Bảo vệ làn da của bé khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Tia cực tím (UV) là nguyên nhân chính gây tổn thương mắt, lão hóa sớm, thậm chí là ung thư da. Da của trẻ vốn rất mỏng manh và cực kỳ nhạy cảm nên rất dễ bị cháy nắng. Trẻ nhỏ càng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thì nguy cơ bị ung thư da càng cao. Hội đồng Ung thư Victoria (Cancer Council Victoria) khuyến cáo trẻ sơ sinh dưới 12 tháng không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nhất là khi chỉ số UV là 3 hoặc cao hơn.

(Ảnh minh họa)

Dưới đây là một số lưu ý khi cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cha mẹ cần tham khảo để bảo vệ làn da của bé yêu.

Bảo vệ làn da của bé khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Trẻ sơ sinh

  • 0 - 6 tháng: Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào giữa trưa. Da của trẻ sơ sinh chứa rất ít melanin, một sắc tố tự nhiên giúp bảo vệ da khỏi tác hại ánh nắng mặt trời. Đồng thời, da của bé còn rất nhạy cảm nên chưa thể sử dụng kem chống nắng.
  • Khi đưa bé ra ngoài bằng xe hơi, hãy đóng cửa sổ xe lại để ánh nắng trực tiếp không lọt vào bên trong xe, sử dụng miếng che nắng, rèm hoặc loại cửa kính râm để bảo vệ làn da của bé.
  • Đưa bé đi dạo lúc thời tiết mát mẻ, trước 10 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều và cho bé ngồi trong xe đẩy có mái che.
  • Mặc quần áo kín cho bé, có che phủ tay và chân.
  • Chọn một chiếc mũ rộng vành hoặc khăn voan che mặt để bảo vệ mặt, cổ và tai của bé. Nếu mẹ cho bé đội mũ trong vài tháng đầu thì bé sẽ quen dần với việc đội mũ.

Em bé

  • 6 - 12 tháng: Bé đã có thể sử dụng kem chống nắng dành riêng cho trẻ sơ sinh.
  • Bôi kem chống nắng để bảo vệ da bé ngay cả vào những ngày nhiều mây hoặc râm mát vì khi đó tia UV vẫn hoạt động. Sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF 15+ bôi lên những vùng da hở như tay, chân, mặt của bé.
  • Bôi kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại cho bé sau mỗi hai giờ, sau khi bé bơi lội hoặc đổ mồ hôi quá nhiều.

Trẻ 1 - 3 tuổi/ Trẻ học mẫu giáo

  • Chọn kem chống nắng với chỉ số SPF 15 hoặc cao hơn. Kem chống nắng không thấm nước là một lựa chọn tốt dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi vì chúng rất hiếu động. Không nên thoa kem chống nắng trực tiếp lên mặt bé. Nếu sử dụng kem chống nắng dạng xịt thì nên xịt thử ra tay của bạn trước, sau đó từ từ thoa lên mặt bé.
  • Khuyến khích bé chơi trong bóng râm. Ví dụ, chơi dưới gốc cây - đặc biệt trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, khi cường độ tia UV mạnh nhất.
  • Cho bé mặc quần áo thoáng mát, thoải mái như áo cotton rộng và có tay dài. Nên chọn quần áo có chỉ số chống nắng (UPF) để bảo vệ làn da của bé tốt hơn. Hiệp hội Phòng chống Ung thư da khuyến cáo nên chọn quần áo có chỉ số UPF từ 30 trở lên.
  • Đừng quên mang mũ và kính mát cho bé. Chọn một chiếc mũ mềm, rộng vành để bảo vệ mặt, cổ và tai của bé.

Ánh nắng mặt trời và vitamin D

Vitamin D là loại hoocmon kiểm soát lượng calcium trong máu. Nó rất cần thiết cho sự phát triển của hệ xương, cơ bắp, răng và đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của cơ thể. Ngay từ khi sinh ra, mỗi đứa trẻ đã nhận được vitamin D từ sữa mẹ. Do đó, bé chỉ có thể nhận được đủ lượng vitamin D cần thiết nếu mẹ có đủ dưỡng chất này.

Ngoài ra, ánh nắng mặt trời là nguồn bổ sung vitamin D tốt nhất cho cơ thể. Tuy nhiên, để bảo vệ làn da của con, mẹ nên hạn chế cho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 5 tuổi được khuyến cáo nên uống bổ sung vitamin D dạng giọt.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.skincancer.org/prevention/sun-protection/children/sun-safety-tips-for-infants-babies-and-toddlers
  2. http://www.sunsmart.com.au/downloads/resources/info-sheets/sun-protection-babies-toddlers-info-sheet.pdf
  3. https://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/safety-in-the-sun

Wellcare lược dịch

- 05-06-2018 -

Bài viết liên quan