Viêm mạch máu

Có nhiều thể loại viêm mạch. Một số thể bệnh chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn (cấp tính), trong khi một số thể bệnh khác diễn ra trong thời gian dài (mạn tính). Viêm mạch, còn được gọi là bệnh viêm động mạch, có thể rất nghiêm trọng khi các mô hay

Viêm mạch máu là gì?

Viêm mạch máu
(Ảnh minh họa)

Viêm mạch là tình trạng viêm của các mạch máu. Viêm mạch gây ra các thay đổi trên thành mạch máu, bao gồm dày lên, suy yếu, chít hẹp và sẹo hóa.
Có nhiều thể loại viêm mạch. Một số thể bệnh chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn (cấp tính), trong khi một số thể bệnh khác diễn ra trong thời gian dài (mạn tính). Viêm mạch, còn được gọi là bệnh viêm động mạch, có thể rất nghiêm trọng khi các mô hay bộ phận trong cơ thể vốn được cấp máu bởi các động mạch bị viêm không nhận được đủ máu. Tình trạng thiếu máu này có thể gây tổn thương mô và cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong.
Mọi người đều có thể bị viêm mạch, mặc dù một số thể bệnh viêm mạch xảy ra phổ biến hơn ở một nhóm người nhất định. Một số thể bệnh viêm mạch có thể tự cải thiện nhưng đa số cần được điều trị – thường là dùng dùng thuốc trong thời gian dài.

Triệu chứng của viêm mạch máu

Dấu hiệu và triệu chứng của các thể bệnh viêm mạch thường đa dạng, phụ thuộc vào loại mạch máu bị viêm và hệ thống cơ quan được cấp máu tương ứng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, triệu chứng mà nhiều bệnh nhân bị viêm mạch thường gặp bao gồm:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Đau cơ và khớp
  • Chán ăn
  • Các vấn đề về thần kinh, như cảm giác tê bì hay yếu cơ.

 Triệu chứng của một số thể viêm mạch cụ thể

  • Hội chứng Behçet: thể bệnh bao gồm tình trạng viêm của động mạch và tĩnh mạch, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 - 30. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm loét ở miệng và bộ phận sinh dục tái phát, viêm mắt tái phát, và tổn thương giống như mụn trứng cá (viêm nang lông) hoặc ban đỏ trên da.
  • Bệnh Buerger: còn được gọi là viêm mạch huyết khối có tắc nghẽn, gây viêm và hình thành các cục máu đông trong lòng mạch máu ở các chi. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm đau nhức ở bàn tay, cánh tay, cẳng chân, bàn chân và các vết loét trên ngón tay, ngón chân. Thể bệnh này liên quan chặt chẽ với hút thuốc lá.
  • Hội chứng Churg – Strauss: thể bệnh này, còn được gọi là bệnh u hạt dị ứng và viêm mạch dị ứng, thường ảnh hưởng đến các mạch máu trong phổi và có liên quan đến bệnh hen suyễn.
  • Cryoglobulinemia: thể bệnh này thường liên quan đến nhiễm virus viêm gan C. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm ban xuất huyết ở chi dưới, viêm khớp, suy nhược và tổn thương thần kinh.
  • Bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ: thể bệnh này thường gặp ở người hơn 50 tuổi. Bệnh thường gây viêm các động mạch trong đầu của bạn, đặc biệt là động mạch thái dương. Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm đau đầu khu trú, da đầu tăng nhạy cảm, đau hàm khi nhai, nhìn mờ hoặc nhìn đôi và thậm chí mù lòa. Bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ thường gặp kết hợp với một bệnh viêm khác là viêm đa cơ do thấp khớp, còn được gọi là polymyalgia rheumatica (PMR). PMR gây đau và viêm các khớp lớn như vai và hông. Triệu chứng bao gồm đau và xơ cứng các cơ của hông, đùi, vai, cánh tay và cổ.
  • Ban xuất huyết Henoch – Schonlein: bệnh xuất hiện do tình trạng viêm của các mạch máu trong da, khớp, ruột và thận. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp bao gồm đau bụng, tiểu ra máu, đau khớp và phát ban dạng xuất huyết ở bàn chân, chân và mông. Ban xuất huyết Henoch – Schonlein thường gặp ở trẻ em, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
  • Viêm mạch quá mẫn: Dấu hiệu đầu tiên của viêm mạch quá mẫn là xuất hiện chấm đỏ trên da. Bệnh có thể bị kích hoạt bởi tình trạng dị ứng, thường gặp nhất là do thuốc hoặc do nhiễm trùng.
  • Bệnh Kawasaki: còn được gọi là hội chứng hạch bạch huyết và niêm mạc, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm sốt, phát ban ở da và viêm mắt.
  • Viêm đa mạch nhỏ: thể bệnh viêm mạch này ảnh hưởng đến các mạch máu kích thước nhỏ ở thận, phổi và da. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm tổn thương trên da, sốt, sụt cân, viêm cầu thận – do viêm các mạch máu nhỏ trong thận – và tổn thương thần kinh.
  • Viêm nút quanh động mạch ( Polyarteritis nodosa): thể bệnh viêm mạch ảnh hưởng đến mạch máu vừa và nhỏ ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể bao gồm cả da, tim, thận, thần kinh ngoại biên, cơ và ruột. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm ban xuất huyết, loét da, đau cơ và khớp, đau bụng và tổn thương thận (tăng huyết áp, tiểu đạm, tiểu máu vi thể).
  • Bệnh viêm động mạch Takayasu: thể bệnh viêm mạch tác động đến các động mạch lớn nhất trong cơ thể bao gồm cả động mạch chủ và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm một cảm giác tê hay lạnh ở chi, giảm biên độ hoặc mất mạch, huyết áp cao, đau đầu và rối loạn thị giác (ít gặp).
  • U hạt với viêm đa mạch (Wegener): thường được biết đến với tên gọi là bệnh u hạt Wegener. Bệnh gây viêm các mạch máu trong mũi, xoang, họng, phổi và thận. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm nghẹt mũi, viêm xoang mạn tính và chảy máu cam. Thận thường hay bị ảnh hưởng nhưng đa số bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng đến khi bệnh tiến triển nặng hơn.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, hãy đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Lồng ngực - Mạch máu trên hệ thống khám từ xa Wellcare để được tư vấn và hướng dẫn điều trị.

Nguyên nhân gây viêm mạch máu

Viêm mạch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn nhận lầm tế bào mạch máu là vật lạ. Hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các tế bào này như những tác nhân xâm nhập cơ thể khác, ví dụ như vi khuẩn hoặc virus. Chúng ta chưa hiểu rõ lý do vì sao hiện tượng này xảy ra nhưng bệnh thường bị kích hoạt bởi các yếu tố như nhiễm trùng, một số ung thư, tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc một phản ứng dị ứng.
Các mạch máu bị ảnh hưởng bởi viêm mạch sẽ có phản ứng viêm và có thể làm các lớp của thành mạch máu dày lên. Hiện tượng này gây hẹp lòng mạch máu, làm giảm lượng máu cũng như oxy và dưỡng chất được cung cấp đến các mô trong cơ thể. Trong một số trường hợp, hình thành cục máu đông trong lòng mạch làm cản trở máu lưu thông. Đôi khi thay vì lòng mạch bị hẹp lại thì thành mạch lại bị suy yếu và hình thành một túi phình ( gọi là phình mạch), một tổn thương có thể đe dọa tính mạng.

Viêm mạch không rõ nguyên nhân (viêm mạch nguyên phát)

Đối với một số thể bệnh thì chúng ta không biết nguyên nhân gây ra viêm mạch, khi đó được gọi là viêm mạch nguyên phát.

Viêm mạch xảy ra do một bệnh khác (viêm mạch thứ phát)

Viêm mạch xảy ra do một tình trạng bệnh được gọi là viêm mạch thứ phát. Các nguyên nhân gây viêm mạch thứ phát có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng: một số viêm mạch xảy ra do đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng. Ví dụ như hầu hết các trường hợp cryoglobulinemia là hậu quả của sự nhiễm virus viêm gan C, và sự nhiễm virus viêm gan B cũng có thể gây ra viêm nút quanh động mạch.
  • Bệnh hệ thống miễn dịch: viêm mạch có thể xảy ra thứ phát sau một số bệnh miễn dịch hệ thống như viêm khớp dạng thấp, lupus và xơ cứng bì.
  • Phản ứng dị ứng: đôi khi bị dị ứng với thuốc cũng có thể gây ra viêm mạch.
  • Ung thư tế bào máu: ung thư các tế bào máu như bệnh bạch cầu và lymphoma đều có khả năng gây ra viêm mạch.

Biến chứng của viêm mạch máu

Các biến chứng của viêm mạch phụ thuộc vào thể bệnh viêm mạch mà bạn mắc. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Tổn thương cơ quan . Một số thể viêm mạch có thể nghiêm trọng, gây tổn thương cho các cơ quan lớn.
  • Viêm mạch tái phát . Ngay cả khi điều trị viêm mạch bước đầu đã thành công, bệnh vẫn có thể tái phát và cần điều trị bổ sung. Trong một số trường hợp khác, viêm mạch có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn và cần được điều trị liên tục.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm mạch máu

Để chẩn đoán viêm mạch, bác sĩ sẽ hỏi bạn về triệu chứng và tiền sử bệnh rồi sẽ thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng. Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán viêm mạch bao gồm:

  • Xét nghiệm máu. Các xét nghiệm máu giúp chẩn đoán viêm mạch bao gồm xét nghiệm đánh giá phản ứng viêm như tốc độ lắng máu và C-reactive protein (CRP). Xét nghiệm công thức máu sẽ cho biết bạn có bị thiếu máu không. Xét nghiệm tìm kháng thể – như là kháng bào tương bạch cầu đa nhân (antineutrophil cytoplasmic antibodies test) sẽ cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.
  • Xét nghiệm nước tiểu: các bất thường như xuất hiện hồng cầu và protein lượng nhiều trong nước tiểu có thể là chỉ điểm của bệnh lý. Nếu viêm mạch đã ảnh hưởng đến thận, tiên lượng bệnh của bạn sẽ xấu hơn.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể xác định liệu các động mạch lớn như động mạch chủ và các nhánh của nó có bị ảnh hưởng không nhờ các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn. Các phương pháp này bao gồm X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ.
  • Chụp mạch máu cản quang (động mạch đồ): Trong khi chụp mạch, một ống thông mềm, giống như một ống hút, được đưa vào trong lòng một động mạch hoặc tĩnh mạch lớn. Sau đó, một loại thuốc nhuộm đặc biệt (gọi là chất cản quang) sẽ được tiêm vào ống thông. Khi chất cản quang lấp đầy mạch máu sẽ tiến hành chụp X-quang. Các hình ảnh của hệ thống mạch máu có thể quan sát được trên kết quả chụp X-quang.
  • Lấy một đoạn mạch máu bị ảnh hưởng để làm xét nghiệm (còn gọi là sinh thiết). Thủ thuật để lấy một mẫu mô nhỏ (làm sinh thiết) của mạch máu hoặc cơ quan bị ảnh hưởng như da, thận, phổi và thần kinh sẽ giúp bác sĩ tìm các dấu hiệu của viêm mạch tại mô.

Điều trị viêm mạch máu

Điều trị đặc hiệu cho viêm mạch phụ thuộc vào thể loại, độ nặng của bệnh và tình trạng sức của bạn. Mặc dù một số loại viêm mạch có thể tự giới hạn và biến mất như ban xuất huyết Henoch – Schonlein, nhưng một số loại khác cần được điều trị.
Thuốc dùng để điều trị viêm mạch bao gồm:

  • Steroid để kiểm soát tình trạng viêm . Corticosteroid tùy vào liều lượng dùng để điều trị cho nhiều loại viêm mạch như prednisone hoặc methylprednisolone (Medrol), để kiểm soát tình trạng viêm. Tác dụng phụ của corticoid có thể nghiêm trọng, đặc biệt khi dùng thuốc trong thời gian dài. Tác dụng phụ có thể bao gồm tăng cân, đái tháo đường và loãng xương. Bạn sẽ được kê toa liều steroid thấp nhất mà vẫn đủ để kiểm soát bệnh.
  • Thuốc để kiểm soát miễn dịch . Trường hợp viêm mạch nặng hoặc không đáp ứng đầy đủ với corticosteroid có thể cần được điều trị bằng thuốc độc tế bào để tiêu diệt các tế bào miễn dịch gây ra phản ứng viêm. Nhóm thuốc này bao gồm azathioprine (Azasan, Imuran) và cyclophosphamide (Cytoxan). Một loại thuốc khác giúp làm ổn định các phản ứng viêm của hệ miễn dịch là rituximab (Rituxan). Thuốc này đã được phê chuẩn dùng chung với corticosteroid để điều trị viêm đa mạch trong bệnh u hạt Wegener và viêm nhiều mạch nhỏ (microscopic polyangiitis). Các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng thành công các loại thuốc làm thay đổi đáp ứng miễn dịch trong điều trị viêm mạch. Các loại thuốc đã được sử dụng nhưng vẫn còn đang tiếp tục được đánh giá bao gồm mycophenolate (Cellcept), infliximab (Remicade), adalimumab (Humira) và Anakinra (Kineret).

Biên dịch - Hiệu đính:

Nguồn: Y học cộng đồng

- 17-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Hantan thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Vi rút Hantan còn viết là vi rút Hantaan (genus Hantavirus, thuộc họ Bunyaviridea) có thể gây bệnh cho người nhưng không gây bệnh cho các loài gặm nhấm. Người
  • 17-10-2018

    Nữ hóa tuyến vú là sự phì đại mô vú ở nam giới. Dấu hiệu ban đầu là một khối mô đàn hồi hoặc khá rắn dưới hai đầu núm vú và sau đó lan rộng ra ngoài vùng vú. Phần mô phình to không phải là mô mỡ mà là mô các tuyến. 50% số trường hợp, sự phình to xảy

  • 28-05-2018
    Tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều mà không bắt nguồn từ các hoạt động mạnh như tập thể dục hay ở nơi có nhiệt độ cao. Tăng tiết mồ hôi có liên quan đến mùi mồ hôi bất thường (mùi mồ hôi của cơ thể). Bạn có thể đổ mồ hôi quá nhiều đến
  • 04-10-2018

    Ung thư phổi không lây nhiễm qua đường hô hấp. Virus gây ung thư chỉ cư trú và phát triển trong cơ thể bệnh nhân và hình thành những khối u có thể di căn gây tổn hại hệ hô hấp, phá vỡ hệ miễn dịch.

  • 28-05-2018
    Viêm loét dạ dày-tá tràng là hiện tượng viêm và mất chất của niêm mạc dạ dày-tá tràng. Viêm loét dạ dày-tá tràng là một bệnh khá phổ biến, với chừng 5 - 10% dân số có viêm loét dạ dày-tá tràng trong suốt cuộc đời mình và nam giới hay gặp gấp 4 lần nữ
  • 28-05-2018
    Viêm gan tự miễn là một bệnh mãn tính, khi mắc bệnh này hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tấn công các tế bào bình thường của gan, gây ra viêm nhiễm và làm tổn thương gan.