Đừng nhầm lẫn dị ứng đạm sữa bò với bất dung nạp lactose

Chuyện uống sữa của trẻ con lẽ chỉ là câu chuyện ví tiền của cha mẹ. Thế nhưng có rất nhiều những đứa trẻ ngoài kia, dù có tiền cũng không uống được sữa. Nghe thật lạ phải không? Đó là nội dung mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu hôm nay, về những trẻ gặp phải vấn đề về dị ứng đạm của sữa bò (DUDSB) và bất dung nạp lactose (BDN LACTOSE).

Dị ứng đạm sữa bò là gì? Tại sao con tôi bị Dị ứng đạm sữa?

Dị ứng đạm sữa bò (DUDSB - Cow milk protein allergy CMPA) xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng thái quá với đạm của sữa bò: đạm casein và đạm whey hoặc cả hai. DUDSB là một trong những loại dị ứng thường gặp nhất ở trẻ em: 2-5%.

Có hai (2) loại phản ứng dị ứng đạm sữa bò:

  1. Dị ứng tức thời (Immunoglobulin E - IgE - mediated) gây ra những phản ứng dị ứng ngay lập tức sau khi tiếp xúc.
  2. Dị ứng chậm (Non-IgE mediated) không có sự xuất hiện của kháng thể IgE, triệu chứng của dị ứng diễn ra chậm nên khó chẩn đoán hơn.

Các triệu chứng thường gặp của cả hai loại dị ứng đạm sữa:

  • Xì hơi
  • Đầy bụng
  • Đi phân nhầy
  • Ói
  • Chàm, mẩn ngứa, mề đay
  • Ho
  • Khò khè
  • Chảy nước mũi
  • Táo bón kéo dài
  • Nếu các triệu chứng rất rầm rộ, nó có thể gây ra sốc phản vệ hoặc khó thở, những trẻ này cần được hỗ trợ gấp tại các cơ sở y tế gần nhất.

Nếu các triệu chứng này diễn ra ngay sau khi tiếp xúc với các chế phẩm từ sữa, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể IgE, và các xét nghiệm máu để chẩn đoán dị ứng sẽ hữu ích trong trường hợp này. Với dị ứng chậm (cơ thể không sản sinh kháng thể IgE), hướng chẩn đoán sẽ là dựa vào các triệu chứng, để đề nghị bệnh nhân loại tất cả các thực phẩm có thành phần từ sữa ra khỏi khẩu phần ăn trong một thời gian để quan sát xem liệu triệu chứng có chấm dứt sau 2-3 tuần kể từ khi ngừng tiêu thụ hay không. Sau giai đoạn này, bệnh nhân sẽ tiếp xúc lại với thực phẩm có chứa sữa để quan sát liệu triệu chứng cũ có trở lại hay không. Nếu có, chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò xem như đã được xác nhận.

Không có phác đồ điều trị dành cho dị ứng đạm sữa bò. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể phòng tránh bằng cách cho trẻ bú mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng có thể giảm nguy cơ dị ứng đạm sữa bò. Vấn đề dị ứng đạm sữa bò có thể kiểm soát được, chỉ cần kiêng tất cả các thực phẩm có thành phần từ sữa bò. Và nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ chỉ cần tránh tiêu thụ bất kỳ thực phẩm nào có thành phần từ sữa (bao gồm cả kẹo, bánh sandwich, trà sữa, kem…) Nếu trẻ bú sữa công thức, trẻ có thể chuyển qua sữa thủy phân, là loại sữa mà đạm whey và đạm casein đã được thủy phân.

Với những trường hợp dị ứng nặng, bác sĩ có thể sẽ khuyên cho trẻ dùng sữa công thức amino-acid, là sữa công thức mà đạm sữa còn được thủy phân nhỏ hơn. Bác sĩ hiếm khi khuyên dùng sữa đậu nành, bởi vì trẻ dị ứng đạm sữa bò thường cũng sẽ dị ứng với cả đạm đậu nành.

Có rất nhiều thực phẩm khác ngoài sữa nên được loại khỏi thực đơn của trẻ dị ứng đạm sữa bò:

  • Tất cả các thực phẩm có sữa của động vật có vú, ngoài sữa bò còn bao gồm cả sữa dê, sữa cừu...
  • Phô mai, kem béo, bơ, sữa công thức
  • Cần đọc kỹ tất cả các nhãn mác, bao bì sản phẩm
  • Các loại thuốc, mỹ phẩm, bột giặt, kem đánh răng...

Bất dung nạp lactose là gì và nguyên nhân

Trẻ bị bất dung nạp lactose là cơ thể không hoặc ít sản sinh ra men (enzyme) lactase, do vậy không thể tiêu hóa đường lactose của sữa. Đường lactose sau đó sẽ bị phân hủy bởi vi khuẩn đường ruột gây ra các triệu chứng khó chịu.

Trẻ bẩm sinh bị bất dung nạp lactose thì hiếm, nhưng trẻ bắt đầu gặp phải vấn đề bất dung nạp lactose sau 3 tuổi thì phổ biến - khi đó khả năng sản sinh ra men lactase đã giảm bớt. Vấn đề này rất phổ biến ở trẻ châu Á và châu Phi. Thường gặp ở độ tuổi 3-5, và thậm chí còn phổ biến hơn ở tuổi thiếu niên và trưởng thành - khi men lactase càng lúc càng giảm. Thực tế là có đến 40% dân số thế giới cơ thể dừng sản sinh enzyme lactase trong độ tuổi 2 - 5.

Bất dung nạp lactose có loại nguyên phát và thứ phát.

  • Bất dung nạp lactose nguyên phát là khi tình trạng bất dung nạp lactose kéo dài.
  • Bất dung nạp lactose thứ phát là khi tình trạng bất dung nạp lactose xảy ra do một vấn đề nhiễm trùng tiêu hóa và sẽ biến mất sau một khoảng thời gian nhất định. Trẻ em sau giai đoạn này, sẽ có thể tiêu thụ lại các thực phẩm có chứa đường lactose. Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến nghị nên chờ tối thiểu 2 tuần trước khi cân nhắc chẩn đoán Bất dung nạp lactose. Trẻ sẽ có các triệu chứng bất dung nạp lactose trong khoảng 30 - 120 phút sau khi ăn thực phẩm.

Triệu chứng bao gồm:

  • Tiêu lỏng
  • Xì hơi
  • Đau bụng
  • Đầy hơi
  • Buồn ói và ói
  • Ói và tiêu chảy khiến trẻ thiếu hụt dinh dưỡng, có thể dẫn tới suy dinh dưỡng (malnutrition)

Bất dung nạp lactose có thể giải quyết đơn giản bằng việc tách trẻ khỏi nguồn thực phẩm có chứa đường lactose.

  • Các bà mẹ cho trẻ bú nên tránh ăn các sản phẩm từ sữa
  • Trẻ ăn sữa công thức nên ăn sữa không chứa đường lactose (free lactose)
  • Trẻ ăn dặm nên tránh các thực phẩm từ sữa, do vậy cha mẹ cần đọc kỹ nhãn mác, bao bì thực phẩm

Trên thực tế, một số trẻ bị bất dung nạp vẫn có thể ăn một ít phô mai hoặc yogurt nhưng cha mẹ vẫn cần quan sát phản ứng của trẻ.

Khác nhau giữa Dị ứng đạm sữa và Bất dung nạp lactose

Cả dị ứng đạm sữa (DUDSB) và bất dung nạp lactose (BDN lactose) đều là các vấn đề của đường tiêu hóa có liên quan đến việc hấp thu các thực phẩm từ sữa, và có một số các triệu chứng tương tự.

  • DUDSB là một phản ứng của cơ thể với đạm sữa, trong khi BDN lactose là không thể tiêu hóa đường lactose.
  • DUDSB là phản ứng của hệ miễn dịch, BDN lactose thì không phải
  • DUDSB là phản ứng của đường tiêu hóa, gây ra triệu chứng trên da và hệ tiêu hóa. BDN lactose thì chỉ là gây ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa mà thôi.
  • DUDSB luôn bắt đầu ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và sẽ cải thiện dần trong khoảng từ 6 tháng - 1 năm tuổi, và khỏi hẳn khi trẻ 3 tuổi. Trong khi BDN lactose chỉ bắt đầu sau 2 tuổi và gây ảnh hưởng cả ở tuổi thiếu niên và trưởng thành.
  • Với trẻ được nuôi bằng sữa công thức, nếu bị DUDSB nên dùng sữa thủy phân hoặc sữa công thức amino-acid, nhưng trẻ BDN Lactose thì ăn sữa không chứa đường lactose (lactose free).

Các lưu ý khi trẻ bị Dị ứng đạm sữa bò hoặc Bất dung nạp lactose

Ngoài những lưu ý về chế độ ăn, cha mẹ cần lưu ý:

  • Yêu cầu bác sĩ đánh giá lại tình hình mỗi 6-12 tháng nếu trẻ đã cải thiện hoàn toàn các triệu chứng dị ứng.
  • Đối với nguồn calcium của sữa, cha mẹ cần nói chuyện với bác sĩ để có được lời khuyên về việc bổ sung, nhưng hãy nhớ rằng có rất nhiều loại thực phẩm có chứa calcium bên cạnh sữa - như hạt chia, rau chân vịt, các loại rau lá xanh, các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt mè, bông cải xanh, trái cam….

Nguồn: rch.org.au, NHS.uk, ncbi.nlm.nih.gov

- 22-05-2023 -

Bài viết liên quan