Khi nào chứng đau đầu ở trẻ em là dấu hiệu nguy hiểm

Đau đầu là chứng bệnh phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi. Riêng ở trẻ em, có 10-15% số trẻ đến khám tại phòng khám thần kinh, tâm thần, nhi khoa vì đau đầu. Đau đầu có thể là triệu chứng duy nhất, hoặc là triệu chứng của nhiều bệnh với nhiều kiểu đau đầu khác nhau.

Các nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em

Theo ước tính cho tới năm 7 tuổi, ít nhất 40% trẻ em đã từng trải qua cơn đau đầu. Đau đầu có thể là hậu quả của những căn bệnh thông thường như cảm lạnh, đau răng và các nhiễm trùng tại xoang, mắt, tai hoặc họng. Đôi khi, trẻ cũng cảm thấy đau đầu bởi quá căng thẳng, mệt mỏi hay mất nước nhẹ hoặc có thể là do vô tình đập đầu vào vật cứng.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, đau đầu có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm như u não hay viêm màng não, tuy nhiên cần lưu ý rằng cả hai căn bệnh này cũng gây ra một số triệu chứng khác ngoài đau đầu.

Khi nào chứng đau đầu ở trẻ em là dấu hiệu nguy hiểm

Có một số nguyên nhân chính gây đau đầu ở trẻ em:

  • Đau đầu do căng thẳng: Đây là nguyên nhân gây đau đầu phổ biến nhất được đặc trưng bởi một cơn đau âm ỉ (không phải đau nhói) ở một hoặc cả hai bên thái dương. Đôi khi, trẻ cảm thấy như có áp lực đè nặng lên phần đầu. Triệu chứng này thường là hậu quả của tình trạng stress, lo lắng hay trầm cảm, tuy nhiên cũng có thể là do hoạt động sai tư thế. Cơn đau đầu do căng thẳng thường xuất hiện đột ngột khi trẻ đang trong tình trạng căng thẳng ở nhà hoặc tại trường học và thường tự biến mất khi trẻ chơi đùa hay cảm thấy thư giãn hơn.
  • Cơn migrain: Cơn đau nửa đầu migrain thường có tính di truyền trong gia đình và xuất hiện lần đầu khi trẻ ở độ tuổi từ 5 -8, tuy nhiên nó có thể khởi phát ở bất cứ lứa tuổi nào (theo ước tính, khoảng 5% trẻ em 10 tuổi đã từng bị ít nhất một cơn migrain, tuy nhiên ở hầu hết các trẻ cơn đau đầu đều tự biến mất trước độ tuổi dậy thì.) Cơn migrain thường xảy ra ở một bên đầu và biểu hiện từng đợt đau nhói, cơn đau sẽ tăng nặng hơn khi trẻ hoạt động gắng sức. Khi trẻ bị đau nửa đầu migrain, trẻ cũng thường bị thay đổi về tâm trạng, da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, nhìn mờ, thèm ăn hoặc chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, sốt. Một số trẻ nói rằng chúng nhìn thấy những ánh hào quang (aura thị giác, thường được miêu tả là các đường lượn sóng, các ánh đèn nhấp nháy, điểm mù hay cảm giác như nhìn dưới đường hầm) trước khi cơn đau xuất hiện, một số trẻ bị tăng nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động.
  • Viêm màng não: Đau đầu là dấu hiệu chính đối với những trẻ bị viêm màng não – là một bệnh lý gây viêm lớp màng bao quanh não và dịch não tủy, gây tăng áp lực não và giảm lưu thông dịch não tủy.  Bệnh viêm màng não có thể gây ra các triệu chứng khác như sốt cao, nôn mửa liên tục, mất vị giác, lú lẫn, buồn ngủ, nhạy cảm với ánh sáng và đôi khi xuất hiện ban đỏ và cứng cổ. (Ở vị trí hơi ngả, trẻ sẽ không thể cúi đầu về phía ngực do tư thế đó sẽ gây đau đớn nhiều ở đầu hoặc cổ). Trong trường hợp này, hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
  • U não: Khả năng này khá hiếm gặp nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ với tỷ lệ 1/40,000 trẻ. Nếu trẻ xuất hiện những cơn đau đầu, nhất là khi mức độ đau nặng dần khiến trẻ không thể ngủ ngon hoặc cơn đau đầu diễn ra vào sáng sớm. Hãy đưa trẻ đi khám để làm rõ nguyên nhân gây đau đầu.

Khi nào cơn đau đầu là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm

Nếu trẻ chỉ thỉnh thoảng bị đau đầu và những thời điểm khác trẻ vẫn bình thường thì không bạn cũng không cần thiết phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên, với các dấu hiệu như trên, khi cơn đau đầu xuất hiện vào buổi sáng sớm và khiến trẻ không thể ngủ ngon, hoặc cơn đau tăng dần và diễn ra thường xuyên hơn thì đây có thể là dấu hiệu báo trước một căn bệnh nguy hiểm nào đó.

Hãy thông báo cho bác sỹ nếu bạn lưu ý thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng nêu trên, hoặc nếu trẻ bị thay đổi thị lực, yếu cơ hay co giật. Ngoài ra, cũng cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ bị đau đầu dữ dỗi hoặc cơn đau đầu cản trở trẻ không thể tham gia các hoạt động hàng ngày.

Chẩn đoán của bác sỹ

Bác sỹ thường sẽ đưa ra các câu hỏi về các triệu chứng của trẻ và cố gắng chẩn đoán nguyên nhân gây đau đầu. Ngoài ra trẻ có thể được xét nghiệm máu và kiểm tra các chỉ số cần thiết khác hoặc tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) não bộ.

Khi nào chứng đau đầu ở trẻ em là dấu hiệu nguy hiểm

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị đau đầu

Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc để giảm căng thẳng, mệt mỏi. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc các đồ uống không chứa caffein để tránh bị mất nước.

Nếu trẻ bị đau nửa đầu migrain, hãy giảm thiểu các tác động có thể gây khởi phát cơn đau đầu. Ngoài stress, các tác nhân có thể gây cơn đau migrain bao gồm một số thực phẩm và đồ uống (bao gồm các thực phẩm được bảo quản bằng nitrite như xúc xích và thịt nguội), ánh đèn quá sáng hoặc nhấp nháy, tiếng ồn, âm thanh trên phim ảnh, truyền hình, tập luyện quá nặng hoặc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Cha mẹ có thể chuẩn bị một cuốn nhật ký ghi lại các dấu hiệu của trẻ, thời gian của mỗi cơn đau đầu và các hiện tượng diễn ra. Đây là một tài liệu rất giá trị trong việc xác định nguyên nhân gây đau đầu.

Hãy làm tất cả những việc có thể để làm giảm tình trạng stress cho trẻ khi trẻ bị đau đầu do căng thẳng hay do cơn migrain. Hướng trẻ tuân theo một lịch trình ăn và ngủ đều đặn có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu cơn đau đầu khiến trẻ bị suy nhược cơ thể và không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy sắp xếp lịch hẹn với bác sỹ hoặc các chuyên gia trị liệu để giúp giải quyết tình trạng này.

Đối với cơn đau đầu do căng thẳng, bạn có thể hướng dẫn trẻ những kỹ thuật thư giãn như các bài tập thở sau. Ngoài ra, trẻ có thể nghe băng, đĩa CD (các loại nhạc nhẹ nhàng, âm thanh tiếng suối chảy v.v…) hoặc bạn có thể đọc truyện cho trẻ nghe.

Thử xoa bóp vai và phần sau cổ cho trẻ, chườm đá vào những vị trí đau.

Khi cơn đau đầu làm trẻ khó chịu, bạn có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay paracetamol (không được cho trẻ dưới 16 tuổi sử dụng aspirin do có thể gây hội chứng Reye nguy hiểm). Không cho trẻ uống quá nhiều thuốc giảm đau bởi khi thuốc hết tác dụng, trẻ sẽ cảm thấy cơn đau dữ dội hơn.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan