Cho trẻ bắt đầu ăn dặm khi nào là hợp lý?

Năm đầu đời đánh dấu sự phát triển quan trọng cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé, hình thành não bộ cũng như phát triển thể chất tốt hơn. Vì thế, mẹ đừng xem nhẹ việc cho bé ăn dặm cũng như thời điểm

Năm đầu đời đánh dấu sự phát triển quan trọng cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé, hình thành não bộ cũng như phát triển thể chất tốt hơn. Vì thế, mẹ đừng xem nhẹ việc cho bé ăn dặm cũng như thời điểm khi nào nên cho bé ăn dặm.

Thời điểm nên cho trẻ ăn dặm

Từ sau 6 tháng tuổi, bé cần được ăn dặm vì sữa không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của bé. Ngoài ra, việc ăn dặm sẽ giúp bé của bạn phát triển kỹ năng nhai, nuốt thức ăn đặc, lợn cợn hơn và cho phép phát triển cơ hàm để phát âm tốt. Tuy nhiên, cần nhớ sữa vẫn luôn là nguồn dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này.
Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, thời điểm bắt đầu ăn dặm là trong khoảng 4-6 tháng tuổi. Trong khoảng thời gian này, bạn nên cho bé ăn dặm khi thấy bé có dấu hiệu sẵn sàng ăn: biết lật sấp, giữ đầu vững và thèm ăn (thèm thuồng nhìn người khác ăn, mau đói sau khi bú,…). Cho bé ăn sớm trước 4 tháng làm tăng nguy cơ dị ứng và sẽ khó tiêu vì ống tiêu hóa của bé chưa thật sự sẵn sàng. Nếu bắt đầu cho ăn quá trễ, bé của bạn sẽ khó làm quen với thức ăn mới và dễ thiếu hụt dinh dưỡng.
So với người lớn, tính trên một kg cân nặng, nhu cầu năng lượng của bé cao gấp 2,5 lần, nhu cầu các khoáng chất và vitamin cao gấp 3-5 lần; trong khi dạ dày của bé chỉ nhỏ bằng 1/5. Vì vậy, bạn cần cho bé ăn dặm đúng cách; chế độ ăn của bé phải đủ dinh dưỡng, đa dạng và cân bằng mới đáp ứng được nhu cầu phát triển rất cao trong những năm đầu đời.

khi nào nên cho trẻ ăn dặm
(Ảnh minh họa)

Nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm

Do đó, khi cho bé ăn dặm, bạn cần thực hiện các nguyên tắc sau:

  • Ăn tăng dần: từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ mịn đến thô. Bạn có thể khởi đầu bằng cách cho bé nếm 1 chút chuối tươi hay khoai nấu nạo thật mịn, sau đó tăng lượng dần dần khi bé thấy thú vị, rồi tập thêm món khác…
  • Đủ 4 nhóm thực phẩm: bắt đầu từ 1 nhóm đến nhiều nhóm thực phẩm. Ăn trái cây, rồi ăn bột dinh dưỡng (bột lúa mì-sữa, rồi đến bột cá-rau,…). Bạn nên sử dụng bột ăn dặm của các hãng uy tín, chế biến theo hướng dẫn ghi trên vỏ hộp. Nếu muốn chế biến tại nhà, hãy hỏi BS của bạn để đảm bảo thành phần dinh dưỡng hợp lý cho bé. Thông thường, các bé bắt đầu ăn dặm hay bị chậm cân do mẹ chế biến thức ăn chưa đúng cách, hay chỉ cho bé ăn cháo sườn mua ở chợ. Hãy thử cho bé làm quen với các thực phẩm “hiền” trước (ví dụ cá đồng, thịt heo,…) rồi mới đến các thực phẩm “dữ”, tức hay gây dị ứng (tôm, cua, thịt bò,… Bạn nên cho bé ăn mỗi thực phẩm mới từ 3-5 ngày, nếu bé không có phản ứng dị ứng có nghĩa là bé dung nạp tốt món đó; rồi mới sang món khác. Vì phản ứng dị ứng có thể chỉ xảy ra sau khi bé ăn 1 thực phẩm nào đó sau 3-5 ngày, nếu bạn đổi món liên tục thì khó biết đâu là thủ phạm…
  • Vấn đề nêm nếm: Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nêm nếm khi bé chưa đủ 12 tháng; và chỉ nêm càng lạt càng tốt sau lứa tuổi này. Bạn sẽ thấy thức ăn của bé rất lạt, rất chán so với khẩu vị của bạn, nhưng bé sẽ thích vị này và sẽ không nhiễm thói quen ăn mặn của phần lớn người Việt Nam đấy bạn ạ! Ăn mặn làm tăng nguy cơ cao huyết áp và không tốt cho thận tí nào!
  • Giúp bé thích thú với bữa ăn: Bạn chỉ nên cho bé ăn khi bé thật sự đói, và tuyệt đối không ép buộc. Nếu bé không muốn ăn, đừng ép bé, đừng kéo dài bữa ăn quá nhé! Hãy bắt đầu lại vào một ngày khác ít hơn, chậm hơn và sẵn sàng hơn. Thưởng thức bữa ăn trong sự vui thích là một hạnh phúc mà bé của bạn cần tận hưởng đấy bạn ạ! Cho bé ăn trong lúc xem TV, chơi Ipad, dọa nạt, khóc lóc … sẽ khó tiêu hóa tốt; và nhất là bé không biết mình đang ăn gì mà chỉ nuốt trọng mà thôi.

Chúc bé và bạn có những bữa ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng và vui tươi!

(Theo TS. BS. Phạm Diệp Thùy Dương, Wellcare tổng hợp)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan