Vắc xin Sởi - Rubella và những điều cần biết

Là vắc xin phối hợp để phòng đồng thời hai bệnh Sởi và bệnh Rubella. Đây là vắc xin sống, giảm độc lực. Được đóng gói dạng bột đông khô, có màu vàng trắng kèm theo lọ dung

Vắc xin Sởi - Rubella là gì?

Là vắc xin phối hợp để phòng đồng thời hai bệnh Sởi và bệnh Rubella. Đây là vắc xin sống, giảm độc lực.
Được đóng gói dạng bột đông khô, có màu vàng trắng kèm theo lọ dung dịch pha hồi chỉnh, vắc xin Sởi – Rubella phải được pha hồi chỉnh trước khi sử dụng. Vắc xin đóng gói dưới dạng lọ thủy tinh 10 liều/lọ. Dung môi được đóng 5ml/lọ.
Chỉ sử dụng loại dung môi đi kèm với lọ vắc xin để pha hồi chỉnh vắc xin. Tuyệt đối không sử dụng dung môi của nhà sản xuất khác để pha với vắc xin Sởi – Rubella cũng như không dùng nước cất để pha hồi chỉnh. Sử dụng dung môi không đúng có thể làm mất hiệu lực vắc xin và gây ra những phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin. Không bao giờ được làm đông băng dung môi.
Loại vắc xin Sởi – Rubella sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng năm 2014 – 2015 là vắc xin Sởi – Rubella do hãng Serum Institute, Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của Tổ chức Y tế Thế giới, do Liên minh toàn cầu Vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ kinh phí và do Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mua và cung ứng cho Việt Nam. Vắc xin đã được sử dụng tại hàng chục nước trên thế giới.

vắc xin Sởi – Rubella
(Ảnh minh họa)

Tiêm vắc xin Sởi-Rubella có hiệu quả như thế nào?

Bệnh Sởi và Rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin Sởi – Rubella là cách duy nhất phòng bệnh chủ động và hiệu quả.
Vắc xin phối hợp Sởi - Rubella giúp bảo vệ đồng thời cho trẻ em khỏi mắc hai bệnh Sởi và Rubella, và phòng hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ em. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin là 95%.
Cũng như các vắc xin khác, tiêm vắc xin Sởi – Rubella không có hiệu quả phòng bệnh tuyệt đối 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc xin, loại vắc xin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
Tại nhiều nước, nhờ tiêm chủng vắc xin Rubella bệnh Rubella cũng như Hội chứng Rubella bẩm sinh đã giảm mạnh, ở nhiều nước châu Mỹ, châu Âu bệnh đã được loại trừ.

Phụ nữ tuổi sinh đẻ có cần tiêm vắc xin Rubella?

Phụ nữ có thai chưa được tiêm phòng bệnh Rubella trước thời gian mang thai, nếu nhiễm vi rút Rubella trong 3 tháng đầu của kỳ mang thai có thể truyền vi rút sang cho thai nhi gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Vì vậy phụ nữ cần được tiêm chủng vắc xin Rubella trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 1 tháng.

Tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho phụ nữ mang thai sẽ có ảnh hưởng gì?

Không nên dùng vắc xin Sởi – Rubella cho phụ nữ mang thai vì đây là vắc xin sống, giảm độc lực. Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc thận trọng tránh tiêm vắc xin Rubella cho phụ nữ có thai là để phòng ngừa nguy cơ gây dị tật thai nhi theo lý thuyết mặc dù nguy cơ này chưa được chứng minh. Tuy nhiên, trên thực tế không ghi nhận tiêm vắc xin Sởi – Rubella trong khi mang thai gây sảy thai. Không ghi nhận trường hợp hội chứng Rubella bẩm sinh đối với trên 1.000 trường hợp phụ nữ mang thai vô tình được tiêm vắc xin Rubella trong thời gian đầu thai kỳ. Do đó, nên tiêm vắc xin trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất từ 1 tháng trở lên.

Có thể tiêm vắc xin Sởi – Rubella đồng thời với các vắc xin khác không?

Vắc xin này an toàn và hiệu quả khi tiêm chủng đồng thời với vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván (DPT), Bạch hầu – Uốn ván (DT hoặc Td), Lao, Bại liệt (OPV hoặc IPV), Hib, viêm gan B, vitamin A. Tuy nhiên, không được tiêm đồng thời hai mũi vắc xin khác nhau vào cùng 1 vị trí.

(Nguồn: pasteurhcm.gov.vn)

- 28-05-2018 -