Trẻ uống trà sữa như thế nào để không bị tắc đường thở

Bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung Tâm Y Khoa MEDIC - Tp Hồ Chí Minh, vừa kể lại một câu chuyện đau lòng về một bé gái 11 tuổi bị tắc thở khi đang hút trà sữa. Mẹ của em là một bác sĩ chuyên khoa về hô hấp song cũng không thể cứu mạng sống con mình. 

Hình minh họa

“Sự việc xảy ra khi hai mẹ con vui vẻ cùng tự tay làm món trà sữa trân châu. Món ngon cả hai mẹ con cùng thích. Hạt trân châu bằng bột, dẻo dẻo, dai dai, dính dính. Nước trà sữa ngọt ngào, thơm ngon. Chiếc ống hút to bự đưa từng ngụm trà sữa cùng những hạt trân châu vào miệng. Nhai dai dai, dẻo dẻo. Có một hạt kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng của bé làm tắc đường thở! Bé chới với vì nghẹn thở. Bé không thể hít vào hay thở ra.

Mọi phương pháp giải thông đều vô hiệu. Nghiệm pháp Heimlich vô hiệu. Hạt bột dính chứ không trơn như hột me hay hòn bi. Người mẹ không thể làm gì trong cơn hoảng loạn đó. Khi đưa bé đến bệnh viện thì bé không còn cơ hội sống!”, BS Trung kể.

Ngoài trà sữa trân châu, nhiều thức ăn Việt Nam truyền thống cũng có dạng hột, làm bằng bột dẻo như đậu đỏ bánh lọt, chè trôi nước (xôi nước), rau câu, thạch dừa... Vấn đề là dùng ống hút để hút mạnh sẽ làm lọt thức ăn vào thanh quản. Bác sĩ Trung cũng đưa khuyến cáo, các cháu vẫn có thể ăn hạt trân châu nhưng múc bằng muỗng chứ đừng dùng ống hút lớn. Các cửa hàng trà sữa chân trâu nên chọn ống hút nhỏ hoặc không dùng ống hút.  

Vị BS cũng nhấn mạnh: Sự tắc nghẽn đường thở không chỉ do dị vật ngáng đường thở mà còn do phản xạ khép thanh môn, như trường hợp đuối nước, sặc nước, sặc cháo... “Trường hợp trà sữa, nước trà có thể bắn vào phế quản gây phản xạ khép thanh môn. Người mẹ dù là bác sĩ nhưng khi sự việc xảy ra với người thân sẽ bị mất bình tĩnh và quên cách xử lý tốt nhất. Do vậy, mọi người cần biết cách xử lý cấp cứu để giúp đỡ người khác”, BS Trung nói.

Một số lưu ý khi cho trẻ uống trà sữa trân châu

Theo TS.BS Lê Trần Quang Minh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) thường đường kính khí quản của những cháu bé từ 5 tuổi đến 10 tuổi chỉ khoảng 7mm đến 8mm. Với kích thước đường kính trên, khi hạt trân châu được hút mạnh vào sẽ bay thẳng qua thanh môn, chui tọt vào đường thở và mắc kẹt tại đây, gây nên tình trạng tắc đường thở dẫn đến tử vong.

Phân tích của bác sĩ Minh cho thấy thường trẻ uống trà sữa hay hút mạnh hạt trân châu vào lúc gần hết trà sữa hoặc hạt trân châu mắc kẹt vào ống hút như trường hợp của bé gái trên. Do đó để hút hạt trân châu trong trường hợp trên mà không chui tọt vào khí quản gây tắc đường thở, bác sĩ Minh cho biết thay vì hút ở giữa họng nên hút một bên má.

“Trong trường hợp này, các bé nên để ống hút một bên má và dùng lực hút một bên, khi đó hạt trân châu bắn vào một bên thành họng, không chui tọt vào khí quản gây tắc đường thở dẫn đến tử vong. Tuy nhiên cách tốt nhất là các bé nên lấy muỗng để múc hạt trân châu ra ăn, còn khi hạt trân châu mắc vào trong ống hút thì nên thổi ra ngoài”, bác sĩ Minh cho biết.

Cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật

Theo các chuyên gia, khi hóc dị vật, với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực như sau:

Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.

Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.

Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.

Với trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich, được thực hiện như sau:

Trường hợp trẻ còn tỉnh: Để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.

Trường hợp hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.

Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.

Wellcare tổng hợp

- 04-12-2018 -

Bài viết liên quan