Cẩm nang mang thai - Thai kỳ tuần thứ 12

Tuần này là tuần có nhiều sự phát triển mạnh mẽ nhất: phản xạ. Ngón tay của bé sẽ sớm biết mở ra và nắm lại, ngón chân sẽ cong lại, cơ mắt sẽ nhắm chặt, và miệng sẽ có phản xạ mút. Trong thực tế, nếu bạn ấn vào bụng, em bé sẽ phản ứng lại bằng cách vặn
mang-thai-tuan-12

Bé đang lớn lên thế nào?

Tuần này là tuần có nhiều sự phát triển mạnh mẽ nhất: phản xạ. Ngón tay của bé sẽ sớm biết mở ra và nắm lại, ngón chân sẽ cong lại, cơ mắt sẽ nhắm chặt, và miệng sẽ có phản xạ mút. Trong thực tế, nếu bạn ấn vào bụng, em bé sẽ phản ứng lại bằng cách vặn mình, mặc dù bạn sẽ chưa thể cảm nhận được điều đó.
Ruột, vốn đã phát triển quá nhanh đến nỗi phải lấn vào dây rốn, sẽ bắt đầu di chuyển vào khoang bụng, và thận sẽ bắt đầu bài tiết nước tiểu vào bàng quang của bé.
Trong khi đó, các tế bào thần kinh được nhân lên nhanh chóng, và trong não của bé, các xy náp thần kinh được hình thành rất nhanh. Khuôn mặt bé trông đã ra dáng một con người hoàn chỉnh: đôi mắt đã chuyển từ hai bên về phía trước của đầu, đôi tai cũng ở đúng vị trí của chúng. Từ đỉnh đầu đến mông của em bé chỉ dài hơn 5cm (kích thước của một quả chanh) và nặng tầm 14 gram.

mang-thai-tuan-12-2

Cuộc sống của bạn thay đổi ra sao

Tử cung của bạn đã phát triển đến mức mà bác sĩ bây giờ đã có thể cảm thấy đầu tử cung ở phía bụng dưới, ngay phía trên xương mu. Bạn đã có thể mặc đồ bầu, đặc biệt nếu đây không phải là lần mang thai đầu tiên. Nếu cơ thể bạn vẫn còn khá nhỏ và chưa mặc vừa đồ bầu, bạn chắc chắn cũng đã nhận thấy rằng vòng eo đã dày lên và bạn cảm thấy thoải mái hơn khi mặc đồ rộng và thoải mái.
Bạn có thể đã bắt đầu cảm thấy hay ợ nóng (khó tiêu), một cảm giác nóng cháy thường kéo dài từ phía dưới của xương ức đến phần dưới của cổ họng. Nhiều phụ nữ lần đầu tiên bị chứng ợ nóng khi họ mang thai, còn những người trước đây đã từng bị ợ nóng, sẽ có thể còn bị nặng hơn.
Khi mang thai, nhau thai sản sinh ra nhiều hormone progesterone, giúp xoa dịu các van ngăn cách thực quản từ dạ dày. Đặc biệt khi bạn đang nằm, axit dạ dày có thể thấm ngược trở lại lên ống dẫn, gây cảm giác nóng rát khó chịu. Đối với nhiều phụ nữ, họ sẽ bị ợ nóng (hoặc sẽ bị nặng hơn) vào giai đoạn sau của thai kỳ, khi tử cung ngày càng bị đẩy lên phía trên gần dạ dày. Sự khó chịu có thể dao động từ nhẹ đến nặng, gây phiền toái và mất tập trung.

Tư vấn: Bạn có nên làm xét nghiệm chọc ối?

Chọc dò nước ối, hoặc chọc ối, là một thử nghiệm trước khi sinh trong khoảng từ 16 đến 20 tuần. Xét nghiệm chính xác hơn 99% trong việc xác định các rối loạn nhiễm sắc thể ở thai nhi, chẳng hạn như hội chứng Down. Và vài trăm rối loạn di truyền khác, chẳng hạn như bệnh xơ nang, bệnh hồng cầu hình liềm (bao gồm thiếu máu hồng cầu hình liềm), và bệnh Tay-Sachs (một bệnh cực nguy hiểm có liên quan đến hệ thống thần kinh, rất hiếm trên thế giới, nhưng lại đặc biệt hay thấy trong người gốc Do Thái thuộc bộ tộc Ashkenazi), cũng như các khuyết tật ống thần kinh (như nứt đốt sống và thiếu não).
Bởi vì chọc ối là một xét nghiệm xâm lấn và tiềm ẩn một nguy cơ nhỏ sẩy thai, những phụ nữ chọn làm xét nghiệm là những người có nguy cơ cao liên quan đến di truyền và những vấn đề về nhiễm sắc thể.

Làm thế nào để quyết định có nên chọc ối không?

Trường Cao đẳng Sản phụ khoa tại Hoa Kỳ khuyến cáo rằng phụ nữ ở tất cả các lứa tuổi nên được sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ 2. Bác sĩ hoặc tư vấn viên về di truyền sẽ thảo luận với bạn về ưu và nhược điểm của các phương pháp tiếp cận hiện có. Tuy nhiên cuối cùng, có kiểm tra hay không lại là quyết định của cá nhân bạn.
Nhiều phụ nữ chọn làm sàng lọc trước và sau đó quyết định về việc có làm xét nghiệm chẩn đoán hay không dựa trên các kết quả ban đầu. Những phụ nữ khác lại chọn xét nghiệm chẩn đoán ngay từ đầu. (Có thể do họ biết rằng họ đang có nguy cơ cao đối với vấn đề về nhiễm sắc thể hay một nguyên do nào đó mà không thể phát hiện được bằng cách sàng lọc hoặc họ đơn giản chỉ cảm thấy rằng họ muốn biết về tình trạng của con mình càng nhiều càng tốt và sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhỏ sẩy thai để tìm hiểu). Một số phụ nữ quyết định không làm sàng lọc lẫn xét nghiệm nào cả.
Nếu bạn chọn sàng lọc trước, sau đó quyết định với sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc tư vấn viên về di truyền, rằng nếu kết quả của bạn chỉ ra là bạn có một nguy cơ nào cao mà bạn nên chọc ối hoặc làm một xét nghiệm chẩn đoán khác, sinh thiết gai nhau chẳng hạn (CVS - chorionic villus sampling), để xác định xem liệu có vấn đề nào không. Bạn cũng nên cân nhắc giữa mong muốn được biết về tình trạng của em bé với rủi ro về việc xét nghiệm chẩn đoán sẽ làm bạn bị sẩy thai.

Chọc ối diễn ra như thế nào?

Nếu bạn quyết định chọc ối, quy trình sẽ kéo dài khoảng 30 phút (riêng việc rút nước ối chỉ mất dưới 30 giây). Một bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ sử dụng máy siêu âm để xác định vị trí túi ối & một khoảng cách an toàn đến em bé và nhau thai. Sau đó, dưới sự hướng dẫn liên tục của máy siêu âm, các bác sĩ sẽ đưa một kim mỏng, rỗng, dài qua bụng và thành dạ con của bạn để hút ra một lượng nhỏ nước ối.
Bạn có thể cảm thấy đau quặn, như bị véo, hoặc áp lực trong cả quá trình. Mức độ khó chịu khác nhau tùy người, và thậm chí cũng không giống giữa các lần mang thai khác nhau.

Hoạt động của tuần này

Lập ngân sách tài chính: Hãy ngồi xuống cùng với bố của bé và thảo luận làm thế nào để xử lý tất cả các chi phí mới sẽ phát sinh như Quần áo trẻ em, thực phẩm, tã giấy, đồ chơi, và rất nhiều các đồ em bé khác. Cũng nên suy nghĩ và thảo luận xem bạn có thể cắt giảm ngân sách từ nguồn nào để nhường chỗ cho nhu cầu của bé. Hãy xem xét việc thực hiện một số điều chỉnh ngân sách từ bây giờ, và bắt đầu tiết kiệm.

(Nguồn: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan