7 Cách nuôi dạy trẻ đã được nghiên cứu chứng minh hiệu quả

Một số những nghiên cứu mới nhất về cách nuôi dạy con được Po Bronson và Ashley Merryman đúc kết trong cuốn sách Nurture Shock: New Thinking About Children (Cú sốc dưỡng dục - Tư duy mới về trẻ em).

Po Bronson và Ashley Merryman đã đúc kết những nghiên cứu mới nhất về cách nuôi dạy con trong cuốn sách Nurture Shock: New Thinking About Children (Cú sốc dưỡng dục - Tư duy mới về trẻ em). Sau đây là các điểm chính:

Ảnh minh họa

1) Khen ngợi những nỗ lực chứ không phải trí thông minh của trẻ

Hãy khen ngợi điều gì đó mà trẻ có thể kiểm soát được dễ dàng, chẳng hạn như những nỗ lực của chúng.

Điều này dạy cho chúng tính bền bỉ và niềm tin rằng chúng hoàn toàn có thể tiến bộ.

Cô giải thích, “Việc tập trung vào nỗ lực sẽ mang đến cho trẻ niềm tin rằng chúng có khả năng kiểm soát. Trẻ sẽ nhận thấy chúng có thể kiểm soát được thành công của mình. Việc tập trung vào trí thông minh tự nhiên tước đi của trẻ khả năng kiểm soát và không giúp trẻ học được cách phản ứng tích cực trước một thất bại". Trong các cuộc phỏng vấn tiếp theo, Dweck cho biết thêm là những người nghĩ rằng trí thông minh bẩm sinh là chìa khóa thành công sẽ bắt đầu xem nhẹ tầm quan trọng của nỗ lực. 

Nhưng việc khen ngợi quá thường xuyên cũng có thể trở thành vấn đề.

Nếu tính kiên trì bền bỉ của một đứa trẻ chỉ dựa trên những phần thưởng như những lời tán dương thì chúng sẽ không nỗ lực nữa khi không còn được khen ngợi.

Vậy tốt nhất ta nên làm gì? Hãy đưa ra lời khen như một cái máy đánh bạc (slot machine), nghĩa là không đưa ra lời khen liên tục.

Cloninger cho biết, “Bí quyết ở đây chính là sự củng cố có gián đoạn.” Bộ não phải nhận ra là nó có thể vượt qua được giai đoạn nản lòng. “Một người khi lớn lên nếu nhận được phần thưởng quá thường xuyên sẽ không có tính kiên trì, bởi vì họ sẽ bỏ cuộc khi không còn phần thưởng nữa.”

2) Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc

Mỗi một giờ thiếu ngủ sẽ làm giảm trí thông minh của một đứa trẻ đang học lớp 6 xuống mức thông minh của đứa trẻ lớp 4.

Tác động này thật sự rất đáng kể. Khoảng cách về năng lực gây ra bởi việc chênh nhau một giờ đồng hồ ngủ thì lớn hơn khoảng cách về năng lực giữa một học sinh lớp 4 bình thường và một học sinh lớp 6 bình thường. Nói cách khác, một học sinh lớp 6 chỉ hơi buồn ngủ chút xíu thể hiện năng lực trong lớp học bằng một học sinh lớp 4. Sadeh giải thích thêm, “Mất đi một giờ ngủ tương đương với việc mất đi hai năm phát triển và trưởng thành về mặt nhận thức.”

Nếu tiếp tục kéo dài thì đến một lúc nào đó, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ có thể dẫn đến nhiều vấn đề mãn tính về sức khỏe. Tính khí gắt gỏng ở những trẻ trong độ tuổi vị thành niên có thể là do tình trạng thiếu ngủ mãn tính gây ra.

Một vài nhà khoa học lý luận rằng các vấn đề về giấc ngủ nếu kéo dài trong giai đoạn trưởng thành có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn trong cấu trúc não bộ của trẻ - một tai hại mà ta không thể bù lại bằng giấc ngủ. Thậm chí có khả năng là nhiều điểm đặc trưng của trẻ ở độ tuổi vị thành niên như tâm trạng thất thường, phiền muộn thậm chí ăn uống quá độ thật ra chỉ là những triệu chứng của tình trạng thiếu ngủ kinh niên. 

Ngoài ra, việc thức khuya vào cuối tuần cũng gây ra vấn đề. Sự thay đổi vào cuối tuần này làm giảm đến 7 điểm trong chỉ số thông minh IQ – tương đương với hậu quả của tình trạng phơi nhiễm chì.

Mỗi một giờ mà tình trạng thay đổi vào cuối tuần này kéo dài sẽ khiến một đứa trẻ giảm 7 điểm trong bài kiểm tra. Tiến sĩ Paul Suratt thuộc Đại học Virginia đã nghiên cứu tác động của các vấn đề liên quan đến giấc ngủ lên số điểm kiểm tra từ vựng của các học sinh tiểu học. Ông cũng nhận thấy điểm số bị giảm đi 7 điểm. Suratt nhấn mạnh 7 điểm là con số rất lớn: "Những rối loạn liên quan đến giấc ngủ có thể làm giảm chỉ số IQ của trẻ tương đương tình trạng phơi nhiễm chì."

Một nghiên cứu trên 3.000 học sinh trung học cho thấy mối tương quan rõ ràng giữa giấc ngủ và các cấp lớp.

Những trẻ ở độ tuổi vị thành niên đạt điểm A trung bình ngủ nhiều hơn 15 phút so với những học sinh đạt điểm B, và những học sinh đạt điểm B trung bình ngủ nhiều hơn 15 phút so với những học sinh đạt điểm C, v.v. Dữ liệu mà Wahlstrom đưa ra là một kết quả gần như giống hệt kết quả từ một nghiên cứu trước của Tiến sĩ Brown trên hơn 3.000 học sinh trung học tại Rhode Island.

3) Làm thế nào để dạy trẻ trung thực

Không đâu, bạn không biết khi nào thì con mình nói dối. Cha mẹ nào cũng thế.

Talwar tiến hành khảo sát hàng trăm người và xét về mặt tổng thể thì những kết quả họ tìm được đúng như dự đoán. Người ta đơn giản là không thể biết được khi nào trẻ nói dối.

Trẻ muốn làm hài lòng bạn. Hãy cho chúng biết rằng sự thật sẽ làm bạn vui – chứ không chỉ là câu trả lời đúng – và nhiều khả năng là bạn sẽ nghe được sự thật.

Sẽ thật sự hiệu quả nếu bạn nói với trẻ rằng, "Bố/mẹ sẽ không khó chịu nếu con nhìn lén đâu, và nếu con nói ra sự thật thì bố/mẹ sẽ rất vui." Câu nói này vừa làm trẻ cảm thấy yên tâm là không bị kết tội và chỉ cho trẻ biết cách phản ứng tích cực. Talwar giải thích phát hiện mới nhất này như sau: "Trẻ nói dối để làm bạn vui – chúng chỉ đang cố gắng làm bạn hài lòng." Vì thế, việc nói cho chúng biết rằng sự thật khiến cha mẹ hài lòng sẽ phá vỡ suy nghĩ ban đầu của trẻ cho rằng tin vui, chứ không phải sự thật, là điều khiến cha mẹ hài lòng.

Mẹo nhanh giúp con bạn trở nên trung thực

Hãy nói: "Ba/mẹ hỏi con một câu nhé. Nhưng trước khi ba/mẹ hỏi, con có hứa sẽ nói sự thật không?"

Trong trò chơi nhìn trộm của Talwar, nhà nghiên cứu thỉnh thoảng tạm dừng trò chơi bằng câu nói, "Cô hỏi con một câu nhé. Nhưng trước khi cô hỏi, con có hứa sẽ nói sự thật không? "(Trẻ trả lời là có.) “Được rồi, con đã lén nhìn món đồ chơi khi cô ra khỏi phòng đúng không?”Lời hứa này làm giảm 25% khả năng nói dối.

4) Trẻ Nhỏ Cần Quy Tắc

Có niềm tin sai lầm rằng việc quá khắt khe thường khiến trẻ nổi loạn và việc dễ dãi lại khiến trẻ cư xử ngoan ngoãn hơn.

Suy nghĩ cho rằng một đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên trở nên nổi loạn vì có quá nhiều quy định là một ngộ nhận thông thường dựa theo kết quả thống kê. Darling nhận xét, "Thật ra điều đó không hề xảy ra. Hầu hết cha mẹ của những đứa trẻ hay nổi loạn và gặp rắc rối không đặt ra quy tắc hoặc tiêu chuẩn nào. Cha mẹ của những đứa trẻ này yêu thương và chấp nhận chúng dù chúng có làm gì đi chăng nữa. Nhưng những đứa trẻ thiếu đi các quy tắc là một dấu hiệu cho thấy cha mẹ chúng không mấy quan tâm, không thực sự muốn làm công việc của một người cha, người mẹ đúng nghĩa."

Những bậc cha mẹ đặt ra các quy tắc trong nhà và thực hiện các quy tắc này một cách nhất quán cũng là người dành tình cảm ấm áp nhất cho con cái mình.

Và con cái của những bậc phụ huynh này nói dối ít hơn so với hầu hết những đứa trẻ.

Darling nhận thấy rằng, "Trớ trêu thay, những bậc cha mẹ thực sự nhất quán trong việc thực thi các quy định lại là những người cha người mẹ thể hiện tình cảm ấm áp nhất và dành nhiều thời gian nhất để trò chuyện với con cái." Họ thiết lập ra một số quy tắc cho các phương diện chủ chốt của cuộc sống và giải thích cho trẻ biết lý do đằng sau các quy định này. Họ mong đợi trẻ tuân theo các quy định. Trong các phương diện khác của cuộc sống, họ ủng hộ quyền tự chủ của trẻ, cho phép chúng tự do đưa ra quyết định riêng. Con cái của những bậc cha mẹ này ít nói dối nhất. Thay vì giấu cha mẹ 12 điều thì chúng chỉ giấu khoảng 5 điều thôi.

Điều đó không có nghĩa là bạn nên sắm vai một bà mẹ thật nghiêm khắc.

Cha mẹ kiểm soát thái quá = con cái cảm thấy chán nản. Những đứa trẻ cảm thấy chán nản thường rơi vào rượu chè và ma túy.

Ngay cả những đứa trẻ có thời gian biểu kín mít cũng có thể cảm thấy chán chường vì hai lý do. Thứ nhất, trẻ tham gia rất nhiều hoạt động chỉ vì cha mẹ chúng ghi danh cho chúng - chúng không có động lực thật sự bên trong. Thứ hai, chúng quá quen với việc cha mẹ lấp đầy thời gian rảnh rỗi của chúng đến mức trẻ không biết làm thế nào để tự mình thực hiện việc đó. Caldwell giải thích, "Cha mẹ càng kiểm soát thì nhiều khả năng trẻ càng cảm thấy nhàm chán." ...Các nghiên cứu của Mod Squad xác nhận giả thuyết của Linda Caldwell cho rằng những cô cậu thiếu niên thường quay sang uống rượu và nghiện ma túy bởi vì chúng cảm thấy buồn chán trong thời gian rảnh rỗi.

5) Tranh luận với trẻ ở độ tuổi vị thành niên là bình thường - và tốt

Xung đột ở mức vừa phải với trẻ vị thành niên giúp trẻ điều chỉnh hành vi tốt hơn so với trường hợp không có xung đột.

Tiến sĩ Judith Smetana thuộc Đại học Rochester, người đi đầu trong nghiên cứu về tuổi teen xác nhận rằng, về lâu dài thì "xung đột vừa phải với cha mẹ [trong tuổi vị thành niên] đi đôi với khả năng điều chỉnh hành vi tốt hơn so với trường hợp không có xung đột hay xung đột thường xuyên."

Hơn 3/4 các bé gái cảm thấy việc cãi nhau với mẹ giúp mối quan hệ mẹ con thêm khắng khít.

Tuy nhiên, chỉ có 23% bé gái cảm thấy rằng việc tranh cãi hủy hoại mối quan hệ. Có rất nhiều trẻ tin rằng việc tranh cãi giúp cải thiện mối quan hệ của trẻ với mẹ. Holmes lưu ý,"Nhận thức của trẻ về cuộc tranh cãi thực sự phức tạp hơn nhiều so với dự đoán của chúng ta về lứa tuổi teen. Trẻ xem tranh cãi là một cách nhìn nhận cha mẹ mình theo một góc nhìn mới, kết quả của việc lắng nghe quan điểm mà mẹ chúng diễn đạt."

6) Cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái có thể cũng mang lại lợi ích

Tranh cãi với người bạn đời trước mặt trẻ có thể là một điều tốt – nếu trẻ nhìn thấy cuộc tranh cãi được giải quyết ổn thỏa.

Việc tranh cãi và đưa trẻ ra khỏi nơi tranh cãi trước khi sự việc được giải quyết có thể gây ra nhiều vấn đề.

Theo một nghiên cứu, 1/3 trẻ phản ứng hung hăng sau khi chứng kiến một phần cuộc xung đột - trẻ hét to, tức giận hoặc đấm vào gối. Nhưng cũng trong nghiên cứu này, một điều khác xảy ra giúp loại bỏ phản ứng hung hăng ở 96% đám trẻ trên. Điều kỳ diệu này là gì? Đó là cho phép trẻ chứng kiến không chỉ cuộc tranh luận mà còn cách giải quyết vấn đề. Việc chỉ được chứng khiến một phần cuộc tranh cãi sẽ gây ra ảnh hưởng rất tiêu cực với trẻ. Nhưng nếu trẻ được phép chứng khiến cuộc tranh cãi được giải quyết như thế nào, điều đó sẽ khiến trẻ bình tâm lại. Cummings nhớ lại, "Chúng tôi đưa ra những cường độ khác nhau của các cuộc tranh cãi, và điều đó không có tác dụng gì. Các cuộc tranh cãi có thể trở nên khá căng thẳng, nhưng nếu được giải quyết thì trẻ cảm thấy mọi thứ vẫn ổn." Hầu hết trẻ đều thấy vui vẻ trở lại nếu cuối cùng chúng được chứng kiến cha mẹ làm hòa với nhau...

... Việc được nhìn thấy những xung đột mang tính xây dựng trong hôn nhân thật ra có thể ảnh hưởng tốt đến trẻ - trong trường hợp cuộc tranh cãi này không leo thang, không có những lời lăng mạ, và cuộc tranh cãi được giải quyết bằng tình cảm. Điều này gia tăng cảm giác an toàn dần theo thời gian, và làm tăng hành vi tiền xã hội (prosocial behavior) của trẻ ở trường theo như đánh giá của giáo viên. Cummings ghi nhận, "Biện pháp giải quyết xung đột phải chân thành, chứ không phải vì lợi ích của riêng mình – nếu không trẻ sẽ nhận biết được." Trẻ sẽ học một bài học trong việc giải quyết xung đột: cuộc tranh cãi mang đến cho trẻ một ví dụ minh họa về cách thỏa hiệp và hòa giải – một bài học mà những đứa trẻ hiếm khi chứng kiến cuộc tranh cãi không được học.

7) Sổ tay ghi lòng biết ơn có hiệu quả thần kỳ

Trong một bài viết khác, tôi đã nói về những lợi ích đáng kinh ngạc khi có một cuốn sổ nhỏ ghi ra những điều mình biết ơn. Cách này cũng có hiệu quả với trẻ.

Những học sinh có một quyển sổ ghi chép những điều chúng cảm thấy biết ơn thường hạnh phúc hơn, lạc quan hơn và khỏe mạnh hơn.

Trong một ví dụ nổi tiếng, Tiến sĩ Robert Emmons thuộc trường Đại học California tại Davis đã yêu cầu các sinh viên giữ một quyển sổ biết ơn bên mình – trong thời gian hơn 10 tuần, các sinh viên này liệt kê ra 5 điều xảy ra trong tuần vừa qua mà họ cảm thấy biết ơn. Kết quả thật đáng kinh ngạc: những sinh viên ghi chép vào quyển sổ biết ơn này có mức độ hạnh phúc tăng hơn 25%, cảm thấy lạc quan hơn về tương lai và ít mắc bệnh hơn trong cuộc thử nghiệm đối chứng. Thậm chí họ còn tập thể dục nhiều hơn nữa.


Tác giả: Eric Barker

Nguồn: https://www.bakadesuyo.com/201...

Nguồn dịch: https://www.ubrand.global/cour...

Tâm lý học tội phạm 

- 25-12-2018 -

Bài viết liên quan