Mẹ nghén liệu có ảnh hưởng đến thai nhi?

Thai nghén là một triệu chứng hoàn toàn bình thường khi mang thai, dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do thực sự cho hiện tượng này. Tuy nhiên cũng có một số khả năng như sau: Do thói quen ăn uống thất thường

Ốm nghén là một trong những triệu chứng điển hình xuất hiện ở thời gian đầu mang thai. Cứ 100 phụ nữ mang thai thì có đến 80 người bị ốm nghén. Nếu mẹ đang thắc mắc rằng “Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không? Và làm cách nào để giảm bớt những triệu chứng ốm nghén?” thì hãy tham khảo bài viết sau nhé!

(Ảnh minh họa)

Tại sao ốm nghén khi mang thai lại xuất hiện?

Thai nghén là một triệu chứng hoàn toàn bình thường khi mang thai, dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do thực sự cho hiện tượng này. Tuy nhiên cũng có một số khả năng như sau:

  • Do thói quen ăn uống thất thường và lượng đường trong máu thấp.
  • Hệ thần kinh của một số mẹ bầu khá nhạy cảm đối với các loại thực phẩm và mùi vị gây cảm giác buồn nôn.
  • Nồng độ các nội tiết tố tăng cao trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong đó có progesterone làm giãn các cơ của hệ tiêu hóa dẫn đến thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản tạo cảm giác buồn nôn. Chất này còn làm thức ăn trong dạ dày chậm tiêu hóa hơn bình thường, gây chứng khó tiêu.
  • Do yếu tố di truyền.

Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Tâm trạng lo sợ hiện tượng thai nghén sẽ gây bất lợi cho sự phát triển của thai nhi là điều hay gặp ở nhiều mẹ bầu. Với các biểu hiện buồn nôn hay kén ăn, các mẹ băn khoăn không biết các bé có được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển trong suốt thai kỳ hay không.

Tuy nhiên, các mẹ không cần phải quá lo lắng về vấn đề này trong trường hợp thai nghén bình thường. Khi mẹ bị ốm nghén nhẹ thì thai nhi vẫn có thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng cần thiết. Điều quan trọng là mẹ bầu cần có những cách làm giảm triệu chứng ốm nghén của mình để vấn đề dinh dưỡng cho thai nhi được cải thiện hơn.
Có một điều mà mẹ bầu cần lưu ý là một số mẹ bị ốm nghén nặng, nôn ói chiếm phần lớn thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, nôn nhiều và nôn khan thì tuyệt đối không nên lơ là vì nó có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Ốm nghén nặng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc thai nghén. Tỉ lệ mẹ bầu mắc ốm nghén nặng chiếm khoảng 10% tổng số người ốm nghén.

Ốm nghén nhiều có thể gây mê sảng, co giật, gây viêm tắc ruột, viêm đường tiết niệu  làm nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Còn thai nhi có thể nhẹ cân hoặc chết lưu.

Ốm nghén
(Ảnh minh họa)

Khi bị ốm nghén mẹ nên làm gì?

Đối với trường hợp ốm nghén khi mang thai thông thường:

  • Các mẹ nên nghỉ ngơi thư giãn, đi lại nhiều
  • Tránh ăn những loại thức ăn có mùi nồng, tanh, thức ăn tái sống, nên ăn thức ăn lạnh và có mùi thơm dịu…
  • Sử dụng một số mẹo dân gian để trị ốm nghén như dùng gừng, chanh, bạc hà…
  • Nên chia bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ, ăn nhẹ trước khi đi ngủ, uống một ly nước cam hoặc nước ép cà chua, đu đủ chín để giảm buồn nôn.
  • Mẹ nên uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước cục bộ.
Biện pháp giảm ốm nghén
(Ảnh minh họa)

Đối với trường hợp ốm nghén nặng:

  • Tình trạng ốm nghén nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Vì thế, khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghén nặng mẹ bầu nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn và chăm sóc kịp thời.
  • Trong một số trường hợp mẹ bầu bị nôn mửa quá nhiều không thể hấp thu các dưỡng chất khác thì các bác sĩ sẽ bổ sung vitamin B6 để giảm buồn nôn và làm tăng hiệu quả việc hấp thụ chất sắt, các vitamin khác.
  • Khi nôn ói nhiều mẹ bầu sẽ rơi vào tình trạng mất nước. Lúc này, các mẹ cần uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng khử nước. Nước cũng rất quan trọng với bà bầu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ khi tình trạng khử nước có thể kích thích dạ con co bóp, dẫn tới sẩy thai. Theo lời khuyên của các chuyên gia khoa sản, bà bầu nên uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

Điều quan trọng khi ốm nghén trong thai kỳ là mẹ bầu cần giữ cho mình một tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng. Các ông chồng cũng nên giúp đỡ vợ mình vượt qua thời gian khó khăn này bằng cách chia sẻ, chăm sóc vợ chu đáo. Điều này sẽ giúp tâm lý các mẹ thoải mái hơn.

Nguồn: conlatatca

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan