Những vấn đề thường gặp khi cho bé bú mẹ

Thường vào những ngày đầu, bé bú nhiều lần và mỗi cữ bú kéo dài, đôi khi mất hơn cả 1 giờ, mục đích là để bé giúp mẹ kích sữa, cũng có khi bé cần bầu vú mẹ để có cảm giác... an tâm, ấm áp. Vào ngày thứ 3 - 4, khi sữa mẹ bắt đầu nhiều lên, thời gian bú mỗi cữ sẽ giảm xuống.

Các kiểu bú của bé trong những ngày đầu

Thường vào những ngày đầu, bé bú nhiều lần và mỗi cữ bú kéo dài, đôi khi mất hơn cả 1 giờ, mục đích là để bé giúp mẹ kích sữa, cũng có khi bé cần bầu vú mẹ để có cảm giác ... an tâm, ấm áp.

Vào ngày thứ 3 - 4, khi sữa mẹ bắt đầu nhiều lên, thời gian bú mỗi cữ sẽ giảm xuống.

Một số bé bú thời gian ngắn hơn, cũng là bình thường, một số bé khác thì lại rất là buồn ngủ không có hào hứng gì trong chuyện bú cả.

Hầu hết bé mới sinh đều không phân biệt ngày và đêm, thích thức và bú vào ban đêm, trong khi ban ngày lại ngủ.

Nếu cuộc sanh của mẹ khó khăn và kéo dài, hay mẹ phải dùng nhiều loại thuốc trong quá trình sanh nở, hay việc cách ly mẹ và bé sau sinh cũng làm ảnh hưởng đến khả năng và hứng thú của bé khi bú mẹ.

Lúc đầu, nếu bé buồn ngủ và không hứng thú bú mẹ cố gắng đánh thức bé và kích thích bé bú (mẹ đưa đầu ti đụng vào vùng môi trên hay mũi bé để bé há miệng thật to, từ đó đưa ti mẹ vào, cho bé ngậm hết quầng vú). 

Ghi nhớ

  • Bé mới sinh cần bú ít nhất 8 - 12 lần trong 24 giờ.
  • Thời gian một cữ bú: 10 - 20 phút mỗi ngực và có thể dài hơn. ( 1 tiếng như đã nói ở trên)
  • Một số bé bú theo kiểu "tập trung", nghĩa là bé bú liên tục trong vòng vài giờ, sau đó thì ngủ 1 giấc dài vài giờ. Tổng số lần bú trong 24 giờ quan trọng hơn là khoảng cách giữa các lần bú.
  • Một bé ưa ngủ cần phải được đánh thức mỗi 2 - 3 giờ dậy để bú, đặc biệt nếu bé bị vàng da. Nếu bé không thể thức dậy, ngủ li bì, mẹ nên báo với bác sĩ của bé.

Đây là clip hướng dẫn bé bú mẹ:

https://www.youtube.com/watch?v=bVsTl3wxd2g&list=UUpzGDaaXvGzkJLeZNo1m0Cg

Phân của em bé bú sữa mẹ

Sữa non sẽ cung cấp mọi nhu cầu trong những ngày đầu và còn giúp bé tránh được vàng da, giúp mẹ bị tình trạng căng sữa quá mức và cũng giúp mẹ kích sữa nhanh.

Trong 1 - 2 ngày đầu bú mẹ hoàn toàn, bé sẽ sản xuất ra từ 1 - 2 cái tã ướt, là bình thường. Bé sẽ đi phân su thường dính, đen và không mùi.

Vào ngày thứ 2 - 6 sau sinh, số tã ướt: 5 - 6 cái, nếu là tã vải thì 6 - 8 cái. Bé sẽ đi phân chuyển màu xanh ít nhất 3 lần/ngày.

Từ ngày thứ 6 trở đi, số tã ướt 5 - 6 cái, nếu là tã vải thì 6 - 8 cái. Bé sẽ ị phân lỏng vàng hoa cà hoa cải, ít nhất 3 - 5 lần/ngày.

Sau 6 tuần, số lần đi tiêu của bé sẽ thay đổi, có bé vẫn giữ thói quen cũ, nhưng có bé 10 ngày mới đi 1 lần, nhưng sẽ đi một lượng nhiều.

Trong 3 - 4 ngày đầu tiên, trọng lượng bé có thể giảm 5 - 7%, cũng là bình thường.

Một số lưu ý mà các mẹ hay hiểu sai

Không cần bổ sung nước hay sữa công thức, chỉ cần bú mẹ là đủ, sữa mẹ đã đủ nước cho bé. (Việc bé uống nước sẽ làm giảm đi lượng sữa bé nạp vào cơ thể).

Mẹ cũng đừng cho bé bú bình hay dùng ti giả nha (trong 6 tuần đầu), vì nó sẽ làm cho bé khó thích ứng với ti mẹ. Vì núm ti giả ngắn, rất khác ti mẹ, bé chỉ cần mút nhẹ là ra sữa, còn ti mẹ thì phải ngậm sâu bên trong, và nút mạnh thì sữa mới ra.

Lượng sữa bé bú trong những ngày đầu

Lượng sữa bé bú trong những ngày đầu. (Ảnh minh họa)

Ngày đầu tiên: tương đương quả sơ ri (5 - 7 ml = 1 - 1,4 thìa).

3 ngày: tương đương quả óc chó (22 - 27ml).

Mẹ dễ dàng nhận thấy rằng 1 - 2 ngày đầu tiên mỗi lần bé bú rất ít (5 - 7ml) sữa non, nên mẹ sẽ khó mà cảm nhận được rằng ngực mình có sữa (sữa non mẹ nào cũng có sẵn trong những tháng cuối thai kỳ, chỉ chờ bé ra và ti thôi). Nên mẹ đừng stress vì mình không có sữa, chẳng qua, do sữa ít quá (nhưng đủ nhu cầu của bé) nên mẹ không biết là mình có. Việc duy nhất trong lúc này là: cho con bú thường xuyên, chắc chắn với mẹ, sữa sẽ về nhiều vào những ngày sau.

Mẹ lo lắng dặm thêm sữa công thức

Khi thấy bé khóc, mẹ cho bé bú, bé chập chập mấy phát nhả ra và khóc. Mẹ nghĩ rằng ngực mình không có sữa, liền pha sữa công thức cho con bú, thấy con bú thiệt và sau đó là im re không khóc nữa, thậm chí còn ngủ một giấc dài 2 - 3 tiếng mới dậy bú, chứ không như các bé bú mẹ cứ một tiếng thức dậy một lần đòi bú. Từ đó, mẹ kết luận: mình không có sữa, vậy có đúng không?

Đây là điều mà hầu hết các mẹ đều gặp phải và hiểu sai. Sự thật là:

  • Những ngày đầu sữa mẹ không tuôn trào, nên bé sẽ bực mình. 
  • Ngực mẹ luôn có sữa.
  • Khi pha sữa công thức bé bú ngay sau đó im re vì no.

Vấn đề là ở đâu?

 Là do mẹ không kiên trì. Khi bé khóc, không có nghĩa chỉ là do bé đói. Bé mới rời buồng tử cung ấm áp của mẹ nên sẽ sợ hãi, lo lắng. Bé khóc có thể là vì vậy, cũng có thể do tã dơ, do bực bội trong người... 

Mẹ cần làm gì khi thấy bé khóc? 

Cho bé bú, không chịu bú nữa vẫn khóc thì dỗ bé, âu yếm bé, có thể cho da bé áp sát vào da mẹ (tức ôm bé trực tiếp mà không qua lớp vải quần áo), xoa dịu bé, hát cho bé nghe, tới khi bé nín. Nếu bé ngủ, cho bé ngủ, khi nào thức dậy khóc lại cho bú mẹ.

Việc mẹ đút sữa công thức vô ngay, bé bú liền là chuyện đương nhiên, núm của bình sữa giúp sữa xuống rất dễ, bé rất dễ nút. Nhưng mẹ không nên "chiều hư" bé. Vấn đề bé chưa thích ứng với núm ti của mẹ nên hơi khó chịu. Mẹ chỉ cần kiên nhẫn, làm như trên, vì chỉ sau khoảng 5 lần, bé sẽ quen với ti mẹ và bú ngon lành.

Khi bú sữa công thức bé ngủ lâu hơn cũng là đương nhiên. Các mẹ nên nắm rõ khái niệm: sữa công thức khó tiêu hơn, chứ không phải sữa công thức giúp bé no lâu hơn, sữa mẹ thì rất dễ tiêu, nhiều khi 1 tiếng đã tiêu hết rồi. Vì vậy, những bé bú sữa công thức thì vài tiếng bú 1 lần, trong khi bú mẹ thì hay bú lắt nhắt là vậy. Nhưng mẹ yên tâm, khi nhu cầu của bé bằng lượng cung của mẹ thì cữ bú của bé sẽ ổn định dần. 

Nếu mẹ chêm sữa công thức vào, thì mẹ sẽ mất đi cơ hội làm trống bầu ngực, vì vậy mà sữa mẹ sẽ chậm tăng lượng, thậm chí là không tăng lượng được, dẫn tới việc bé phải bú sữa công thức.

Dấu hiệu cảnh báo bé đói

Nên nhớ: đừng đợi đến khi bé khóc mẹ mới biết bé đói. Khóc là dấu hiệu trễ, bé dễ cáu giận và không hợp tác với mẹ.

Dấu hiệu cảnh báo bé đói bao gồm:

  • Miệng bé mở ra và quay đầu lần lượt về 2 bên
  •  Miệng bé tạo cử động mút
  • Bé bắt đầu nhai hay mút lấy bàn tay/ngón tay.

Xem thêm:

>>> Cách tập cho bé bú bình

>>> Dấu hiệu nhận biết bé đã bú đủ

BS Lê Ngọc Anh Thy
Chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC

- 28-05-2018 -