Xe tập đi - Lựa chọn nguy hiểm cho trẻ em

Ngày nay, tại Việt Nam nhiều bậc cha mẹ vẫn sử dụng xe tròn để cho bé tập đi. Tuy nhiên, xe tròn đem lại rất nhiều nguy hiểm cho trẻ mà cha mẹ không thể lường trước được.

Những mối nguy hiểm khi cho bé sử dụng xe tròn

Trường hợp bé bị chấn thương do xe tròn

Ngày 06/09/2020 vừa qua, tại tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận một bé trai nhập viện điều trị vì phát hiện tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương - chẩm trái do ngã trong lúc ngồi trong xe tròn. Mặc dù, đã từng nhiều lần được bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, bác sĩ Mỹ Duyên và nhiều các bác sĩ khác trên Kênh khám từ xa Wellcare khuyến nghị dẹp bỏ xe tròn (cùng với phao cổ, kén nhộng và một số vật dụng trẻ em tiềm ẩn nguy cơ đột tử khác) - thông qua các hình ảnh và video được trích dẫn từ bệnh án điện tử của các bé, tuy nhiên phải đến khi được báo chí đưa tin chính thức về trường hợp chấn thương cụ thể này, thì các gia đình trẻ mới giật mình nhớ lại.

Xe tròn
Xe tròn rất nguy hiểm cho bé

Mối nguy hiểm do sử dụng xe tròn

Ở Việt Nam, xe tròn từ lâu là sản phẩm cực kỳ thông dụng. Thế nhưng, đây cũng chính là sản phẩm bị Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ kêu gọi cấm sản xuất và ngừng kinh doanh tại Mỹ, vì đã khiến hàng nghìn trẻ em phải nhập viện mỗi năm. Ước tính có 230,676 trẻ em dưới 15 tháng tuổi đã được điều trị chấn thương tại bệnh viện do xe tròn trong khoảng 1990 - 2014. Hầu hết trẻ em bị chấn thương vùng đầu và cổ (90.6%). Sau đây là lý do:

  • Trẻ có thể bị ngã lăn xuống cầu thang — gây gãy xương và chấn thương nghiêm trọng ở đầu
  • Trẻ có thể bị bỏng — đứa trẻ có thể với cao hơn khi ngồi trong xe tròn và dễ dàng kéo khăn trải bàn làm đổ thức ăn (thức uống) nóng lên người, chạm vào nồi đang đun nấu hoặc các thiết bị bếp ga, bếp điện.
  • Trẻ có thể bị chết đuối — trượt xe ngã xuống hồ bơi hoặc bồn tắm khi đang ở trong xe tròn.
  • Trẻ có thể bị nhiễm độc — vì có thể tiếp cận vật trên cao dễ dàng hơn.

Hầu hết các chấn thương do xe tròn xảy ra cả khi có người lớn đang trông chừng bọn trẻ, nhưng chỉ đơn giản là không kịp phản ứng. Một đứa trẻ trong xe tròn có thể di chuyển với tốc độ 1m/1 giây! Đó là lý do tại sao xe tròn không bao giờ là an toàn ngay cả khi có người lớn ở cạnh bên.

Cha mẹ nên làm gì?

Dẹp bỏ xe tròn! Ngoài ra, cha mẹ cũng phải chắc chắn rằng trẻ không được cho vào xe tròn khi ở những nơi nào khác bên ngoài, chẳng hạn như nhà trẻ hoặc nhà người quen.

Nếu muốn, cha mẹ nên cho trẻ dùng các món đồ khác cũng thú vị nhưng an toàn hơn, như:

  • Ghế nhún, có thể xoay và nhảy nhưng không có bánh xe.
  • Cũi hoặc sàn chơi để bé tự do tập ngồi, bò và đi
  • Ghế cao có giây an toàn

Mong muốn được giải đáp những câu hỏi khác về tăng trưởng và vận động của trẻ từ các chuyên gia nhi khoa hàng đầu của Việt Nam? Cha mẹ nên Gọi thoại và video qua Kênh khám từ xa Wellcare với các  bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trương Hữu Khanh, Trần Thị Mỹ Duyên, Phạm Thị Xuân Linh, Nguyễn Công Viên, Trần Văn Công… cùng 16 bác sĩ nhi khoa khác.

Xe tròn đã bị cấm ở Canada từ 2004!

Luật An toàn Sản phẩm tiêu dùng của Canada (CCPSA) đã cấm sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo hoặc bán xe tròn cho trẻ em. Canada cũng là quốc gia đầu tiên ban hành luật cấm xe tròn trên thế giới.

Biên tập bởi đội ngũ Wellcare

- 09-05-2022 -