếu bạn đang ở gần đó, bạn sẽ có thể quan sát con bạn thông qua một cửa sổ lớn và nói chuyện với con của bạn thông qua hệ thống liên lạc trong thời gian nghỉ giữa các lần quét. Điều này có thể làm con bạn an tâm hơn khi cháu vẫn còn tỉnh táo trong khi ở trong máy cộng hưởng từ.

Quy trình chụp cộng hưởng từ não

MRI não thường được thực hiện trong khoảng 30-45 phút. Con của bạn sẽ được các kỹ thuật viên đặt nằm trên một bàn chụp di động. Một thiết bị bằng nhựa đặc biệt gọi là coil có thể được đặt xung quanh đầu trẻ. Bàn sẽ trượt vào đường ống và các kỹ thuật viên sẽ chụp hình phần đầu. Mỗi lần chụp mất độ một vài phút.

Để phát hiện một số bệnh cụ thể, con của bạn có thể được tiêm thuốc tương phản từ (contrast solution) qua đường tĩnh mạch. Thuốc này không gây đau đớn khi nó đi vào tĩnh mạch. Sự tương phản làm nổi bật một số khu vực của não bộ, chẳng hạn như các mạch máu, vì vậy bác sĩ có thể đánh giá một số vùng cụ thể chi tiết hơn. Thuốc tương phản từ sử dụng trong chụp cộng hưởng từ thường là an toàn và phản ứng dị ứng là rất hiếm. Trước khi tiêm thuốc tương phản từ, các kỹ thuật viên sẽ hỏi xem con bạn đã từng bị dị ứng với bất cứ loại thuốc hoặc thực phẩm nào hay không.

Khi tiến hành chụp, con của bạn sẽ nghe thấy những âm thanh lớn lặp đi lặp lại từ máy cộng hưởng từ. Những âm thanh này là bình thường. Con của bạn có thể được cho đeo tai nghe để nghe nhạc hoặc nút tai để chặn tiếng ồn, và sẽ có thể nhấn vào nút gọi khi thấy khó chịu trong quá trình chụp. Nếu cần dùng thuốc an thần, con của bạn sẽ được theo dõi tại mọi thời điểm và sẽ được kết nối với một máy tính để kiểm tra nhịp tim, nhịp thở và mức oxy trong cơ thể.

Sau khi chụp xong, các kỹ thuật viên sẽ giúp con bạn ra khỏi bàn chụp. Nếu con bạn đã được tiêm thuốc an thần, cháu sẽ được chuyển đến khu vực phục hồi.

Những điều sẽ xảy ra sau khi chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ không gây đau. Con bạn có thể phải nằm yên trên bàn chụp khoảng 30-45 phút trong suốt quá trình chụp, nhưng có những khoảng nghỉ ngắn giữa mỗi lần chụp. Nếu cháu thấy lạnh khi đang nằm trên bàn chụp, cháu có thể được đắp thêm chăn.
Trừ khi an thần được chỉ định hoặc khi có hướng dẫn khác, trẻ em có thể trở lại sinh hoạt và ăn uống bình thường sau khi chụp ngay lập tức.. Thuốc an thần thường hết tác dụng trong vòng 1-2 giờ, và thuốc tương phản từ thường được thải khỏi cơ thể trong khoảng 24 giờ.

Nhận kết quả sau khi chụp cộng hưởng từ não

Những hình ảnh MRI sẽ được đọc bởi một bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, là người đã được đào tạo đặc biệt trong việc đọc kết quả. Bác sĩ này sẽ gửi một bản báo cáo đến bác sĩ của bạn (người đã chỉ định chụp MRI). Bác sĩ của bạn sẽ thảo luận về các kết quả cũng như giải thích ý nghĩa của chúng cho bạn. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân hoặc gia đình không trực tiếp nhận kết quả ngay tại thời điểm chụp. Nếu MRI được chụp trong trường hợp cấp cứu, kết quả có thể được cung cấp nhanh hơn.

Những nguy cơ chụp cộng hưởng từ não

Chụp MRI là an toàn và tương đối dễ dàng. Không có nguy cơ cho sức khỏe nào liên quan đến từ trường hoặc sóng radio, vì sóng radio có năng lượng thấp và không sử dụng bức xạ. Chụp MRI có thể được lặp đi lặp lại mà không có tác dụng phụ.

Nếu con của bạn được yêu cầu dùng thuốc an thần, bạn có thể phải thảo luận và cân nhắc về những rủi ro và lợi ích của nó với bác sĩ của bạn. Phản ứng dị ứng với thuốc tương phản từ là rất hiếm, và phải có nhân viên y tế trực tiếp xử trí các tình huống như vậy. Nếu con bạn đã bị suy giảm chức năng thận, bạn phải thảo luận với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và kỹ thuật viên trước khi tiêm thuốc tương phản từ vì nó có thể dẫn đến một số biến chứng hiếm gặp.

Giúp con bạn trước khi chụp cộng hưởng từ não

Bạn có thể giúp con mình chuẩn bị chụp MRI bằng cách giải thích đây là kỹ thuật đơn giản trước khi chụp. Nhớ giải thích rằng cháu sẽ được chụp phần đầu và thiết bị có thể phát ra tiếng gõ, ù và tiếng ồn hơi khó chịu. Bạn cũng có thể nói rằng bạn sẽ ở gần bên con trong suốt thời gian chụp.

Nếu việc tiêm thuốc tương phản từ hoặc an thần là cần thiết, bạn hãy nói với trẻ rằng kim tiêm gây đau một tí thôi và các thuốc tiêm vào không gây đau đớn.

Nếu con của bạn tỉnh táo khi chụp, hãy giải thích rằng việc nằm im để chụp là rất quan trọng. Bác sĩ có thể đề nghị bạn và con của bạn đi một vòng quan sát phòng chụp MRI trước khi chụp để được yên tâm hơn.

Khi bạn có câu hỏi

Nếu bạn có thắc mắc về quy trình chụp MRI, hãy hỏi bác sĩ của bạn. Bạn cũng có thể hỏi các kỹ thuật viên trước khi chụp.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/family...

Biên dịch - Hiệu đính: BS. Lâm Xuân Nhã - BS.TS. Phạm Nguyên Quý
Y học cộng đồng

- 02-07-2018 -

Bài viết liên quan