Cha mẹ béo phì sẽ khiến trẻ chậm phát triển?

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Viên Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã tiết lộ mối quan hệ đầy bất ngờ giữa trẻ có cha mẹ béo phì và nguy cơ chậm phát triển.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con của những bà mẹ béo phì thường không thể vượt qua các bài kiểm tra kỹ năng vận động tinh và khả năng kiểm soát chuyển động của các cơ nhỏ, ví dụ như phần cơ ở các ngón tay và bàn tay. Bên cạnh đó, con của  cha mẹ béo phì cũng thất bại trong các bài kiểm tra năng lực xã hội. Thậm chí, con của những cặp đôi cực béo phì cũng không đủ khả năng để giải quyết một vấn đề nào đó.

Nghiên cứu này được công bố trong tạp chí Pediatrics, được tiến hành bởi các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Eunice Kennedy Shriver về Sức khỏe Trẻ em & Phát triển Con người của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (gọi tắt là NICHD).

Tiến sĩ Edwina Yeung, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Các nghiên cứu trước đây của Mỹ trong lĩnh vực này tập trung vào cân nặng trước và sau khi mang thai của người mẹ. Nghiên cứu của chúng tôi là một trong số ít quan tâm đến cân nặng của người cha. Kết quả, chúng tôi thấy rằng cân nặng của người cha cũng có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của trẻ”. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có khoảng 1 trong 5 phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ thừa cân hoặc béo phì.

Cha mẹ béo phì sẽ khiến trẻ chậm phát triển?

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu thu thập được từ các nghiên cứu có tên gọi Upstate KIDS. Trước đó, Upstate KIDS đã tìm cách xác định xem việc điều trị trong quá trình sinh sản có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh đến 3 tuổi hay không. Hơn 5.000 phụ nữ trong thời gian khoảng 4 tháng sau khi sinh đã tham gia vào nghiên cứu này tại bang New York từ năm 2008 đến năm 2010. Để đánh giá sự phát triển của trẻ, các bậc phụ huynh phải hoàn thành một bảng hỏi sau khi thực hiện một loạt hoạt động được yêu cầu cùng với con của họ. 

Trẻ em trong nghiên cứu này bắt đầu được kiểm tra lúc 4 tháng tuổi và được kiểm tra lại 6 lần cho đến 3 tuổi. Các bà mẹ cũng phải cung cấp thông tin về sức khỏe và cân nặng của mình trước và sau khi mang thai cũng như cân nặng của người chồng tại các thời điểm nói trên.

So với con của những bà mẹ có cân nặng bình thường, gần 70% những đứa trẻ có mẹ béo phì thất bại trong bài kiểm tra chỉ số về kỹ năng vận động tinh theo độ tuổi của trẻ lên 3. Trong khi đó, có 75% trẻ có cha béo phì không thể vượt qua các thử nghiệm về năng lực cá nhân – xã hội, cho thấy tương tác và khả năng liên hệ với người khác so với trẻ 3 tuổi bình thường.

Nếu mối liên hệ giữa bệnh béo phì của bố mẹ và nguy cơ chậm phát triển ở trẻ em được xác nhận, các bác sĩ có thể sẽ phải đưa cân nặng của cha mẹ vào hồ sơ khi sàng lọc nguy cơ chậm phát triển của trẻ nhỏ để có thể can thiệp sớm hơn.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan