Dậy thì sớm ở trẻ

Dậy thì sớm ở trẻ xảy ra khi trẻ gái có bất cứ dấu hiệu nào của dậy thì (vú to ra, kinh nguyệt, mọc lông...) trước 8 tuổi và bé trai trước 9 tuổi thì coi như là dậy thì sớm. Mặc dù theo định nghĩa này có thể lẫn một số bé bình thường.

Dậy thì sớm ở trẻ là gì?

Dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người trưởng thành có khả năng sinh sản. Hay là giai đoạn xuất hiện các đặc tính sinh dục thứ phát và có sự chuyển đổi từ sinh dục còn non sang sinh dục trưởng thành.

(Ảnh minh họa)

Dậy thì sớm ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê trên thế giới thì nữ là 10,5 tuổi và 11,5 tuổi ở bé nam.

Dấu hiệu đầu tiên của dậy thì bình thường:

  • Ở trẻ gái, dấu hiệu đầu tiên là phát triển tuyến vú, vú nở to ra. Nếu bé có kinh nguyệt trước coi chừng đó là dậy thì bất thường.
  • Ở trẻ trai dấu hiệu dậy thì đầu tiên là tinh hoàn lớn lên.

Trình tự của một quá trình dậy thì bình thường:

  • Ở trẻ gái: Dấu hiệu đầu tiên xác nhận dậy thì là tuyến vú phát triển (trung bình lúc 10,5 tuổi), tiếp theo đó 2 năm sẽ có chu kì kinh nguyệt, 2 năm sau nữa thì đủ lông sinh dục. Vào năm 11 tuổi rưỡi tốc độ tăng trưởng chiều cao mạnh nhất.
  • Ở trẻ trai: Vào năm 11,5 tuổi bắt đầu tinh hoàn lớn lên rõ. 12 tuổi thì mọc lông mu. 14,5 tuổi thì thấy có tinh trùng trong nước tiểu. Vào 15,5 tuổi hầu như hoàn thiện dậy thì và mọc đủ lông sinh dục. Năm 13,5 tuổi có tốc độ tăng trưởng chiều cao mạnh nhất.

Dậy thì sớm ở trẻ: khi trẻ gái có bất cứ dấu hiệu nào của dậy thì (vú to ra, kinh nguyệt, mọc lông...) trước 8 tuổi và bé trai trước 9 tuổi thì coi như là dậy thì sớm. Mặc dù theo định nghĩa này có thể lẫn một số bé bình thường.

 Có 3 loại dậy thì sớm:

  • Dậy thì sớm trung ương: là khởi phát dậy thì trước 8 tuổi với bé gái, 9 tuổi với bé trai. Trình tự xuất hiện và khoảng cách xuất hiện các dấu hiệu dậy thì y như một bé dậy thì bình thường chỉ có điều là sớm hơn vài năm so với bé bình thường mà thôi.
  • Dậy thì sớm ngoại vi: các dấu hiệu dậy thì xuất hiện rời rạc và không theo trình tự cũng như khoảng cách. Có thể bé gái lại có kinh trước là phát triển tuyến vú...
  • Những biến thể của dậy thì lành tính: ví dụ hiện tượng mọc lông sinh dục ở sơ sinh, chảy máu âm đạo, cương tuyến vú ở bé gái.

Nguyên nhân gây ra dậy thì sớm 

Với dậy thì trung ương có đến 80 - 90% không thấy nguyên nhân. Số còn lại có thể có bất thường hệ thần kinh trung ương như u não chẳng hạn.

Dậy thì sớm ngoại vi: có thể do nang buồng trứng, u buồng trứng, u tinh hoàn, u thượng thận, tiếp xúc với các thuốc hay thực phẩm có hormon sinh dục.

Hậu quả của dậy thì sớm

Các biến thể lành tính của dậy thì không gây hậu quả.

Trong dậy thì sớm ngoại vi hay trung ương hậu quả chắc chắn là sẽ làm sút giảm chiều cao khi trẻ trưởng thành. Do xương phát triển sớm nên đầu xương cũng đóng sớm, mặc dù ta thấy trẻ cao sớm và nhanh hơn trẻ khác nhưng đến cuối cùng lại lùn hơn trẻ khác. Dậy thì càng sớm trẻ càng lùn.

Hậu quả của các bệnh lí gây dậy thì sớm như: u tinh hoàn, u thượng thận, u buồng trứng...

Điều trị dậy thì sớm ở trẻ

Cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế có đơn vị nội tiết để làm các xét nghiệm, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị. Nhưng bác sĩ cân nhắc trường hợp nào cần điều trị và trường hợp nào chỉ cần theo dõi.

Với dậy thì sớm ngoại vi có nguyên nhân thì cần tìm và giải quyết triệt để nguyên nhân: cắt u nang buồng trứng, cắt u tinh hoàn, loại bỏ thuốc có hormon sinh dục... Phẫu thuật nếu có u não gây dậy thì sớm trung ương.

Thuốc đồng vận GnRH (một hormon của dùng dưới đồi) là điều trị phổ biến nhằm làm ngưng tiến triển của dậy thì sớm. Đợi trẻ lớn hơn chút nữa mới cho dậy thì lại và nhằm tối ưu hóa chiều cao cho trẻ khi trưởng thành. Thuốc được tiêm định kì mỗi tháng hay mỗi 3 tháng tùy loại. Thuốc được chỉ định cho dậy thì sớm trung ương nguyên phát.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare 

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan