Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 34

Bé yêu giờ đây đã biết khám phá đồ đạc xung quanh bằng cách lắc, đập, thả và ném chúng trước khi đưa vào miệng gặm. Ở bé bắt đầu xuất hiện khái niệm món đồ này dùng để làm gì (ví dụ lược dùng để chải đầu), thế nên bạn có thể bố trí một nơi có nhiều đồ vật để bé tha hồ đập,

Bé phát triển như thế nào?

Khám phá đồ đạc

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 34

Bé yêu giờ đây đã biết khám phá đồ đạc xung quanh bằng cách lắc, đập, thả và ném chúng trước khi đưa vào miệng gặm. Ở bé bắt đầu xuất hiện khái niệm món đồ này dùng để làm gì (ví dụ lược dùng để chải đầu), thế nên bạn có thể bố trí một nơi có nhiều đồ vật để bé tha hồ đập, ấn, vặn, xiết, lắc, quăng và mở tung ra.
Bé cũng rất hứng thú với các món đồ chơi có chức năng chuyên biệt như điện thoại. Nếu bé chưa tự cầm điện thoại đưa lên tai được, bạn hãy cầm giúp bé và giả bộ như đang nói chuyện điện thoại. Sau một vài tháng nữa, bé sẽ bắt đầu sử dụng đồ vật có mục đích - chải tóc, uống nước bằng ly, và bi bô với chiếc điện thoại đồ chơi.
Khi cùng xem tranh ảnh với bé, bạn có thể gọi tên một vật - đặc biệt là những thứ quen thuộc (như mắt, mũi, miệng) hoặc dễ thương (như chú cún con, con vịt cao su), rồi quan sát bé dùng tay để chỉ hoặc nhìn vào chính xác hình ảnh mà bạn gọi.
Ngoài ra, ở giai đoạn này, bé thích làm vật rơi xuống để bạn nhặt lên, rồi lại ném xuống đất. Bé không cố ý chọc bạn tức đâu, chẳng qua là bé muốn nhìn đi nhìn lại những hình ảnh thú vị thôi.

Ngộ độc hóa chất ở trẻ sơ sinh

Cách phòng tránh ngộ độc hóa chất ở trẻ

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 34

Tìm hiểu xem những chất nào là độc hại và dùng các biện pháp phòng tránh ngộ độc hóa chất cho trẻ tại nhà:

  • Kiểm tra nhãn hiệu và tìm hiểu thông tin cần thiết.
  • Cất giữ mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc, viên bổ sung khoáng chất và vitamin, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu và tất cả các hóa chất dân dụng khác ở nơi riêng biệt, khóa cẩn thận và để xa tầm tay của trẻ.
  • Bất cứ khi nào có thể, nên ưu tiên mua những loại thuốc có nắp bảo vệ an toàn để ngăn không cho trẻ dùng và tìm mua những sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên ít hóa chất độc hại.
  • Nên giữ hóa chất nguy hiểm ở chai đựng ban đầu để tránh lẫn lộn.
  • Cha mẹ tuyệt đối không gọi thuốc là “kẹo” hoặc uống thuốc trước mặt bé.
  • Đặt chậu cây cảnh lên cao để bé không với tới.

Nên xử trí như thế nào nếu trẻ nuốt phải thứ gì đó độc hại?

Chất độc là những chất gây hại cho cơ thể. Một số chất độc hại khi nuốt phải chỉ gây khó chịu dạ dày tạm thời, trong khi một số chất khác lại gây tổn thương nghiêm trọng đến phổi và ruột và một số ít trường hợp còn gây tử vong. Nếu bé không thở đươc, phải lập tức hô hấp nhân tạo rồi đưa bé đến ngay bệnh viện gần nhất. Ngoài ra, gọi cấp cứu 115 trong các trường hợp như trẻ mất ý thức, rơi vào trạng thái hôn mê, bị bỏng, đau rát họng nghiêm trọng hoặc lên cơn co giật.
Thậm chí nếu không có những triệu chứng như trên, bạn cũng nên gọi bác sĩ Nhi khoa để nhờ tư vấn. Cố gắng lấy hết những thứ còn sót lại trong miệng của bé (giữ lại để làm mẫu nếu có thể). Không cố gắng làm cho bé nôn hoặc cho bé uống ipecac (một loại siro gây nôn mửa trong điều trị ngộ độc cấp tính) hoặc than hoạt tính - hỏi ý kiến chuyên gia và các bác sĩ trước.
Khi gọi, bạn chắc chắn sẽ được bác sĩ hỏi tên của hóa chất, thời gian và lượng bé đã nuốt, tuổi và cân nặng của bé, các triệu chứng bé gặp và số điện thoại của bạn.

Nên làm gì nếu trẻ chạm vào hóa chất độc hại?

Nếu hóa chất dính trên quần áo của bé, hãy cởi quần áo bé ra. Rửa sạch vùng da tiếp xúc với hóa chất bằng nước ấm liên tục trong 15 phút nếu bé bị bỏng. Không bôi dầu hoặc thuốc mỡ lên vết bỏng vì chỉ khiến cho tình trạng nghiêm trọng hơn. Nếu hóa chất dính vào mắt, rửa sạch mắt (nhỏ nước sạch vào hai bên khóe mắt) trong 15 phút và cố gắng để bé chớp mắt liên tục. Gọi cho bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được hướng dẫn trong từng trường hợp cụ thể.

Cuộc sống của bạn: Đối phó với nỗi sợ hãi khi xa mẹ của bé

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 34

Khi bạn để bé cho người khác chăm sóc thì lẽ dĩ nhiên bé sẽ tỏ ra lo lắng. Thực sự đó là dấu hiệu cho thấy bé phát triển khỏe mạnh và bình thường.
Sau đây là một vài gợi ý để cả bạn và bé không cảm thấy lo lắng khi tạm xa nhau:

  • Nói tạm biệt với bé một cách tình cảm nhưng dứt khoát. Cố gắng đừng kéo dài việc chia tay hoặc tỏ ra mủi lòng khi thấy bé khóc.
  • Đi một cách dứt khoát khi đã nói tạm biệt. Đừng quay lại xem bé có ổn không, điều này chỉ khiến mọi thứ thêm khó khăn cho cả bạn và bé.
  • Gọi điện khi tới nơi. Để yên tâm, bạn gọi cho người chăm bé hỏi xem bé như thế nào. Nhiều khi bé đã nín khóc ngay sau khi bạn vừa đi khỏi và đang mải chơi.
  • Khi trở về hãy dành thời gian đặc biệt cho bé để bé cảm nhận lại sự gắn kết.
  • Các bé có phản ứng khác nhau khi cha mẹ vừa đi khỏi. Nếu bé quá khổ sở và khóc lóc khi phải xa bạn, hai vợ chồng bạn nên cân nhắc đi lần lượt ra khỏi cửa thay vì đi một lượt.

(Nguồn tham khảo: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 06-01-2021 -

Bài viết liên quan