Dạy trẻ thoát hiểm khi bị chó tấn công

Gần đây, nhiều vụ trẻ em bị cho tấn công liên tiếp xảy ra, gây nên những hậu quả khôn lường. Chuyên gia gợi ý một số cách thoát hiểm cũng như kỹ năng xử lý khi bị chó tấn công và cắn gây thương tích.

Dạy trẻ cách chơi đùa với vật nuôi và xử lý khi bị tấn công

Trẻ chơi đùa với chó (Ảnh minh họa)

Nếu nhà nuôi chó, không để trẻ một mình với chó, luôn phải có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ, đồng thời hướng dẫn trẻ cách chơi đùa với chó một cách an toàn: 

  • Trẻ em rất thích sờ lông chó, vì thế bố mẹ nên dạy cho trẻ biết nên vuốt chỗ nào, lúc nào là thích hợp, khu vực nào không được đụng tới.
  • Dạy trẻ không trêu chọc chó, không bao giờ kéo tai hay đuôi nó. Hành động này sẽ khiến cho có cảm giác đang gặp nguy hiểm và phản ứng lại bằng cách cắn, dù đó là người nhà hay người lạ. Lưu ý là trẻ nhỏ rất thích trò này. Không lấy đồ chơi, thức ăn của chúng. Không bao giờ giả vờ đánh hay đá chúng. 
  • Chó không phải đồ chơi, tuyệt đối không trèo hay cưỡi chúng. Điều này sẽ khiến có cảm giác sợ hãi và tấn công người để tự vệ.
  • Đừng làm phiền chó khi nó đang ở trong ổ. Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, hãy để ổ của chó ở nơi trẻ không thể lui tới.

Dặn trẻ không được tự ý tiếp cận, vuốt ve chó ngoài đường, phải hỏi chủ nhân trước khi vuốt ve, cho ăn. Đây là điều cực kì quan trọng bởi việc vuốt ve đột ngột có thể khiến chú chó giật mình và có những hành động tự vệ. Hãy tìm cách tránh con chó đang gầm gừ, nhe răng hoặc bộ lông dựng đứng. 

Theo lời khuyên của chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ, nếu thấy con chó chuẩn bị tấn công, cần làm những việc sau:

  • Hướng dẫn trẻ không bao giờ nhìn chằm chằm vào đôi mắt của chó, vì chó có thể hiểu rằng trẻ đang đối đầu với nó. Hãy đứng yên và thả lỏng tay khi một con chó đi tới và khụt khịt, ngửi chân trẻ. Nếu chó đi theo sau, hãy bình tĩnh và đứng yên, giữ tay ở vị trí thấp, siết chặt tay ngay phía trước. Đây là vị trí phòng thủ quan trọng, chó sẽ cho rằng bạn không có ý định làm hại nó. Tuyệt đối không vung tay bởi hành động này sẽ kích thích chó dễ tấn công vào ngực và cổ. 
  • Không la hét, bỏ chạy, đánh hay hành động bất ngờ với chó, điều này chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những hành động này chỉ mang đến cảm giác bị đe dọa cho chó và sẽ khiến chúng hung hăng hơn. Giải thích cho trẻ rằng nếu trẻ chạy, con chó sẽ đuổi theo và cắn vì bản năng của nó là săn mồi.
  • Đánh lạc hướng con chó bằng các vật dụng mang theo để chúng nhai như: Chai nước, đồ chơi, khăn áo… Không vung tay hoặc đá chân để xua đuổi chó vì chó thường phản ứng nhanh với các chuyển động. Người bị chó tấn công, có thể chống trả bằng cách đá vào các điểm yếu của chó như cổ họng, mũi hoặc gáy. Ngoài ra, có thể sử dụng hóa chất dạng xịt như nước hoa, gôm xịt tóc… nếu có trong tay.
  • Trường hợp bị chó tấn công, cần bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể như mặt, ngực và cổ họng của mình vì đây là những nơi các loài chó dữ sẽ nhắm đến theo bản năng của chúng. Ngoài ra, cần nắm chặt tay nếu không muốn ngón tay của mình bị cắn nát. Hãy cuộn tròn như một quả bóng để bảo vệ khuôn mặt và bàn tay của trẻ nếu một con chó lạ lao vào tấn công.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để đề phòng trường hợp bị chó cắn, cha mẹ cần để mắt trông chừng trẻ, nhất là những bé ở độ tuổi chập chững biết đi. Với trẻ lớn hơn có thể giáo dục trẻ biết cách tự bảo vệ, tránh xa những con chó dữ, chó mới đẻ, không chọc phá con vật, nhất là khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ. Ngoài ra, các gia đình có vật nuôi như: Chó, mèo cần tiêm phòng bệnh dại cho chúng.

Những lưu ý khi nhà có vật nuôi

Nếu trong nhà có vật nuôi, các bậc cha mẹ cần chú ý một số điều dưới đây để bảo vệ sức khỏe của trẻ:

  • Hãy chọn những giống vật nuôi hiền lành. Chẳng hạn, một số loài chó thân thiện với trẻ, như: Beagle, Pug, Golden Retriever, Labrador, Papillon…
  • Hãy giữ vật nuôi sạch sẽ và khám thú y thường xuyên để ngăn ngừa bé nhiễm các bệnh giun sán do ký sinh trùng hay các bệnh khác như hen suyễn, dị ứng…
  • Nếu nuôi chó, hãy triệt sản cho chúng và cho chó tham gia các lớp học. Chó được học để làm theo một số lệnh đơn giản sẽ dễ dàng hơn để trẻ kiểm soát.
  • Hãy cho vật nuôi một nơi ẩn náu an toàn như một cái thùng hoặc một ngôi nhà nhỏ, đảm bảo cách xa phòng của trẻ.
  • Hãy cho vật nuôi ăn thực phẩm đóng gói hoặc thức ăn chín. Tuyệt đối không cho chó, mèo ăn thịt sống.
  • Hãy làm cho vật nuôi hộp cát để đi vệ sinh và dọn hộp mỗi ngày. Nếu trẻ quá nhỏ, cha mẹ không cho trẻ làm việc này. Nếu trẻ đã lớn và muốn làm, hãy hướng dẫn trẻ đeo găng tay cao su và rửa tay kỹ khi xong việc.
  • Luôn để mắt tới trẻ khi trẻ chơi đùa với vật nuôi, đặc biệt là với những bé đang ở tuổi tập bò, tập đi… Chú ý, không bao giờ để trẻ chơi trò kéo co hoặc vật lộn với vật nuôi vì nếu quá khích, chó mèo có thể cào, cắn trẻ.
  • Rửa tay thật sạch sau khi chơi với vật nuôi
  • Hãy cho trẻ đi khám nếu trẻ bị chó, mèo cắn rách da hoặc vết cào bị sưng kéo dài hơn 2 tuần.

Wellcare tổng hợp

- 12-04-2019 -

Bài viết liên quan