Viêm kết mạc

Bệnh viêm kết mạc cấp, còn được gọi bằng một cái tên dân dã là “đau mắt đỏ”. Đây là một bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng nên thường phát triển thành dịch. Bệnh gặp phổ biến ở nước ta, thường là vào mùa hè. Trong đó, ở các thành phố lớn gặp nhiều hơn

Viêm kết mạc là gì?

Bệnh viêm kết mạc cấp, còn được gọi bằng một cái tên dân dã là “đau mắt đỏ”. Đây là một bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng nên thường phát triển thành dịch. Bệnh gặp phổ biến ở nước ta, thường là vào mùa hè. Trong đó, ở các thành phố lớn gặp nhiều hơn ở nông thôn do mật độ dân cư đông hơn.
Kết mạc là một lớp niêm mạc mỏng, trong suốt bao phủ mặt sau của mi, cùng đồ và mặt trước củng mạc. Nó liên tiếp với da mi ở bờ mi (gọi là đường xám) và liên tiếp với biểu mô giác mạc ở vùng rìa. Như vậy, kết mạc mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên nó rất dễ bị nhiễm các yếu tố gây bệnh và ngược lại khi bị viêm thì các yếu tố gây bệnh rất dễ phát tán ra ngoài và lây cho những người khác.

Phân loại

Viêm kết mạc do vi khuẩn
  • Triệu chứng cơ năng: Buổi sáng mắt dính, khó mở, nhiều dử mắt.
  • Triệu chứng thực thể: Có nhiều dử mắt (thường ở một mắt), mắt có màu đỏ như thịt bò tươi.
Viêm kết mạc do vi-rút
  • Triệu chứng cơ năng: Chảy nước mắt nhiều, cảm giác có vật lạ ở trong mắt. Lây lan thường xuất hiện vào mùa có dịch.
  • Triệu chứng thực thể: Mắt đỏ nhiều, sưng; thường bị cả hai mắt, có thể chảy máu ở củng mạc, có hạch hai bên dái tai, đôi khi sốt.
Viêm kết mạc do dị ứng
  • Triệu chứng cơ năng: Ngứa nhiều, chảy nước mắt, tái phát thường xuyên. Bệnh không lây lan, thường xuất hiện theo mùa.
  • Triệu chứng thực thể: Phù củng mạc (tròng trắng).
Mắt khô
  • Triệu chứng cơ năng: Cảm giác như bỏng, khô, dính mắt, không muốn mở mắt, như có vật lạ trong mắt.
  • Triệu chứng thực thể: Củng mạc không bóng; thấy ở những người ít nhắm mắt, làm việc trong môi trường khô (như làm việc trước màn hình vi tính trong thời gian lâu, nơi gió cát), người cao tuổi, uống các loại thuốc dị ứng, an thần... lâu ngày hay nhỏ thuốc trị cườm nước.
Viêm bờ mi
  • Triệu chứng cơ năng: Mắt đỏ kinh niên (ở bờ mi mắt), cảm giác như có vật lạ, khi nặng sẽ làm mắt toét.
  • Triệu chứng thực thể: Có vảy chân lông mi, bờ mi đỏ.
Viêm do nhiễm độc
  • Triệu chứng cơ năng: Không đỏ nhiều nhưng bị kinh niên không lúc nào dứt. Có tiền căn dùng lâu dài loại thuốc nhỏ chứa chất bảo quản gây độc cho mắt. Mắt có cảm giác khó chịu, không có dử, không nhức.
  • Triệu chứng thực thể: Lộn mi thấy có sẹo, không đỏ nhiều.

Triệu chứng, biểu hiện bệnh viêm kết mạc

Triệu chứng, biểu hiện bệnh viêm kết mạc

Khi bị bệnh, bệnh nhân sẽ thấy mắt ngứa, cộm, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều tiết tố ở mắt.
Đôi khi sáng ngủ dậy tiết tố viêm làm cho hai mi dính chặt lại nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Bệnh nhân thấy nhìn khó nhưng thị lực thường không giảm (trừ khi có biến chứng viêm giác mạc).

Nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc

Nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc

Viêm kết mạc cấp do rất nhiều nguyên nhân: do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, tạp khuẩn,...), do virus (Adeno, Herpes,...), do ký sinh trùng,... Tuy nhiên, bệnh viêm kết mạc cấp có thể phát triển thành dịch (gọi là dịch đau mắt đỏ) thì nguyên nhân chủ yếu là do Adenovirus. Thời gian ủ bệnh (từ khi bị nhiễm đến khi xuất hiện bệnh) thường kéo dài 3 ngày.
Viêm kết mạc do vi khuẩn gram âm Koch-Weeks gây ra thường hay lây và dễ thành dịch. Có trường hợp từ một người lây cho cả nhà rồi lan ra cộng đồng, nhất là ở cơ quan, trường học.

Biến chứng bệnh viêm kết mạc

  • Bệnh viêm kết mạc cấp có thể khỏi hoàn toàn trong vòng 1-2 tuần không để lại di chứng gì, tuy nhiên nó có thể gây ra một số hậu quả ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.
  • Bệnh có thể gây nên tổn thương giác mạc như viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc chấm nông gây giảm thị lực kéo dài và có thể lây lan thành dịch làm cho nhiều người cùng bị bệnh.
  • Bệnh viêm kết mạc ở trẻ nhỏ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và học tập của trẻ. Đây lại là nhóm bệnh về mắt phổ biến nhất nên rất cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ và thầy cô giáo.
Bệnh thường gặp vào mùa xuân do thời tiết ấm và ẩm rất thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và có nhiều phấn hoa.

Điều trị bệnh viêm kết mạc

 
Khi bị bệnh, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa mắt để có chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý.
  • Dùng kháng sinh tra tại mắt: Hiện nay có rất nhiều kháng sinh phổ rộng như: tobrex, oflovid, okacin... có thể tra mắt 6-8 lần mỗi ngày. Khi bệnh nhân có sốt, sưng hạch, viêm họng, có thể dùng một số kháng sinh như: erythromyxin, cephalexin...
  • Khi có sốt, đau nhức, có thể dùng thuốc chống viêm, giảm đau: paracetamol...; dùng thuốc chống viêm giảm phù nề như: alphachymotrypsine, amitase;... các vitamin nhóm B, C giúp tăng cường sức đề kháng
  • Không có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu quả bệnh đau mắt đỏ do virus gây nên. Vì thế, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, có các viêm nhiễm phối hợp hay không… Người bệnh cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối, tra thuốc mắt theo đúng chỉ định. Người bệnh cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Việc này tuy không thể loại trừ hết nguy cơ lây bệnh nhưng giúp giảm thiểu khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.
  • Chưa có thuốc đặc trị cho viêm kết mạc dịch, bệnh có xu hướng tự khỏi trong 7-10 ngày. Thông thường bệnh được chỉ định dùng các thuốc diệt virus dùng uống, tra, nhỏ mắt được bác sĩ kê đơn trong những trường hợp cụ thể. Dùng kháng sinh nhỏ mắt phổ rộng hay kháng sinh kết hợp với cortizol nhỏ mắt. Nhỏ nước muối nhiều lần trong ngày để rửa sạch mắt.
  • Nhỏ nước muối natri clorid 0,9% thường xuyên để rửa sạch mắt hàng ngày.
  • Quan điểm dùng thuốc nói chung hay các thuốc có cortizol nói riêng là phải rất thận trọng. Khi dùng phải có ý kiến của bác sĩ. Dừng thuốc khi đã đạt mục đích điều trị. Khi dừng thuốc cần giảm liều dần dần, có theo dõi và khám lại theo hẹn.
  • Bệnh nhân khi bị bệnh đau mắt đỏ nên đến cơ sở điều trị chuyên khoa để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý dùng thuốc. Thông thường, đau mắt đỏ có tiến triển lành tính, có thể khỏi trong 1 tuần. Nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng gây tổn thương trên giác mạc (lòng đen), ảnh hưởng đến thị lực, lúc đó, việc điều trị rất dai dẳng.
Lưu ý: Không tự ý tra thuốc bừa bãi. Cẩn thận khi dùng thuốc có thành phần corticoid. Không nên dùng biện pháp xông lá vào mắt.

Chế độ chăm sóc bệnh nhân viêm kết mạc

Khi bạn nghi con mình bị viêm kết mạc, cách tốt nhất là hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám và chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Bệnh viêm kết mạc do virus có thể tự khỏi, thường là sau 3-4 ngày mà không cần dùng thuốc, nhưng thay vào đó, bạn cần cho con ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng tốt với bệnh. Có thể dùng khăn bông riêng, thấm nước đun sôi để hơi ấm tay lau mắt cho con một cách nhẹ nhàng mỗi khi thấy trẻ ngứa ngáy hay khó chịu vì dịch tiết ở mắt.
Để tránh làm lây lan bệnh hoặc tái nhiễm khuẩn, hãy thường xuyên rửa tay cho bé và cho bạn, đặc biệt là sau khi lau chùi vùng mắt bị nhiễm khuẩn. Không nên dùng chung khăn tắm, khăn lau mặt, lọ thuốc nhỏ mắt.

Phòng ngừa bệnh viêm kết mạc

Phòng ngừa bệnh viêm kết mạc

  • Luôn vệ sinh sạch sẽ, khi đi đường bụi phải đeo kính, tra nước muối sinh lý để rửa mắt.
  • Khi có người bị viêm kết mạc cấp thì phải có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người khác như: dùng riêng khăn và chậu rửa mặt, đeo kính và đeo khẩu trang, hạn chế đến những nơi đông người khi không cần thiết (trẻ em nên cho nghỉ học để tránh lây nhiễm cho những em khác). Trước khi dùng các vật dụng chung phải rửa tay với xà phòng.
  • Tránh tiếp xúc với bệnh nhân đau mắt đỏ. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn.
  • Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, có dử mắt, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để phòng biến chứng bệnh.
  • Nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mắt nhiều lần trong ngày. Rửa mắt làm trôi đi mầm bệnh, đẩy dử ra ngoài, làm ẩm và dịu cho bề mặt nhãn cầu. Có thể rửa mắt mỗi khi thấy kèm nhèm hoặc trung bình 10 lần/ngày.
  • Nước mắt nhân tạo, chất làm ẩm hay bôi trơn nhãn cầu có độ nhớt thấp cũng có thể dùng cho đau mắt đỏ với tác dụng như trên và đem lại cảm giác dễ chịu cho mắt. Cũng cần nói thêm là nước muối hay nước mắt nhân tạo không làm kết thúc nhanh diễn tiến của bệnh.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Tắc tuyến lệ là tình trạng ống lệ bị tắc ngăn dòng chảy của nước mắt từ mắt xuống mũi. Bệnh này có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt. Nước mắt có tác dụng làm sạch mắt và giữ cho bề mặt của mắt luôn ẩm. Chúng được sản
  • 28-05-2018
    Herpes simplex có hai chủng là herpes simplex loại 1 (HSV-1) và loại 2 (HSV-2). Nhiễm virus herpes được phân loại dựa trên bề mặt bị nhiễm bệnh; ví dụ Herpes miệng có các triệu chứng nhìn thấy được như: lở loét, lạnh hoặc sốt, herpes miệng là hình thức
  • 29-10-2018

    Tham khảo danh sách các loại thuốc được chỉ định để điều trị bệnh COPD của Cục y tế dự phòng...

  • 28-05-2018
    Trẻ mắc hội chứng Đao có khuôn mặt khá điển hình với đầu nhỏ, mặt bẹt, lưỡi thè, mắt xếch, mũi tẹt, cổ ngắn (hình 1). Ngoài ra trẻ còn có thể có biểu hiện yếu cơ, bàn tay rộng và ngắn, ngón tay ngắn. Trẻ mắc bệnh này phát triển chậm, thường nhỏ con hơn
  • 28-05-2018
    Bệnh Paget ở xương là chứng rối loạn bất thường trong quá trình hình thành và xây dựng cấu trúc xương. Thông thường, các tế bào xương cũ sẽ dần được thay thế bởi các tế bào xương mới. Bệnh Paget có khả năng ngăn chặn quá trình thay thế này. Qua thời
  • 28-05-2018
    1. Thế nào là điếc? Người điếc là người không có khả năng nghe như người có sức nghe bình thường. Có nhiều mức độ điếc khác nhau : + Nghe bình thường: có thể nghe được cả lời nói thầm. + Điếc nhẹ: chỉ nghe được lời nói bình thường khi đứng cách 1 mét.