Viêm dạ dày - ruột cấp

Viêm dạ dày - ruột cấp là bệnh lý viêm dạ dày và ruột do một số loại siêu vi gây ra. Bệnh có khả năng lây lan cao do tiếp xúc gần với người bệnh, hoặc qua thức ăn hay nguồn nước bị ô nhiễm. Người có nguy cơ cao nhất bị bệnh bao gồm trẻ <5 tuổi, người lớn tuổi (đặc biệt ở trong trường học, trung tâm chăm sóc người cao tuổi), trẻ em và người lớn suy giảm miễn dịch.

(Ảnh minh họa)

Triệu chứng của viêm dạ dạy - ruột cấp

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 1 ngày đến 3 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm: nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, đau bụng, sốt, ớn lạnh, biếng ăn. Triệu chứng thường kéo dài vài ngày, một số trường hợp có thể kéo dài tới 10 ngày. Đây thường là bệnh lành tính và có thể tự hồi phục được. Tuy nhiên, biến chứng thường gặp của viêm dạ dày ruột là mất nước, có thể trầm trọng ở em bé và trẻ nhỏ. Mất nước có thể dẫn tới phù não, hôn mê, shock giảm thể tích, suy thận, co giật… Do đó, cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày mà số lần đi cầu chưa thuyên giảm, trong phân có máu, bé có vẻ mệt, đừ, bé có dấu hiệu mất nước (thóp lõm, môi khô, mắt trũng, không có nước mắt khi bé khóc, ít đi tiểu,…)

Điều trị viêm dạ dày - ruột cấp

Điều trị chủ yếu là phòng tránh mất nước bằng cách cung cấp dịch bằng đường uống cho bé, nếu nặng cần nhập viện và bù dịch qua tiêm truyền. Oresol có ích trong việc bổ sung chất lỏng và điện giải cần thiết. Không nên uống thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ cản trở việc thải trừ virus. Kháng sinh không có tác dụng trong việc điều trị virus. 

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn cho bé bổ sung bất kỳ loại thuốc nào. Trong quá trình bệnh, hãy cố gắng bổ sung nước trong và giữa các bữa ăn. Nếu có cảm giác buồn nôn, hãy uống từng chút một. Nếu bé còn bú mẹ, hãy tiếp tục cho bú. Tránh nước trái cây vì không giúp bổ sung điện giải mà có thể làm tiêu chảy trầm trọng hơn, ăn từng ít một để dạ dày và ruột có thời gian hồi phục.

Phòng ngừa viêm dạ dày ruột cấp

Một số cách có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm virus cho chính bản thân và giảm lây lan cho người khác bao gồm: rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi sử dụng toilet và trước khi chuẩn bị thức ăn; không ăn thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín kỹ; rửa sạch rau và trái cây; không sử dụng chung muỗng đũa chén dĩa và khăn lau với người bị bệnh. Khi đi du lịch: tránh nguồn nước ô nhiễm; sử dụng nước đóng chai nếu được; tránh sử dụng rau sống, trái cây đã lột vỏ vì có nguy cơ bị chạm bởi bàn tay không sạch. Nên chủng ngừa Rotavirus cho bé khi bé được từ 6 tuần tuổi trở đi.

Nguồn tham khảo: 

1. Viral gastroenteritis (stomach flu) https://www.healthline.com/health/viral-gastroenteritis 

2. Viral gastroenteritis (stomach flu) https://www.mayoclinic.org/…/v…/symptoms-causes/syc-20378847

BS Lưu Hồng Vân

Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 30-11-2018 -

Bài viết liên quan