Hướng dẫn bổ sung vitamin D cho trẻ nhỏ

Vitamin D là một chất đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể, giúp cơ thể tăng hấp thu calci từ thức ăn vào máu. Từ đây, calci sẽ được bồi đắp vào xương, giúp xương phát triển vững chắc. Thông thường nhu cầu Vitamin D ở trẻ em dưới 1 tuổi là 400 đơn vị (IU) mỗi ngày và 600 IU mỗi ngày với trẻ từ một tuổi trở lên.

Vai trò của Vitamin D

Vitamin D là một chất đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể, giúp cơ thể tăng hấp thu calci từ thức ăn vào máu. Từ đây, calci sẽ được bồi đắp vào xương, giúp xương phát triển vững chắc. Thông thường nhu cầu Vitamin D ở trẻ em dưới 1 tuổi là 400 đơn vị (IU) mỗi ngày và 600 IU mỗi ngày với trẻ từ một tuổi trở lên. Sự thiếu hụt vitamin D lâu dài có thể dẫn đến tình trạng hạ calci máu, biến dạng xương, chứng còi xương và nhuyễn xương. Bên cạnh những đối tượng bị bệnh mãn tính như suy gan, suy thận, hen suyễn, suy dinh dưỡng… trẻ sinh non, trẻ đang bú sữa mẹ là cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu vitamin D. 

Trong hình ảnh có thể có: văn bản và món ăn

(Ảnh minh họa)

Nguồn cung cấp Vitamin D cho trẻ

Tắm nắng

Sự tổng hợp vitamin D ở da là nguồn cung cấp chính vitamin D cho cơ thể trẻ. Tuy nhiên, lượng vitamin D tổng hợp được phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: độ tuổi, diện tích da và thời gian phơi nắng, sắc tố da của mỗi trẻ….và các yếu tố địa lý như vĩ độ, mùa, thời điểm tắm nắng trong ngày và cả ô nhiễm môi trường. Vì vậy, hiện tại không có một khuyến cáo nào có thể xác định được chính xác tắm nắng như thế nào, trong khoảng thời gian bao lâu thì phù hợp cho trẻ nhỏ. 

Bên cạnh đó, việc cho trẻ phơi nắng cũng mang lại nhiều tác hại, đặc biệt là nguy cơ cao bị ung thư da, do lượng tế bào hắc tố giúp bảo vệ da dưới tác động của tia tử ngoại ở trẻ vẫn chưa thể đầy đủ như ở người lớn. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kì khuyến cáo trẻ em dưới 6 tháng tuổi không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời một cách cố tình. Vì vậy, lời khuyên cho các bậc phụ huynh là nên cho trẻ chạy chơi ngoài trời một cách tự nhiên để giúp phát triển các kĩ năng vận động, nhưng vẫn phải trang bị các công cụ chống nắng như kính mát, quần áo, kem chống nắng. 

Thực phẩm

Có rất nhiều nguồn thực phẩm có thể cung cấp vitamin D tự nhiên như dầu cá (cá hồi, cá mòi, cá thu…), thịt nội tạng, lòng đỏ trứng gà, nấm, pho mai… Tuy nhiên, những nguồn thực phẩm này không phù hợp với trẻ ở mọi lứa tuổi và không phải lúc nào cũng có thể bổ sung một cách thường xuyên.

Dược phẩm

Dược phẩm là nguồn bổ sung vitamin D chủ yếu ở trẻ bú sữa mẹ. Sữa mẹ tuy là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng không cung cấp đầy đủ nhu cầu vitamin D cho trẻ. Trung bình, một lít sữa mẹ chỉ chứa từ 15 đến 50 IU vitamin D. Do nồng độ thấp vitamin D trong sữa mẹ, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa kì khuyến cáo trẻ bú sữa mẹ toàn toàn hoặc một phần (uống kèm sữa công thức) cần được bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày, bắt đầu vài ngày sau sinh.

Đối với trẻ bú sữa công thức đủ 1 lít mỗi ngày thì không cần bổ sung vitamin D vì hầu hết sữa công thức đều chứa đủ 400 IU vitamin D/lít. Trường hợp bé bú không đủ 1 lít sữa công thức thì vẫn cần phải bổ sung 400 IU mỗi ngày. Sau một tuổi, nếu trẻ ăn uống da dạng thì không cần bổ sung thêm vitamin D nữa.

Trường hợp trẻ bị còi xương, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm xác định xem có thiếu vitamin D hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung vitamin D với liều lượng tùy thuộc độ tuổi và mức độ thiếu hụt.

Những lưu ý khi bổ sung Vitamin D cho trẻ

Trên thị trường có rất nhiều chế phẩm giúp bổ sung vitamin D như Aquadetrim (500 IU/giọt), Sterogyl (400 IU/giọt), Infadin (800 IU/giọt)… Với những chế phẩm vitamin D dạng giọt, các bậc phụ huynh cần sử dụng ống nhỏ giọt đúng cách và đúng liều lượng, chỉ dùng ống nhỏ giọt đi kèm với sản phẩm để tránh trường hợp quá liều. Trẻ bị xem là quá liều vitamin D khi được bổ sung trên 1.500 IU mỗi ngày trong thời gian dài. Hậu quả quá liều vitamin D là tăng calci máu, dẫn tới chán ăn, nôn, buồn nôn, vôi hóa sụn, mạch máu… Calci máu tăng quá cao cũng khiến trẻ bị sỏi thận, lắng đọng calci vào thận dẫn đến hư thận. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh cần ngưng thuốc ngay và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Khoa Dược
Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan