Cho con bú sữa mẹ “của người ta”

Ngày 15/02/2017 vừa qua, báo Vietnamnet có bài đăng về nghĩa cử đẹp của một số bà mẹ ở Sài Gòn - chia sẻ sữa mẹ miễn phí. Ngay sau đó, báo Thanh Niên và VNExpress liền có bài phỏng vấn các bác sĩ, lấy ý kiến về mức độ an toàn của sữa mẹ khi chia sẻ tự phát

Chia sẻ sữa mẹ - ý tưởng tốt chưa hẳn là hay!

(Ảnh: info.net)

 


Ngày 15/02/2017 vừa qua, báo Vietnamnet có bài đăng về nghĩa cử đẹp của một số bà mẹ ở Sài Gòn - chia sẻ sữa mẹ miễn phí. Ngay sau đó, báo Thanh Niên và VNExpress liền có bài phỏng vấn các bác sĩ, lấy ý kiến về mức độ an toàn của sữa mẹ khi chia sẻ tự phát.
Cụ thể, bác sĩ Trương Hữu Khanh (BV Nhi đồng 1) cũng đã trích dẫn bài báo kèm theo lời cảm khái trên trang cá nhân ngay ngày hôm sau:

❝ Không phải như cho cơm và cho bánh mì được đâu. Không thể tự phát được. Cho sữa mẹ, trữ sữa dành cho bé dùng thì chỉ làm được cho từ bà mẹ hay cô dì rất gần mới kiểm soát được. Ngân hàng sữa mẹ thì phải bảo đảm an toàn không thua gì ngân hàng máu đâu. Không phải chỉ nghe bà mẹ nói tôi chả bị gì đâu, sữa tốt lắm...là đủ đâu, phải XN và biết rõ nguồn gốc bệnh lý có không. Bảo quản cái tủ mở ra mở vào thì cũng phải xem.❞

Trên thực tế, việc chia sẻ sữa giữa các bà mẹ đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên việc này thường được tổ chức và quản lý theo 1 quy trình nghiêm ngặt bởi các tổ chức y tế quốc gia. Chẳng hạn như ở Mỹ, đồng hành cùng các đơn vị y tế uy tín còn là Ngân hàng sữa mẹ liên bang. Cũng tương tự như ngân hàng máu, hoạt động này được diễn ra thường xuyên theo quy chuẩn nghiêm ngặt, thay vì tự phát và không được quản lý như ở Việt Nam. Với sự hỗ trợ 100% về chi phí, một người mẹ khi muốn hiến sữa cần phải trải qua xét nghiệm sàng lọc máuDNA và được cung cấp 1 tủ đá có gắn nhiệt kế. Tủ đông này được yêu cầu để ở mức lạnh nhất, tối thiểu -20 độ C để lưu trữ an toàn từ khi lấy sữa, cũng như trong suốt quá trình vận chuyển. Ngoài ra, người mẹ cho sữa còn phải trả lời các câu hỏi liên quan đến sức khỏe. Người mẹ ấy không được hút thuốc lá, không uống rượu, không dùng 1 số loại thực phẩm chức năng và không uống thuốc gần thời điểm cho sữa...

Rủi ro từ sữa đi xin - Vì sao phải sàng lọc máu?

Máu của người mẹ cho sữa sẽ được sàng lọc để loại bỏ các xét nghiệm dương tính với:

  • HIV (Human Immunodeficiency Virus) 1 và 2: gây bệnh AIDS (Acquired Immuno Deficiency Syndrome, có nghĩa là Hội chứng Suy giảm Miễn dịch Mắc phải)
  • Viêm gan siêu vi B và C: Virus lây nhiễm các tế bào gan và có thể gây viêm gan.
  • HTLV I và II: Siêu vi trùng bạch cầu T loại 1 và 2 ở người gây bệnh bạch cầu I và II phổ biến nhất ở miền Nam Nhật Bản, vùng Caribbean, một số vùng ở châu Phi, Nam Mỹ và miền Đông Nam Hoa Kỳ. Nhiều người mang trong mình những loại virus này có hoặc không có kèm triệu chứng.
  • Giang mai (Syphilis): Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Trên đây là những bệnh mà một người mẹ có thể truyền cho đứa bé thông qua sữa của mình.


(Ảnh: Public Broadcasting Atlanta)

Kết luận

Đúng như vậy, một ý tưởng tốt không hẳn lúc nào cũng hay. Các mẹ cho và nhận sữa hãy cân nhắc kỹ trước khi khởi phát các hoạt động liên quan đến sữa mẹ. Tất cả vì tương lai trẻ thơ!

Viết bởi: Wellcare - 18/02/2017

Nguồn tham khảo: Ngân hàng sữa liên bang Mỹ, Mayo Clinic, Ủy ban Sức khỏe Western Australia, báo Vietnamnet, Báo Thanh niên, Báo VNEpress, Trang cá nhân của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Public Broadcasting Atlanta - USA.

- 28-05-2018 -