Các rối loạn trí nhớ

Chúng ta có thể hiểu trí nhớ là quá trình tâm lý có chức năng ghi nhận, bảo tồn và cho tái hiện lại những kinh nghiệm và tri thức cũ dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Các rối loạn về trí nhớ rất hay gặp trong đời sống hàng ngày, nó gia tăng trong trạng thái mệt mỏi, stress, nhiễm độc và các rối loạn tâm thần. 

(Ảnh minh họa)

Hãy cùng chúng tôi khám phá các hiện tượng rất thú vị sau: 

1. Giảm nhớ (Hypomnesia) 

Là tình trạng kém nhớ những sự việc mới xảy ra hay những sự việc cũ. Có thể gặp trong các rối loạn thực thể não.

2. Tăng nhớ (Hypermnesia) 

Là nhớ lại những sự việc rất cũ, cả những sự việc không quan trọng với đầy đủ chi tiết, thường gặp trong trạng thái hưng cảm (mania), rối loạn nhân cách.

3. Quên (Amnesia)

- Quên toàn bộ là quên tất cả những sự việc cũ và mới thuộc mọi lĩnh vực, gặp trong sa sút tâm thần nặng. 

- Quên từng phần là quên một số kỷ niệm, quên ngoại ngữ, quên thao tác nghề nghiệp. 

- Quên thuận chiều là quên do mất khả năng ghi nhận những sự việc xảy ra ngay sau một sự kiện đặc biệt như chấn thương đầu, rối loạn hoạt động não hoặc do tác dụng của các chất ma túy. 

- Quên ngược chiều là quên do mất khả năng nhớ lại những sự việc xảy ra trước một sự kiện chấn thương trong một khoảng thời gian nào đó. Khi trí nhớ phục hồi, những sự việc cũ sẽ nhớ lại trước, các sự việc mới sẽ nhớ lại sau (định luật Ribot). Hay gặp trong chấn thương sọ não.

- Quên trong cơn là chỉ quên những sự việc xảy ra trong cơn (cơn động kinh) hay trong ngộ độc rượu... 

- Quên phân ly (quên phân tách) nghĩa là mất khả năng gợi lại những khía cạnh quan trọng. Hay gặp trong phản ứng stress cấp.

4. Loạn nhớ (Paramnesia) 

- Nhớ giả (Pseudoreminiscense): Tức là, đối với những sự việc có thật trong đời sống của một người, diễn ra trong một khoảng không gian và thời gian nào đó nhưng người đó lại nhớ vào một thời gian và không gian khác. Ví dụ: sự việc đã xảy ra từ rất lâu, lại khẳng định là mới xảy ra ngày hôm qua. 

- Bịa chuyện (Confabulation):  

  • Người bệnh lấp đầy các khoảng trống trong trí nhớ một cách vô thức bằng các trải nghiệm tưởng tượng hoặc không có thật, mà người đó tin là đúng và không hề biết là mình bịa ra (khác với nói dối).  
  • Nội dung bịa chuyện có thể thông thường hay kỳ quái. Bịa chuyện được là do rối loạn của thùy trán và mất khả năng tự giám sát (self-monitoring).  
  • Bịa chuyện hay gặp trong một số hội chứng quên do rượu như hội chứng Wernicke-Korsakoff. Ngoài ra gặp trong các rối loạn khác ở đồi thị, thùy trán… 
  • Trường hợp bịa chuyện kèm theo mất định hường gọi là lú lẫn bịa chuyện. Nhiều khi rất khó phân biệt giữa nhớ giả và bịa chuyện vì phải hiểu chi tiết cuộc đời của người đó mới biết chuyện kể là có thật hay là bịa. Nhớ giả và bịa chuyện có thể gặp trong các bệnh thực thể nặng ở não (có thể kèm theo quên) và có nội dung thông thường hay trong tâm thần phân liệt (không kèm theo quên) và mang tính chất hoang tưởng kỳ quái. 

- Nhớ nhầm (Fausse reconnaissance): Người bệnh nhớ các sự việc xảy ra với người khác thành việc của mình. Những điều nghe hoặc đọc thấy ở đâu đó lại cho là bản thân mình đã trải qua. 

- Nhớ đang sống trong dĩ vãng (Ecmnésie): Kết hợp với quên tiến triển, người bệnh tưởng mình đang sống trong dĩ vãng (10 - 20 năm trước), hành động như người trẻ lại, có khi soi gương không nhận ra mình, cho là một cụ già nào đấy. Gặp trong loạn thần tuổi già, động kinh.

5. Đã từng thấy (Déjà vu) 

- Người bệnh có cảm giác quen thuộc với những gì họ đang nhìn thấy mặc dù thực tế thì đây là lần đầu tiên họ có trải nghiệm như vậy. 

- Thường kết hợp với hiện tượng đã từng nghe (déjà entendu) và đã từng nghĩ đến (déjà pensé).

6. Chưa từng thấy (Jamais vu) 

- Thường kết hợp với chưa từng nghe (jamais entendu) và chưa từng nghĩ (jamais pensé). 

- Người bệnh có cảm giác họ chưa từng thấy, chưa từng nghe hoặc nghĩ đến những điều mà họ đã thực sự trải nghiệm trong quá khứ.

7. Mất trí nhớ (Amnesia)

Mất trí nhớ dẫn đến quên, đặc biệt những sự kiện mới, không có khả năng gọi tên người và nhận ra những nơi quen thuộc, mất các tài sản của bản thân và quên nơi ở. Mất trí nhớ nặng là điểm đặc trưng của bệnh Alzheimer.

Gia đình của người bệnh cần chú ý:

  • Duy trì nghiêm ngặt các thói quen và nếp sống gia đình thường ngày.
  • Khuyên người bệnh sử dụng các bảng ghi nhớ để viết các điều cần nhớ lên bảng, lịch và nhật ký, hoặc sử dụng phần mềm nhắc việc rất dễ sử dụng trên điện thoại di động.
  • Mang theo điện thoại di động khi đi ra ngoài một mình.
  • Người chăm sóc không được đáp ứng lại một cách giận dữ khi trả lời các câu hỏi lặp đi lặp lại của bệnh nhân, vì như thế sẽ tránh gây ra tình trạng kích thích và hung hãn, mất tự tin và trầm cảm cho bệnh nhân.

ThS. BS Phan Văn Mạnh 

Khoa Nội tổng quát - Học viện Quân y

- 02-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • Cảm nhận của mỗi con người về việc mình là nam hay là nữ chính là định dạng giới tính. Định dạng giới tính gần như phản ánh cơ quan sinh lý của một đứa trẻ: Trẻ sơ sinh có bộ phận sinh dục nam học được nó là con trai, còn những trẻ có bộ phận sinh dục nữ học được nó là con gái. Định dạng giới tính khác hẳn với vai trò giới tính – vốn là những tính cách, hành vi và kỹ năng được xác định là phù hợp với nam giới hoặc nữ giới tùy theo văn hóa mỗi nước. 

  • Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ là khi trẻ có khó khăn trong việc truyền tải hoặc diễn đạt thông tin bằng các kỹ năng nói, viết, dùng ký hiệu hoặc cử chỉ. Đối với các bé ở độ tuổi mầm non, sự suy yếu của chức năng diễn đạt chưa được diễn tả rõ ràng bằng kỹ năng viết vì các bé chưa chính thức học viết.

  • Thuật ngữ ám ảnh khoảng trống là để mô tả một cụm những ám ảnh sợ liên hệ qua lại và thường gối lên nhau bao gồm các nỗi sợ hãi khi đi ra khỏi nhà như: sợ đi vào của hàng, sợ đám đông, sợ những nơi công cộng, sợ đi một mình trong tàu hỏa, xe ô tô hoặc máy bay. Tùy mức độ trầm trọng của lo âu mà phạm vi của tác phong tránh né các tình huống gây hoảng sợ có khác nhau.

  • Trầm cảm là một bệnh thường gặp và rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày và gây đau khổ cho cả bạn và những người quan tâm đến bạn.

  • Người mắc ám ảnh sợ xã hội có những hành động cực đoan để tránh không tiếp xúc với bất kỳ ai. Những đặc điểm nổi bật của chứng sợ xã hội bao gồm nỗi sợ hãi dai dẳng về xã hội và các mối giao tiếp thường ngày hoặc nỗi sợ hãi về những tình huống mà mình sẽ bị mất mặt hay xấu hổ xảy ra.

  • Rối loạn hoang tưởng là tình trạng người bệnh rất tin vào điều gì đó, nhưng thật ra niềm tin của họ là sai, hơn nữa những niềm tin này ở họ rất mãnh liệt. Rối loạn hoang tưởng không phải là một dạng bệnh tâm thần phân liệt như nhiều người thường hiểu nhầm. Thay vào đó, một người được xem là hoang tưởng khi cho rằng tình huống nào đó có thể thực sự xảy ra với họ trong thời gian ít nhất 1 tháng, và niềm tin này dường như bình thường với họ.