Chuyển dạ kéo dài

Sinh con luôn là trải nghiệm đặc biệt với cả những người lần đầu làm mẹ hay đã sinh con một hai lần. Đôi khi, em bé được sinh ra rất nhanh , nhưng có lúc lại chào đời chậm chạp. Niềm vui được đón em bé chào đời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời gian của quá trình chuyển dạ.

Chuyển dạ là khi thai phụ xuất hiện một loạt các cơn co cơ tử cung (dạ con) dữ dội và lặp đi lặp lại. Các mẹ sẽ thấy những cơn đau co thắt ở vùng lưng dưới và vùng bụng dưới, hay còn gọi là đau đẻ. Các cơn co thắt giúp làm giãn mở rộng cửa mình hay cổ tử cung, giúp đẩy em bé ra khỏi tử cung vào âm đạo rồi rời khỏi cơ thể mẹ và chào đời.

Phụ nữ sinh con lần đầu (con so) thường chuyển dạ trong khoảng 12 đến 18 tiếng. Các bà mẹ sinh con dạ thì chuyển dạ chỉ mất khoảng một nửa số thời gian nói trên.

Chuyển dạ kéo dài
Phụ nữ sinh con so thường chuyển dạ từ 12-18 tiếng.
Thời gian chuyển dạ giảm còn một nửa khi sinh con dạ

Chuyển dạ kéo dài là gì?

Đôi khi, quá trình chuyển dạ diễn ra chậm chạp hơn thông thường. Chuyển dạ kéo dài là tình trạng em bé chưa được sinh ra sau 20 giờ có những cơn co thắt của tử cung. Một số bác sỹ cho rằng chuyển dạ kéo dài là khi có thời gian chuyển dạ từ 18 đến 24 giờ.

Thai phụ sẽ dễ bị chuyển dạ kéo dài nếu:

  • Em bé quá to và không thể chui qua âm đạo.
  • Bé ở tư thế khác thường. Thường thì bé sẽ được sinhh ra trong tư thế đầu ra trước và quay mặt về phía lưng mẹ.
  • Đường âm đạo quá nhỏ nên bé không thể chui lọt.
  • Các cơn co tử cung quá yếu.

Sẽ ra sao nếu chuyển dạ chậm?

Các bà mẹ mong mình sẽ chuyển dạ và sinh con nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu có chuyển dạ chậm, các mẹ vẫn nên giữ bình tĩnh, vì bác sĩ, y tá hay hộ sinh sẽ theo dõi cả thai phụ và thai nhi phòng trường hợp xấu xảy ra. Họ sẽ kiểm tra:

  • Tần suất diễn ra các cơn co thắt
  • Mức độ co thắt.

Một vài cách kiểm tra sẽ được áp dụng cho thai phụ:

  • Đặt ống thông trong cổ tử cung (Intrauterine Pressure Catheter Placement) – một ống nhỏ sẽ được đặt bên trong tử cung, cạnh em bé, giúp bác sĩ theo dõi thời điểm và cường độ của các cơn co thắt để có biện pháp trợ giúp sinh con kịp thời.
  • Đo tim thai bằng máy theo dõi điện tử (Monitoring).

Điều trị chuyển dạ kéo dài thế nào?

Thai phụ chuyển dạ kéo dài có thể sẽ được khuyên nghỉ ngơi một chút. Đôi khi uống thuốc giảm đau hoặc thay đổi tư thế nằm có thể giúp thai phụ giảm đau và thư giãn hơn.

Các biện pháp điều trị thích hợp phụ thuộc vào nguyên nhân khiến thai phụ chuyển dạ chậm.

Nếu em bé đã ở trong âm đạo, bác sĩ hoặc hộ sinh có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như foc – xep hoặc giác hút để đưa em bé ra khỏi âm đạo.

Nếu các cơn co tử cung yếu, bác sĩ có thể cho bạn “đẻ chỉ huy” bằng cách tiêm oxytocin để giúp tăng tốc độ và cường độ các cơn co thắt. Sau đó nếu các cơn đau vẫn chưa đủ mạnh và chuyển dạ vẫn chưa diễn ra, có thể thai phụ cần được mổ đẻ.

Thai phụ sẽ được mổ đẻ trong trường hợp thai nhi quá to so với mẹ, hoặc thuốc không đẩy nhanh quá trình sinh tự nhiên.

Nguy cơ khi chuyển dạ kéo dài

Chuyển dạ kéo dài làm tăng khả năng phải mổ đẻ và có thể gây ra các nguy cơ cho bé như:

  • Thiếu oxy cho bé, gây ngạt cho bé trong tử cung
  • Nhịp tim thai bất thường
  • Sinh ra các chất bất thường trong nước ối
  • Nhiễm trùng tử cung và đường sinh sản.

Nếu bé gặp nguy hiểm, thai phụ sẽ phải sinh khẩn cấp, thông thường bằng cách mổ đẻ. Lúc này các theo dõi trên máy là hết sức quan trọng với sức khỏe của mẹ và bé để quyết định biện pháp điều trị.

Thông tin thêm trong bài viết: 11 cách kích thích chuyển dạ tự nhiên

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan