5 loại đau bụng kinh báo hiệu vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Đau bụng kinh có thể khó chịu với một số người và thường không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhưng đau dai dẳng lại là vấn đề khác.

Bạn chỉ nên lo ngại khi cơn đau bụng kinh đột ngột trở nên khác lạ. Có thể bạn từng chịu được cơn đau đó, nhưng khi cơn đau trở nên dữ dội bất thường hoặc cảm giác đau nhói tiếp tục xảy ra khi bạn đã hết kinh hoặc bạn ra máu hơn thường lệ rất nhiều thì lại là điều đáng quan tâm. Dù sự thay đổi diễn ra như thế nào, bạn cũng không nên bỏ qua.  

Hãy lưu ý các biểu hiện cơn đau sau đây và đi khám sớm nhé.

Đau quặn dữ dội và ra máu nhiều

Đó có thể là dấu hiệu của u xơ tử cung. U lành tính này có thể ở trong hoặc ngoài thành cơ tử cung. Mặc dù nguyên nhân không rõ ràng, nhưng u xơ tử cung rất phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ từ 30 đến hơn 40 tuổi. Cơn đau thực sự bắt nguồn từ phản ứng viêm hoặc đơn giản là u chèn vào tử cung.

Điều nên làm: Đến khám sản phụ khoa. Bác sĩ sẽ khám và xét nghiệm để xác định xem bệnh nhân có u xơ không và có cần phải phẫu thuật không. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vị trí và kích cỡ khối u (từ một chiếc cúc nhỏ cho đến quả bưởi). Bên cạnh đó, vì u xơ tử cung nhạy cảm với estrogen, uống những thuốc chẳng hạn như thuốc tránh thai có thể giúp đẩy lùi đau bụng.

Đau âm ỷ nhưng dai dẳng

Đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm vùng chậu (PID), một dạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng ở tử cung, buồng trứng và/hoặc vòi fallope. Bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu không được chữa chẳng hạn chlamydia hoặc lậu (cả hai bệnh đều không có triệu chứng điển hình) sẽ gây ra PID. Đau bụng có thể sẽ nhẹ, hầu như không nhói, nhưng gây khó chịu. Khi xảy ra cùng lúc với kinh nguyệt, cơn đau từ PID có thể sẽ tồi tệ hơn.   

Điều nên làm: đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế sớm nhất có thể mặc dù bệnh này thường  không đòi hỏi cấp cứu. Bác sĩ sẽ khám và làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác và kê thuốc kháng sinh càng sớm càng tốt. Tình trạng nhiễm khuẩn hoàn toàn có thể chữa trị, nhưng nếu bệnh không được chữa trong thời gian dài, mô sẹo sẽ hình thành trong đường sinh dục và ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Đau nhói một bên

Bạn có thể bị xoắn buồng trứng. Xoắn buồng trứng xảy ra khi một vật 'lạ' (chẳng hạn nang) khiến buồng trứng xoắn lại và chặn dòng chảy của máu. Cơn đau sẽ rất nặng và thực sự cần cấp cứu y tế, đôi khi có thể gây nguy hiểm, hoại tử buồng trứng dẫn đến mất chức năng buồng trứng và có thể phải cắt bỏ.

Điều nên làm: Nhanh chóng đến khoa cấp cứu ngay. Bác sĩ sẽ cần làm siêu âm hoặc xét nghiệm khác. Nếu bệnh đã được chẩn đoán xác định, bạn sẽ cần phẫu thuật nội soi cấp cứu. Đôi khi buồng trứng có thể được tháo xoắn và bảo toàn, tuy nhiên nếu nó chuyển màu đen hoặc không có dấu hiệu sinh tồn thì phải loại bỏ. Tuy nhiên, buồng trứng bên kia vẫn có thể đảm nhận việc rụng trứng và sản sinh estrogen để thực hiện tốt chức năng sinh sản của bạn.

Đau đớn không thuyên giảm dù đã uống thuốc

Bạn có thể bị lạc nội mạc tử cung, một bệnh khiến mô tử cung di chuyển đến và dính vào cơ quan khác chẳng hạn buồng trứng và vòi fallope. Qua thời gian, mô đó phát triển thành nang lành tính. Có đến 10% phụ nữ được cho rằng bị lạc nội mạc tử cung, theo Trường đào tạo sản phụ khoa Hoa Kỳ. Vì vậy một số trường hợp mất nhiều năm để chẩn đoán vì phần lớn phụ nữ cho rằng cơn đau của họ là bình thường và không đi khám. Cơn đau này thực sự ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và trong một số trường hợp, nó có thể gây đau khi quan hệ tình dục.

Điều nên làm: Hãy đi khám. Bác sĩ sẽ cho tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp. Vì mô bị lạc nhạy cảm với hormon, uống thuốc tránh thai hoặc thuốc nội tiết khác có thể ngừng cơn đau. Nhưng cách duy nhất để điều trị dứt điểm là phẫu thuật nội soi. Bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều mô càng tốt. Tuy nhiên bệnh này có khả năng tái phát.

5 loại đau bụng kinh báo hiệu vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Đau đáng kể sau khi đặt dụng cụ tử cung

Bạn có thể bị dị ứng với vòng tránh thai bằng đồng (loại không dùng hormon). Trong vòng 3 tháng đầu sau khi bác sĩ sản phụ khoa đặt dụng cụ nhỏ hình chữ T này vào tử cung bạn, một số trường hợp đau bụng được coi như bình thường vì cơ thể đang cố gắng thích ứng. 

Điều nên làm: Nếu cơn đau dai dẳng hoặc mới xuất hiện sau một thời gian không gặp vấn đề gì với dụng cụ tránh thai tử cung, bạn cần khám theo dõi và có thể cần siêu âm để đảm bảo dụng cụ ở vị trí đúng. Trường hợp này không có vấn đề gì nghiêm trọng. Có thể bác sĩ sẽ điều chỉnh lại dụng cụ, cơn đau bụng của bạn sẽ giảm đi.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan