Giãn bể thận ở thai nhi

Giãn bể thận thai nhi là dấu hiệu bất thường hay gặp nhất khi siêu âm chuẩn đoán trước sinh. Tần suất giãn bể thận ở bé trai gấp ba lần bé gái. Ngày nay, sự phát triển của chẩn đoán tiền sản, trong đó vai trò siêu âm, đã giúp phát hiện thận ứ nước từ rất sớm, có thể từ tuần thứ 16 của thai kỳ.

Giãn bể thận thai nhi là dấu hiệu bất thường hay gặp nhất khi siêu âm chuẩn đoán trước sinh. Tần suất giãn bể thận ở bé trai gấp ba lần bé gái. Ngày nay, sự phát triển của chẩn đoán tiền sản, trong đó vai trò siêu âm, đã giúp phát hiện thận ứ nước từ rất sớm, có thể từ tuần thứ 16 của thai kỳ.

(Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây giãn bể thận ở thai nhi

Có nhiều nguyên nhân gây giãn thận từ thời kì bào thai:

Giãn thận sinh lý

Tình trạng giãn thận chỉ là thoáng qua tại thời điểm siêu âm. Đa số các trường hợp giãn thận phát hiện từ thời kì bào thai là thuộc trường hợp này. Tình trạng giãn sẽ không tăng thêm hoặc được cải thiện qua thời gian, có thể đến một vài năm sau khi trẻ sinh ra.

Giãn thận do tắc nghẽn niệu quản

Thông thường có 2 vị trí có thể tắc nghẽn trên đường tiết niệu:

  • Vị trí thường gặp nhất là ở vị trí nối giữa bể thận và niệu quản, tỉ lệ gặp là 1/1000 trẻ.
  • Vị trí niệu quản đổ vào bàng quang, tỉ lệ gặp khoảng 1/2500 trẻ.

Tắc nghẽn niệu đạo hay còn gọi là van niệu đạo sau. Tắc nghẽn niệu đạo lâu ngày sẽ làm bàng quang căng, không co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài được, dẫn dần ảnh hưởng đến niệu quản và bể thận.

Thận – niệu quản đôi

Bình thường mỗi người chỉ có 1 thận – 1 niệu quản ở 1 bên cơ thể, tuy nhiên, có khoảng 1% trong số tất cả mọi người có nhiều hơn 1 niệu quản xuất phát từ thận, trường hợp này gọi là thận – niệu quản đôi. Hầu hết đều không có triệu chứng gì và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên tắc nghẽn của niệu quản và thận phụ (thông thường ở phía trên thận chính) có thể gặp ở 1/5000 trẻ. Siêu âm chẩn đoán trước sinh có thể thấy hình ảnh giãn 1 phần thận. Niệu quản phụ này thường bị tắc ở vị trí đổ lạc chỗ vào bàng quang, gây nên hình ảnh giãn niệu quản ngoằn ngoèo và túi phình chèn vào trong lòng bàng quang.

Thận đa nang

Thận đa nang có nguyên nhân do sự tắc nghẽn hoàn toàn của niệu quản từ thời kì bào thai, thận đa nang không thể bài tiết nước tiểu và không phát triển bình thường. Thông thường chỉ gặp ở 1 bên thận, và thận bên kia thường phát triển mạnh để bù trừ nên chức nặng thận tổng thể vẫn hoàn toàn bình thường.

Trào ngược bàng quang – niệu quản

Gặp ở 5 – 25% số trường hợp phát hiện giãn thận trước sinh, trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng nước tiểu có thể đi từ bàng quang lên niệu quản do mất cơ chế chống trào ngược của vị trí đổ của niệu quản vào bàng quang. Sự trào ngược kéo dài có thể làm giãn niệu quản, bể thận và làm cho trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cần phải dùng kháng sinh dự phòng trong vòng 1 năm đầu đời.

(Ảnh minh họa)

Dấu hiệu của bào thai bị giãn bể thận khi siêu âm

Khi siêu âm bác sĩ nên kiểm tra các dấu hiệu là hậu quả của giãn thận như:

  1. Không thấy hình ảnh bàng quang hoặc bàng quang có hình ảnh bất thường.
  2. Có loạn sản nang ở thận hay không.
  3. Thiểu ối trong trong trường hợp chức năng thận kém hoặc mất chức năng.
  4. Đa ối (ít gặp) do thận giãn to chèn ép hệ tiêu hóa của thai nhi.

Thường nếu chỉ giãn nhẹ một bên thận, nước ối của thai nhi bình thường thì chức năng thận bình thường, lúc đó cần theo dõi khối lượng nước tiểu trong bàng quang để đánh giá và tiên lượng!

Khi giãn đài bể thận ở những mẹ trên 35 tuổi thì nên tầm soát kỹ các bất thường nhiễm sắc thể.

Điều trị giãn bể thận

Việc điều trị tình trạng giãn bể thận được phát hiện từ thời kì bào thai tập trung chủ yếu vào siêu âm theo dõi và đa số tự cải thiện mà không cần điều trị. Ngoài ra các yếu tố khác cũng cần được ghi nhận: xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, triệu chứng: sốt, đái đục, đau bụng,…

Sau khi sinh, trẻ cần được theo dõi ở các bệnh viện chuyên khoa ngoại nhi hoặc theo dõi tại nhà dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Nhi trên Hệ thống Khám chữa bệnh từ xa . Thời gian theo dõi tùy thuộc vào kết quả siêu âm và tình trạng bệnh nhân.

Nguồn tham khảo: ThS. BS. Trần Đức Tâm

Wellcare tổng hợp

- 20-04-2021 -

Bài viết liên quan