Phản xạ ho bảo vệ đường hô hấp của phổi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ nếu bạn bị ho kéo dài hơn ba tuần. Nếu bạn khó thở, ho ra máu hoặc có vấn đề không được giải thích như sụt cân hoặc sốt, bạn nên đi khám bác sĩ đa khoa ngay lập

Ho là gì?

Ho là một hoạt động cơ (phản xạ) tự động làm khí đi lên và ra khỏi đường hô hấp dưới (phổi) và đường hô hấp trên (khí quản, mũi và miệng). Bạn có thể ho để làm sạch họng của bạn nếu bạn sặc thức ăn và nó đi vào khí quản của bạn thay vì đi xuống ống dẫn thức ăn (thực quản). Hoặc bạn có thể cần phải ho nếu bạn hít vào hóa chất hoặc khói gây kích ứng đường hô hấp của bạn. Phản xạ ho bảo vệ đường hô hấp của phổi.
Triệu chứng ho được phân loại như sau:
  • Cấp tính, có nghĩa là ho kéo dài ít hơn 3 tuần.
  • Bán cấp, nếu ho kéo dài 3-8 tuần.
  • Mạn tính, có nghĩa là ho kéo dài lâu hơn 8 tuần.
Tất cả chúng ta đều có thể bị ho nếu cần làm sạch đường hô hấp. Ho cấp tính thường được cải thiện sau một tuần. Nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm virus gây chảy nước mũi và ho. Nhiễm virus có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường bị 5-6 đợt nhiễm virus mỗi năm, đặc biệt trong những tháng mùa đông. Ho mạn tính thường gặp, xảy ra ở 1 đến 2 người trên 10 người lớn.

Nguyên nhân gây ho

Các nguyên nhân thường gặp của ho cấp tính (kéo dài ít hơn ba tuần)
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho cấp tính. Nguyên nhân là do nhiễm mầm bệnh (virus). Hầu như loại ho này luôn được cải thiện tốt hơn trong vòng một tuần, mà không cần điều trị đặc hiệu. Triệu chứng có thể xảy ra đến ba tuần.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Nguyên nhân này ít phổ biến, có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi nghiêm trọng hơn như viêm phế quản hoặc viêm phổi. Chúng có thể được gây ra bởi nhiễm mầm bệnh (virus, vi khuẩn hoặc nấm).
  • Hen phế quản: gây khò khè, khó thở và ho vào ban đêm, khi gặp không khí lạnh và khi gắng sức. Một nhiễm trùng có thể làm cho các triệu chứng của bệnh hen nặng hơn nhiều, gọi là cơn hen phế quản cấp.
  • Chất kích ứng (khói hoặc hơi hóa chất) mà bạn hít vào có thể gây kích ứng đường hô hấp.
Các nguyên nhân thường gặp của ho bán cấp (kéo dài 3-8 tuần)
  • Đường thở hồi phục chậm sau một đợt nhiễm trùng. Trong trường hợp này các mầm bệnh đã qua đi, nhưng đường hô hấp của bạn vẫn còn phù nề và kích thích làm cho bạn tiếp tục ho. Đây gọi là sự tăng đáp ứng đường thở.
  • Ho gà.
  • Các nhiễm khuẩn khác có thể gây ho kéo dài chẳng hạn như bệnh lao.
Các nguyên nhân thường gặp của ho mạn tính (kéo dài hơn tám tuần)
  • Chảy dịch mũi sau. Đây là một tình trạng mà đờm (chất nhầy) trong mũi chảy xuống thành sau họng khi bạn nằm. Nó có thể được gây ra bởi bất cứ điều gì làm cho mũi của bạn tạo ra nhiều dịch. Điều này bao gồm dị ứng, sốt cỏ khô và polyp mũi cũng như nhiễm trùng.
  • Trào ngược axit. Axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và tràn vào đường hô hấp.
  • Bệnh hen phế quản. Hen phế quản không được chẩn đoán hoặc không được điều trị đầy đủ gây ho.
  • Tác dụng phụ của thuốc. Ví dụ, các loại thuốc ức chế men chuyển (angiotensin-converting enzyme -ACE), được sử dụng để điều trị cao huyết áp có thể gây ra ho.
  • Bệnh phổi do hút thuốc – bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tổn thương phổi gây ho và khó thở nặng dần lên. Điều này chủ yếu ảnh hưởng đến người hút thuốc.
  • Các chất kích ứng như khói thuốc lá. Có thể là khói thuốc lá của bạn hoặc tiếp xúc với khói thuốc của người khác (hút thuốc thụ động).
Các nguyên nhân gây ho ít gặp
  • Dị vật. Thức ăn có thể đi xuống khí quản thay vì thực quản. Các vật khác cũng có thể bị hít vào do tai nạn, chẳng hạn như các loại hạt, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Ung thư phổi: người hút thuốc dễ bị hơn.
  • Bệnh xơ nang. Đây là một bệnh di truyền ảnh hưởng đến phổi và gây ho mãn tính.
  • Tràn khí màng phổi. Trong trường hợp này, khí bị giữ ngoài phổi, trong lồng ngực.
  • Giãn phế quản. Đây là tình trạng mà đường dẫn khí của phổi giãn quá mức và tăng sản xuất chất nhầy.
  • Một cục máu đông ở trong phổi (thuyên tắc phổi).

Chẩn đoán bệnh

Bác sĩ sẽ muốn biết tình trạng ho kéo dài bao lâu và các triệu chứng khác nếu có. Đặc biệt, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng gợi ý tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn. Những triệu chứng báo động mà có thể gợi ý bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng:
  • Ho ra máu
  • Sụt cân
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Khó thở
Bác sĩ có thể sẽ hỏi:
  • Ho xuất hiện đột ngột hay phát triển theo thời gian? Yếu tố khởi phát? đã kéo dài bao lâu?
  • Bạn ho khi nào? Ho có nặng lên khi gắng sức không?
  • Bạn có khó thở ngay cả lúc bạn không ho?
  • Bạn có đau ngực không?
  • Bạn có ho ra đờm (chất nhầy)? Đờm có màu gì? Có máu không?
  • Bạn có cảm thấy không khỏe? Bạn có sốt, sụt cân hoặc đổ mồ hôi?
  • Bạn có bị sụt cân không?
  • Bạn có vừa tiếp xúc với ai mắc bệnh lao hoặc đi du lịch ở nước ngoài trong thời gian gần đây?
  • Bạn có hút thuốc không?
  • Nghề nghiệp của bạn là gì?
  • Gần đây bạn có bắt đầu dùng loại thuốc mới nào không?
Những chi tiết này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán. Bác sĩ sẽ thăm khám cho bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra họng, phổi và tim. Bạn có thể được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chức năng phổi bao gồm xét nghiệm thổi gọi là đo lưu lượng đỉnh. Một xét nghiệm thổi khác có thể được thực hiện bởi bác sĩ đa khoa được gọi là đo hô hấp ký. Bạn có thể được chụp X-quang ngực. Các xét nghiệm khác về phổi của bạn có thể làm nếu cần thiết.

Phương pháp điều trị

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra ho.
Đối với ho cấp tính do nhiễm virus, chỉ cần điều trị đơn giản, bao gồm xông hơi nước hoặc mật ong và chanh để làm dịu họng của bạn. Nếu bạn cảm thấy không khỏe do sốt hoặc đau nhức thì có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen. Cơn ho sẽ biến mất dần theo thời gian.
Bạn sẽ được khuyến cáo ngưng hút thuốc lá nếu bạn có hút thuốc. Bạn sẽ được cung cấp thuốc xịt nếu bạn bị hen phế quản. Nếu ho do thuốc điều trị tăng huyết áp, bạn có thể chuyển sang loại khác. Nếu có khả năng bị nhiễm khuẩn, bạn có thể được kê kháng sinh. Xịt mũi steroid có thể giúp điều trị chảy dịch mũi sau. Giảm cân, ngưng sử dụng các thực phẩm có acid, rượu và sử dụng thuốc để ngăn chặn axit trong dạ dày đều có thể giúp điều trị trào ngược axit.
Bạn có thể được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp để thực hiện thêm các kiểm tra. Hầu hết các trường hợp sẽ được xử trí bởi bác sĩ đa khoa nhưng bạn có thể được chuyển đi để làm các thăm dò sâu hơn và điều trị tại bệnh viện.
Phòng ngừa ho
Hình minh họa (Nguồn: Wiki Visual)

Phòng tránh ho

Bạn sẽ cần phải tìm ra nguyên nhân và cố gắng giải quyết nó nếu có thể. Không hút thuốc hay tìm sự giúp đỡ để bỏ thuốc lá, bởi vì tất cả các nguyên nhân nghiêm trọng thường gặp của ho mãn tính hay ảnh hưởng đến người hút thuốc hơn. Cố gắng tránh những nơi bụi bặm hoặc khói thuốc. Sử dụng thuốc hen suyễn của bạn như được hướng dẫn. Tránh sử dụng các loại thuốc ho tự kê toa. Bạn có thể uống paracetamol hay ibuprofen trong trường hợp sốt và ngậm các chất lỏng nếu họng của bạn cảm thấy đau rát do ho. Sản phẩm có chứa codeine có thể giúp bạn giảm ho nhưng thường có tác dụng phụ không mong muốn như táo bón và buồn ngủ.


Xử trí khi bị ho

Điều này sẽ phụ thuộc vào ho đã kéo dài bao lâu và bạn cảm thấy sức khỏe giảm sút thế nào. Nếu bạn thấy khỏe và ho không kéo dài lâu, bạn có thể không cần phải làm bất cứ điều gì mà chỉ chờ đợi cho nó cải thiện. Biện pháp đơn giản như mô tả ở trên có thể giúp ích trong khi bạn chờ đợi cho tình trạng ho diễn tiến theo cách riêng của nó. Gọi bác sĩ của bạn nếu ho kéo dài hơn 3 tuần và không được cải thiện. Nhanh chóng gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy rất không khỏe, hoặc nếu bạn có các triệu chứng báo động. Sử dụng ống thuốc xịt giảm triệu chứng theo hướng dẫn nếu bạn bị hen phế quản.
Bạn nên gọi xe cấp cứu 115 nếu bạn ho nghiêm trọng và khó thở kéo dài hơn vài phút. Nếu không, bạn nên gọi bác sĩ đa khoa của bạn nếu lo lắng.

(nguồn Y tế cộng đồng)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 17-10-2018

    Ung thư võng mạc là dạng ung thư khởi phát ở võng mạc, lớp cuối cùng bên trong mắt. Bệnh gây ra do một khối u ác tính ở mắt. Nó ảnh hưởng đến võng mạc và mô thần kinh mỏng ở sau mắt. Ung thư võng mạc có thể ảnh hưởng ở một hoặc cả hai mắt. Đây là bệnh

  • 28-05-2018
    Suy giảm thính lực bẩm sinh thường được gọi là điếc bẩm sinh xảy ra do tổn thương cơ quan thính giác ngay từ thời kỳ bào thai, nên ngay sau khi sinh ra trẻ đã bị giảm thính lực.
  • 28-05-2018
    Bệnh bụi phổi amiăng là tình trạng xơ phổi do hít phải bụi amiăng. Amiăng là tên của một nhóm sợi tự nhiên từng được sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp vì nó có khả năng chịu nóng tốt và có thể dùng để cách nhiệt. Khoảng thời gian kể từ khi bắt đầu
  • 28-05-2018
    Tinh hoàn là tuyến sinh dục nam có chức năng sinh tinh (trùng) và hormone giới tính. Cả hai tinh hoàn thường nằm trong bìu, cạnh gốc dương vật. Ở hầu hết các bé trai, tinh hoàn ban đầu phát triển ở bụng sau đó di chuyển xuống bìu trước hoặc sau khi sinh
  • 28-05-2018
    Rối loạn ham muốn: Khi bạn không quan tâm hay có ít ham muốn trong quan hệ tình dục hơn thường ngày.
  • 28-05-2018
    Viêm mào tinh hoàn là tình trang sưng viêm ở ống cuộn kết nối tinh hoàn với ống dẫn tinh, cung cấp không gian và môi trường cho tinh trùng trưởng thành. Ống cuộn này gọi là mào tinh hoàn.